Ảnh minh hoạ.
Như vậy, theo quy định hiện hành, cùng tham gia BHYT, cùng hệ thống với nhau nhưng quyền lợi của người tham gia BHYT lại khác nhau!
Hiện nay, có nhiều loại đối tượng tham gia BHYT, với các mức hưởng BHYT khác nhau được phân biệt theo các mã thẻ BHYT. Ví dụ, đối tượng tham gia BHYT là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thì được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT nhưng đối tượng khác như người có công với cách mạng được thanh toán 95%; cán bộ, công chức, người lao động được thanh toán 80%, còn lại phải đồng chi trả...
Từ đó, phát sinh những bất cập như cùng tham gia BHYT như nhau nhưng lại được hưởng khác nhau. Việc có quá nhiều mức hưởng khác nhau trước hết sẽ làm cho cơ quan BHXH khó khăn trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra thanh - quyết toán, do chia ra nhiều mức, nhiều hạng mục khác nhau. Tiếp đến là tạo ra cảm giác không công bằng, không hợp lý trong việc hưởng chế độ BHYT, vì cùng tham gia BHYT nhưng người thì được hưởng 100%, 95%, 80%. Đây cũng là nguyên nhân làm cho việc vận động người dân tham gia BHYT gặp khó khăn, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia vì điểm chưa hợp lý này.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần thống nhất mức hưởng chế độ BHYT theo một mức cố định, không phân chia ra các loại đối tượng khác nhau. Điều này vừa đảm bảo sự công bằng giữa những người tham gia BHYT, vừa tạo điều kiện cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm tra, thanh tra và thanh toán chế độ BHYT nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo chính xác, hợp lý đúng quy định.
Cần áp dụng nguyên tắc cùng tham gia như nhau thì mức hưởng phải như nhau trong chế độ BHYT. Bởi suy cho cùng, đã phải vào bệnh viện chữa bệnh thì nên như nhau, từ mức viện phí, chi phí khám chữa bệnh, điều trị bệnh... mọi người đều như nhau - bình đẳng, công bằng!
Không nên phân biệt đối tượng, mức hưởng trong khám, chữa bệnh BHYT!
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum