/ Góc nhìn
/ Không thể xem thường sự phẫn nộ của dư luận xã hội

Không thể xem thường sự phẫn nộ của dư luận xã hội

05/01/2021 18:10 |

(LSO) - Việc nâng khống giá mua thiết bị y tế để chia chác tiền nong với nhau không có gì mới mà đã trở thành hiện tượng khá phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Có vụ khởi tố, bắt tạm giam bị can, có vụ xử lý hành chính và không ít vụ được "cho qua".

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lần này, vụ nâng khống thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai lên hàng vài chục tỉ đồng, không chỉ 1 máy mà 2 máy "hiện đại bậc nhất thế giới", làm người bệnh phải chi trả tiền điều trị lên gấp 5 lần thực tế khiến dư luận hết sức phẫn nộ và rất muốn làm cho "ra nhẽ".

Càng phẫn nộ hơn khi những người có trách nhiệm trong việc mua máy này khẳng định là "đúng quy trình", "tuân theo các quy định của pháp luật" và "bệnh viện cũng chỉ là nạn nhân",... Theo nguồn tin từ báo chí cung cấp, không chỉ có Bạch Mai mua máy với giá này mà một bệnh viện khác tại Hà Nội cũng có tình trạng tương tự.

Tại một diễn biến khác, nơi "cung cấp" những bệnh nhân "tiềm năng" cho bệnh viện là những cơ sở chế biến và cung cấp thực phẩm bẩn, để xảy ra rất nhiều sai phạm nhưng không bị xử lý đến nơi, đến chốn, biểu hiện một thái độ coi thường sức khỏe và sinh mạng của người dân.

Mới đây nhất là sản phẩm Pate Minh Chay đã gây ngộ độc cho nhiều người ở mức độ nghiêm trọng, cơ quan chức năng đã phải lên tiếng cảnh báo người dùng và thu hồi sản phẩm này. Thế nhưng, dường như cơ sở sản xuất ra thứ thức ăn đầu độc con người này chẳng hề hấn gì. Mới đây, cơ quan chức năng huyện Đông Anh, TP. Hà Nội ra quyết định xử phạt Công ty sản xuất thức ăn chứa độc tố đó 17,5 triệu đồng. Nên nhớ, một lọ thuốc giải độc nhập từ Thái Lan dùng điều trị cho người ăn Pate Minh Chay có giá khoảng 180 triệu đồng, gấp hơn 10 lần số tiền bị xử phạt đó. Trong khi đó, 3 Sở chức năng ở Hà Nội liên quan đến việc kinh doanh, chế biến, lưu hành sản phẩm này đều không nhận trách nhiệm về mình mà "chỉ sang" các cơ quan khác khi phóng viên đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý.

Những việc làm, sự cố, hiện tượng xấu, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, "móc túi" người tiêu dùng, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe người dân,... khiến dư luận hết sức lo ngại. Sự lo ngại đó chuyển thành phẫn nộ khi người ta cố tình bao biện hoặc xử lý nửa vời, cố ý bao che. Vụ một Đại biểu Quốc hội có quốc tịch đảo Síp là một dẫn chứng. Dư luận chỉ trích, chê bai nhiều về ông này nhưng chỉ thực sự phẫn nộ khi có người lên tiếng bao che rằng "không nên đào sâu", "đừng truy là ông ta lấy tiền từ đâu",...

Dư luận ca ngợi việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải như xây nhà cho người nghèo, mua xe cứu thương tự lái chở bệnh nhân miễn phí nhưng phẫn nộ và tỏ thái độ bất bình trước những nhận xét cho rằng ông "làm màu". Ông có "làm màu" đi chăng nữa thì đó là cái màu hồng chói lọi giữa khung cảnh xám xịt "móc túi" bệnh nhân, biến người tiêu dùng thành nạn nhân, bỏ qua và dung dưỡng sai phạm nhan nhản hiện nay!

NHỊ NGỌC

/vu-ngo-doc-pate-minh-chay-ai-chiu-trach-nhiem-boi-thuong-cho-cac-nan-nhan.html