Ảnh minh họa.
Thời gian gần đây lại rộ lên việc nhiều tổ chức, cá nhân kêu gọi quyên góp từ thiện để ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, dịch họa,… Đặc biệt, vào ngày 12/9/2023 vừa qua đã xảy ra vụ cháy chung cư mini trên địa bàn quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội làm chết 56 người, hơn 30 người bị thương. Đây là tổn thất rất lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhằm giúp đỡ nạn nhân kịp thời khắc phục hậu quả trong lúc khó khăn, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhanh chóng đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện để giúp người bị nạn. Đây là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện “lá lành đùm lá rách”.
Dưới góc độ pháp lý, trước đây, theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Thông tư 72/2008/TT-BTC chỉ điều chỉnh đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội; quỹ từ thiện thành lập theo quy định của pháp luật và của các cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài), các tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật quy định theo Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Theo đó, nhiều tổ chức, cá nhân không được phép huy động từ thiện theo Nghị định này nên cũng gặp nhiều khó khăn khi áp dụng pháp luật.
Những cơ quan, tổ chức theo quy định được kêu gọi, tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ và phải tuân thủ các nguyên tắc tự nguyện, đúng mục đích, tuân thủ nghiêm ngặt thời gian kêu gọi, vận động, phân phối tiền, hàng cứu trợ. Trong đó, nghiêm cấm các hành vi: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo; lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi; báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.
Dù việc đứng ra kêu gọi tiền cứu trợ với tư cách của cá nhân, tổ chức không chuyên không thuộc sự điều chỉnh của Nghị định 64/2008/NĐ-CP, nhưng pháp luật cũng không cấm việc các cá nhân, tổ chức từ thiện đứng ra sử dụng uy tín của mình để kêu gọi, vận động những người khác ủng hộ phục vụ mục đích thiện nguyện, cứu trợ trong trường hợp thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Bản chất của việc kêu gọi từ thiện nhưng cố tình sử dụng số tiền, vật chất được quyên góp đúng mục đích của cá nhân có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ pháp lý khác nhau. Trong mỗi một trường hợp, hành vi vi phạm của các cá nhân vận động, phân phối, sử dụng tiền và vật chất kêu gọi được từ hoạt động từ thiện sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau từ khởi kiện dân sự, cho đến phạt hành chính và cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.
Hiện nay, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, đã bổ sung các quy định về cá nhân làm từ thiện. Đây là điểm mới, khắc phục khoảng trống pháp lý, tránh dẫn tới những nghi vấn, tranh cãi như trong thời gian qua. Đó cũng là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý, giám sát hoạt động này có hiệu quả hơn.
Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị định gồm các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền theo quy định của pháp luật. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vận động, tiếp nhận đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai. Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế vận động, tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Từ góc độ quản lý nhà nước, để bảo vệ những người làm công tác từ thiện, tránh được những rủi ro về pháp lý trong việc kêu gọi từ thiện, củng cố lòng tin của người dân vào các hoạt động thiện nguyện tác giả kiến nghị cần thực hiện một số giải pháp sau :
Một là, về việc kêu gọi, quản lý, sử dụng nguồn tiền từ thiện nên thông qua hoạt động của một quỹ từ thiện.
Quỹ từ thiện phải được thành lập theo quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trong một số trường hợp, để bảo đảm hiệu quả của hoạt động từ thiện, cần xem xét quy định mức sàn phải lập quỹ để hoạt động khi giá trị tài sản được vận động, quyên góp đạt đến mức giá trị sàn đó.
Hoạt động của quỹ dù hướng đến mục đích phi lợi nhuận song các nhà làm luật cũng cần xác định cụ thể cơ chế tài chính phù hợp phục vụ các hoạt động điều hành quỹ. Đồng thời, việc giải ngân số tiền từ thiện cần yêu cầu có sự giám sát, theo dõi của người dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan kiểm toán để làm căn cứ khi có vấn đề cần yêu cầu sự minh bạch.
Hai là, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về từ thiện, trong đó, cho phép các cá nhân, tổ chức không chuyên được vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện không qua cơ chế lập quỹ. Cụ thể, cần bảo đảm việc không hành chính hóa hoạt động từ thiện. Đây là yêu cầu cần thiết, bảo đảm hoạt động từ thiện được thực hiện theo đúng bản chất là quan hệ tư, xuất phát từ sự tự nguyện, không vụ lợi, phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam. Việc đặt hoạt động từ thiện do các cá nhân, tổ chức không chuyên vào hệ thống các quy phạm pháp luật, phải tiến hành theo các bước hành chính, với các giấy tờ, thủ thục chặt chẽ sẽ làm mất đi bản chất là quan hệ tư, xuất phát từ sự tự nguyện của hoạt động này. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình triển khai việc kêu gọi và phân phối các nguồn lực xã hội một cách kịp thời, đáp ứng được tình hình cấp bách của thực tiễn đặt ra.
Để bảo đảm sự điều chỉnh của pháp luật, phòng chống kịp thời những hành vi trục lợi từ hoạt động từ thiện, cần phải làm rõ khái niệm, nội dung của hoạt động này, từ đó phân loại các hoạt động từ thiện trên cơ sở thời gian, cách thức, phương pháp, chủ thể tiến hành. Trên cơ sở xây dựng được cơ chế hoạt động, pháp luật cần xác định được bộ nguyên tắc riêng áp dụng cho từng loại hình tình nguyện, cứu trợ nhân đạo. Trong đó, cần quy định thời gian mà cá nhân, tổ chức không chuyên kêu gọi, vận động từ thiện phải phân phối hết số tiền và vật chất đã tiếp nhận; các cá nhân, tổ chức vận động từ thiện có trách nhiệm bảo đảm sự minh bạch trong việc sử dụng nguồn tiền, vật chất được kêu gọi để phục vụ công tác báo cáo, công khai các thông tin cần thiết bảo đảm quyền lợi của người đóng góp. Bên cạnh đó, cần xem xét quy định mức giá trị tiền, vật chất, hàng hóa tối đa đối với hoạt động từ thiện không chuyên do các cá nhân, tổ chức tiến hành.
Đối với những trường hợp giá trị tiền, vật chất, hàng hóa được kêu gọi vượt mức tối đa được quy định, cần có sự phối hợp giữa cá nhân, tổ chức tiến hành từ thiện với chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc để bảo đảm việc tổ phân phối, sử dụng một cách phù hợp, bảo đảm sự giám sát, công khai, minh bạch, qua đó, khắc phục được bất cập về công khai, minh bạch đang tồn tại hiện nay.
Ba là, trước, trong và sau khi hành lang pháp lý về từ thiện được hoàn thiện, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tại những nơi có các cá nhân tổ chức hoạt động thiện nguyện cần có sự tích cực, chủ động, một mặt hỗ trợ cho các cá nhân, nhà hảo tâm làm tròn trách nhiệm của mình, mặt khác hạn chế những nguy cơ tiền, vật chất từ thiện bị lạm dụng. Chính quyền các cấp cũng cần có những biện pháp, chương trình tuyên truyền, giáo dục, tập huấn cụ thể cho những cá nhân, tổ chức có mong muốn thực hiện việc thiện nguyện.
Từ thiện, nhân đạo là hoạt động mang tính cộng đồng và xuất hiện từ lòng hảo tâm của các cá nhân. Trách nhiệm của nhà nước nhằm bảo đảm các hoạt động này đi đúng hướng, hiệu quả và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì vậy, nhà nước cần tạo ra hành lang pháp lý và cơ chế thực hiện, từ thiện, nhân đạo ở Việt Nam để bảo đảm hoạt động từ thiện ngày càng nhân rộng và có ý nghĩa thiết thực hơn cho cộng đồng xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Luật sư NGUYỄN THẮNG CẢNH