Ảnh minh họa.
Vấn đề pháp lý đặt ra là, liệu việc thay đổi quan điểm luận tội của VKS tại phần tranh luận theo hướng bất lợi cho bị cáo, có phù hợp với các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS) hay không? Trong bài viết, tác giả sẽ làm rõ vấn đề này (phạm vi nội dung bài viết không bao gồm việc thay đổi luận tội theo hướng có lợi cho bị cáo).
1. Về thời điểm luận tội và phạm vi tranh luận
BLTTHS 2015 đã quy định rất rõ thời điểm trình bày luận tội của Kiểm sát viên (KSV), theo đó KSV trình bày luận tội sau khi kết thúc việc xét hỏi và trước khi tranh luận (khoản 1 Điều 320 BLTTHS 2015). Cụ thể: “Nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án” (khoản 2 Điều 321 BLTTHS 2015).
Mặt khác, tại phần tranh luận: “Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa” (khoản 2 Điều 322 BLTTHS 2015). Như vậy, tại phần tranh luận, phạm vi đối đáp của KSV chỉ giới hạn trong những ý kiến mà bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác trình bày. Nói cách khác, KSV không được trình bày những nội dung mới, khác với bản luận tội nếu như những nội dung này không được phía bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác nêu ý kiến.
Với tình huống nêu trên, trong diễn biến tại phiên toà, bị cáo, người bào chữa, cũng như những người tham gia tố tụng khác không ý kiến các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo đã được hưởng. Tuy nhiên, khi bị cáo cho rằng mình không phạm tội thì KSV đề nghị HĐXX xem xét lại tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 đã ghi nhận cho bị cáo tại cáo trạng và tại phần luận tội. Như vậy, về bản chất, đây chính là thay đổi nội dung luận tội theo hướng bất lợi cho bị cáo của VKS.
Xét theo các quy định của BLTTHS 2015 đã viện dẫn, việc luận tội này không phù hợp về thời điểm, bởi phiên toà đang trong phần tranh luận và đã qua phần luận tội. Bên cạnh đó, việc thay đổi nội dung luận tội theo hướng không ghi nhận tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét mức hình phạt nặng hơn, chính là thay đổi nội dung luận tội theo hướng bất lợi, vi phạm nguyên tắc không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.
2. Về việc áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Trong đó:
- “Thành khẩn khai báo” là trường hợp người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã khai báo đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện [1].
- “Ăn năn hối cải” là trường hợp sau khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, giày vò lương tâm về hành vi phạm tội của mình không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra [2].
Với cách quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, giữa tình tiết “Thành khẩn khai báo” và “Ăn năn hối cải” có dấu “,”. Như vậy, chỉ cần người phạm tội “thành khẩn khai báo” hoặc “ăn năn hối cải” là đã được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, hay phải bắt buộc vừa “thành khẩn khai báo”, vừa “ăn năn hối cải” mới được ghi nhận. Về cách hiểu này, hiện có 02 luồng quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, người phạm tội muốn được hưởng tình tiết giảm nhẹ này thì phải thỏa mãn cả hai tình tiết “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải”. Trên cơ sở cho rằng, “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” là hai tình tiết có mối quan hệ biện chứng hữu cơ với nhau, nhằm nhấn mạnh thái độ và nhận thức của người phạm tội đối với hành vi mà mình đã thực hiện. Khi người phạm tội “thành khẩn khai báo” thì đồng thời, họ cũng “ăn năn hối cải” về hành vi phạm tội của mình. “Thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” phải luôn đi cùng nhau và không tách rời nhau, không thể chỉ có độc lập mỗi “thành khẩn khai báo” hoặc độc lập mỗi “ăn năn hối cải” nên tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” chỉ quy định một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Người phạm tội muốn được hưởng tình tiết giảm nhẹ này thì phải thỏa mãn cả hai tình tiết “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải”[3].
Quan điểm thứ hai cho rằng, khi bị cáo đã thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi của mình, nhưng do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên họ không nhận thức được hành vi của mình trái với quy định của pháp luật nên mới không thừa nhận. Trường hợp này bị cáo hoàn toàn đủ điều kiện để được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo”[4].
Tác giả cho rằng, với cách thức trình bày quy phạm pháp luật tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 thể hiện quan điểm của nhà làm luật rằng “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” là 02 tình tiết giảm nhẹ độc lập với nhau. Tuy nhiên, không phải người phạm tội nếu đáp ứng được cả 02 điều kiện thì sẽ được hưởng 02 tình tiết giảm nhẹ mà quy định này phải được hiểu, khi người phạm tội đáp ứng được 01 trong 02 điều kiện hoặc đáp ứng được cả 02 thì sẽ được hưởng 01 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm này. Với tình huống nêu trong bài viết, mặc dù bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, có thể hiểu theo quan điểm của Kiểm sát viên tham gia phiên toà là chưa “ăn năn hối cải”. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo đã khai báo đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi mà bị cáo đã thực hiện. Đây chính là hành vi “thành khẩn khai báo” và bị cáo vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015.
Từ các căn cứ đã nêu, tác giả cho rằng, việc VKS tại phần tranh luận đã đề nghị HĐXX không áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, đối với bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội trong tình huống đã nêu là không có cơ sở khoa học pháp lý và vi phạm quy định về tố tụng theo quy định của BLTTHS 2015.
[1] https://vksndtc.gov.vn/hoidap/Pages/hoi-dap.aspx?ItemID=478. [2] https://vksndtc.gov.vn/hoidap/Pages/hoi-dap.aspx?ItemID=478. [3] https://tapchitoaan.vn/ve-ap-dung-tinh-tiet-thanh-khan-khai-bao-an-nan-hoi-cai. [4] https://tapchitoaan.vn/ve-ap-dung-tinh-tiet-giam-nhe-“nguoi-pham-toi-thanh-khan-khai-bao-an-nan-hoi-cai”. |
Luật gia TRƯƠNG NGỌC LIÊU
TAT Law firm