/ Kinh tế - Pháp luật
/ Kiểm soát chặt giá xăng dầu, sách giáo khoa

Kiểm soát chặt giá xăng dầu, sách giáo khoa

13/06/2022 22:47 |

(LSVN) - Chiều 13/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì họp với các bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục,…).

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì họp với các bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu.

Theo đó, tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành nhìn nhận, áp lực lạm phát thời gian qua rất cao và nguy cơ lạm phát cuối năm là hiện hữu.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, so với cùng kỳ, CPI bình quân 05 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản 05 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% so với đầu năm.

CPI tăng chủ yếu do giá xăng dầu. 13 đợt điều chỉnh giá mặt hàng này từ đầu năm, trong đó 06 đợt tăng giá (tính tới cuối tháng 5) khiến CPI tăng 1,8 điểm phần trăm.

Từ chiều 13/6, mỗi lít xăng đã tăng lên mức kỷ lục mới, vượt 32.000 đồng. Nhận diện sức ép xăng dầu tiếp tục tăng, gây hiệu ứng tới nhiều dịch vụ, hàng hoá trong nước, Phó thủ tướng Lê Minh Khai cho rằng, việc điều hành giá sẽ rất khó khăn nên các bộ, ngành cần đánh giá kỹ tình hình để có giải pháp.

Ông yêu cầu điều hành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu linh hoạt; có các kịch bản đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết; kiểm soát, xử lý nghiêm buôn lậu xăng dầu qua biên giới và lợi dụng găm hàng, tăng giá.

Với giá sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị Bộ GD&ĐT, Tài chính có giải pháp bình ổn, quản lý giá mặt hàng này phù hợp thực tế, đảm bảo "mọi học sinh đều được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý".

Trước đó, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, giá sách giáo khoa quá cao, dùng một năm rồi bỏ gây lãng phí cho phụ huynh học sinh. Ông Phớc cho biết, hai Bộ Tài chính và GD&ĐT sẽ có các biện pháp nhằm bình ổn mặt hàng này.

Hệ luỵ của việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu là lạm phát kỳ vọng tăng cao, ảnh hưởng tới mục tiêu điều hành lạm phát chung của nền kinh tế. Lo ngại điều này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá linh hoạt, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Với một số mặt hàng thiết yếu "sát sườn" đời sống người dân, ông Khái đề nghị theo dõi sát diễn biến thị trường, để "dự báo sớm hơn", có biện pháp điều hành linh hoạt, đảm bảo cung cầu.

Những hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Phó thủ tướng lưu ý, "hết sức cân nhắc", đánh giá tác động chi tiết, báo cáo cấp có thẩm quyền, mới được tăng giá. Với mặt hàng doanh nghiệp tự định giá, nếu bất thường phải kiểm tra để có chấn chỉnh kịp thời.

QUÝ TRẦN

Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi

Lê Minh Hoàng