Ảnh minh họa.
Bên cạnh những hình đẹp nêu trên thì vẫn còn một số giáo viên bị tha hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống ảnh hưởng đến môi trường giáo dục; tiêu cực trong chấm thi; chạy theo thành tích trong giáo dục; tiêu cực trong việc nhận xét, đánh giá học sinh; thậm chí có hành vi dâm ô với học sinh; mua, bán chất ma túy…
Việc vi phạm đạo đức, lối sống của giáo viên có xu hướng ngày càng tăng, nguyên nhân xuất phát từ cơ chế thị trường tác động; công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nhà giáo chưa được kịp thời; các phản ánh về hành vi tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống của giáo viên chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong nhà trường chưa được đề cao; công tác quản lý một số nơi còn buông lỏng. Nhiều cơ sở giáo dục khi phát hiện hành vi vi phạm của giáo viên thì có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu kiên quyết, cá biệt có trường hợp tìm cách che đậy khuyết điểm, sai phạm. Một bộ phận giáo viên chưa có ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân.
Để ngăn chặn tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên hiện nay, theo tác giả cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, cụ thể như sau:
Thứ nhất, công tác tuyển chọn đầu vào của sinh viên ngành Sư phạm phải được coi trọng, cần phải thực hiện chặt chẽ hơn. Ngoài các tiêu chuẩn về năng lực, học lực, sức khỏe thì cần phải chú trọng đến các tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống của các tân sinh viên. Việc tuyển chọn giáo viên càng khắt khe thì chất lượng giáo dục sẽ càng được đảm bảo.
Thứ hai, ngành Giáo dục phải thường xuyên chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, đạo đức sư phạm cho các giáo viên. Kịp thời xác minh xử lý, kiến nghị xử lý hoặc điều chuyển công tác đối với các giáo viên có dư luận phản ánh vi phạm đạo đức, lối sống mà không cần phải chờ đến khi có kết luận kiểm tra, thanh tra hoặc điều tra.
Thứ ba, việc quan tâm chế độ, chính sách đối với giáo viên để yên tâm công tác là hết sức quan trọng. Nếu đảm bảo các điều kiện này, thì giáo viên yên tâm công tác, tập trung vào công tác chuyên môn, sẽ yêu ngành, yêu nghề hơn. Nếu làm tốt việc này thì sẽ không có những giáo viên phải đi làm thêm, bán hàng qua mạng hay tiêu cực hơn, đó là gợi ý để ban đại diện phụ huynh chăm lo, hỗ trợ cho giáo viên; gợi ý việc dạy thêm học thêm; bán đồ ăn cho chính học sinh của mình, làm hình ảnh của nhà giáo xấu dần trong mắt phụ huynh, học sinh và xã hội.
Thứ tư, giáo viên khi đã chọn nghề là phải biết chấp nhận với những khó khăn, vất vả và áp lực. Giáo viên phải tự nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ để thích ứng với thời đại số, công nghệ số và nhu cầu chuyển đổi số trong giáo dục. Nếu không, các giáo viên, nhất là giáo viên lớn tuổi sẽ bị tụt hậu, không đáp ứng với yêu cầu công tác và từ đó, rất dễ bị học sinh coi thường, thiếu tôn trọng. Bên cạnh đó, các giáo viên phải tự rèn luyện đạo đức, lối sống; phải biết cách kiềm chế, đề phòng và tránh xa những cám dỗ về vật chất tầm thường.
Thứ năm, tình cảm thầy trò là thiêng liêng, cao quý. Nhưng tình cảm thầy trò phải được thể hiện chân thành, nhân văn, đúng chuẩn mực và phải được đặt đúng nơi, đúng chỗ; thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, chứ không phải tình thầy trò được thể hiện thông qua các hành vi cư xử, ứng xử thiếu chuẩn mực, tiêu cực, bạo lực, không khách quan, phân biệt đối xử hoặc đòi hỏi một chiều. Chuẩn mực này cần phải có quy định cụ thể để làm thước đo đánh giá quá trình tu dưỡng, rèn luyện của giáo viên; đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý nghiêm những sai phạm của giáo viên nếu để xảy ra vi phạm.
Thứ sáu, môi trường giáo dục cần phải đề cao sự tôn trọng lẫn nhau. Học sinh, phụ huynh phải tôn trọng giáo viên và ngược lại, giáo viên phải biết tôn trọng phụ huynh, học sinh. Mối quan hệ này cần phải được duy trì, vun đắp thường xuyên thì chất lượng giáo dục mới được nâng cao. Nếu chỉ vì mâu thuẫn, xích mích giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm mà phụ huynh không cho con đi học như thời gian qua là hành động không thể chấp nhận được. Học sinh cần học và được học, đây là quyền, không ai được cấm đoán và cản trở học sinh.
Để ngăn chặn tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên hiện nay cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ xây dựng cơ chế, chính sách đến việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh và toàn xã hội. Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc tự rèn luyện đạo đức, lối sống của các giáo viên; giáo viên phải biết tự bảo vệ phẩm giá, nhân cách của bản thân, của ngành nghề mà mình đã chọn.
Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum