/ Tin tức
/ Kiến nghị giá đất phải phù hợp trong từng thời điểm thu hồi đất

Kiến nghị giá đất phải phù hợp trong từng thời điểm thu hồi đất

22/06/2023 11:17 |

(LSVN) - Về phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường, Đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải làm rõ chính sách phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, nhà đầu tư, quan trọng là nhà đầu tư và người dân nếu không đồng thuận thì sẽ khó thực hiện được dự án. Theo Đại biểu Quốc hội, giá đất phải phù hợp trong từng thời điểm thu hồi đất, có lợi cho dân và cũng phải có lợi cho nhà đầu tư để thu hút dự án, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa.

Ngày 21/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Góp ý vào khoản 3, Điều 28, dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đề nghị cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế. Đối với trường hợp nhận thừa kế, người cùng huyết thống thì tặng, cho, chuyển nhượng là bình thường.

Việc giao đất, cho thuê đất các sự nghiệp công lập nếu có nhu cầu sử dụng đất được giao để sản xuất kinh doanh thì được chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm sẽ được miễn tiền thuê đất. Tuy nhiên, không được bán tài sản thuộc sở hữu, không được thế chấp đất, thuê hoặc tài sản gắn liền với đất.

Về Điều 79, dự thảo Luật quy định thu hồi đất phục vụ các điểm kết nối giao thông và các dự án giao thông có tiềm năng phát triển, Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị có cân nhắc thận trọng khi ban hành Luật, xong tổ chức thực hiện, dân khiếu kiện thì rất khó giải quyết.

Thu hồi đất thực hiện nhà ở thương mại, sử dụng đất 100% đất nông nghiệp, chủ đầu tư có thể thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất để thực hiện dự án.

Cá nhân, hộ gia đình đất có đất tham gia với chủ đầu tư dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, trường hợp không thỏa thuận được thì Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư thực hiện, việc thu hồi đất phải được bồi thường hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân bị thu hồi đất và nhà đầu tư.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, vấn đề quan trọng là nơi ở mới hoàn thành tốt hơn nơi ở cũ như thế nào? (như không gian sống, hạ tầng, sinh kế, diện tích đất tái định cư, việc làm…).

Về phát triển quỹ đất, ông đề nghị mô hình phát triển quỹ đất và tổ chức phát triển quỹ đất nên gộp chung thành một để tránh chồng chéo nhiệm vụ và đảm bảo tinh gọn bộ máy. Việc phải bỏ tiền sử dụng đất hàng năm cho Quỹ phát triển đất cũng cần cân nhắc vì không theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Về phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường, Đại biểu Phạm Văn Hòa đồng ý nhưng đề nghị cần phải làm rõ chính sách phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, nhà đầu tư, quan trọng là nhà đầu tư và người dân nếu không đồng thuận thì sẽ khó thực hiện được dự án. Theo Đại biểu, giá đất phải phù hợp trong từng thời điểm thu hồi đất, có lợi cho dân và cũng phải có lợi cho nhà đầu tư để thu hút dự án, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có các quy định mở hơn nữa trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Về nguyên tắc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cần ghi rõ trong Luật nguyên tắc việc Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người dân có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Về các trường hợp giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, Đại biểu đề nghị bổ sung thêm trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê để đảm bảo công bằng, bình đẳng trong các trường hợp cho thuê đất.

Quan tâm đến nội dung quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, lúa gạo là ngũ cốc cơ bản, là cây lương thực chính, cây trồng chủ đạo trong nền nông nghiệp Việt Nam. Đất trồng lúa là đất có cấu tạo, giá trị dinh dưỡng cao, phải trải qua hàng trăm năm mới hình thành.

Mục tiêu đến năm 2030, nước ta vẫn tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, giữ ổn định diện tích đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Để thực hiện được mục tiêu giữ diện tích đất lúa, đất rừng, Đại biểu cho rằng cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa, đất trồng rừng, được xác định cụ thể đến từng địa phương, tới cấp xã. Với nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích phi nông nghiệp là tất yếu.

Trước mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, bà đề nghị cần quy định việc điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm đếm, lượng hóa, hạch toán đầy đủ hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cũng đề nghị quy định ngay trong luật các tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác, là cơ sở quan trọng để các địa phương thực thi thống nhất trong phạm vi cả nước.

Cụ thể, đề nghị bổ sung một số tiêu chí như: Không được chuyển mục đích đất nông nghiệp sau khi đã được tích tụ, tập trung sang phi nông nghiệp, có báo cáo đánh giá tác động, tính khả thi của dự án, gắn trách nhiệm của chủ dự án với cộng đồng.

MINH TRẦN

Miễn lệ phí khi chuyển đổi các loại giấy tờ do sáp nhập huyện, xã

Nguyễn Hoàng Lâm