Ảnh minh họa.
Theo HoREA, để các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản thì giải pháp đầu tiên chính là giải pháp "phi tín dụng", phụ thuộc vào việc các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản,để vừa có đủ điều kiện vay tín dụng, vừa tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Để thực hiện được giải pháp "phi tín dụng", tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, HoREA cho rằng phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Và cùng với giải pháp phi tín dụng, HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước một loạt giải pháp về tín dụng.
Thứ nhất, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN theo hướng "nới một chút" điều kiện vay vốn, không quy định "khách hàng có đủ các điều kiện" mà chỉ quy định "khách hàng có các điều kiện" và bổ sung phương thức "khách hàng thỏa thuận với tổ chức tín dụng thuê đơn vị tư vấn độc lập thực hiện thẩm định tính khả thi của dự án đầu tư, thẩm định về dòng tiền của dự án; chi phí thẩm định do khách hàng thanh toán", để hỗ trợ ngân hàng thương mại thẩm định, đánh giá tính khả thi của dự án đầu tư và tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong một thời gian nhất định cho đến khi nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại bình thường, để tăng khả năng "chống chịu" cho doanh nghiệp và có thêm cơ hội tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN và mặc dù quy định đã có hiệu lực thi hành từ ngày 31/10/2023) gia hạn hiệu lực thi hành thêm 12 tháng, đến ngày 31/10/2024 để tăng thêm nguồn cung tiền cho các tổ chức tín dụng mà vẫn bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.
Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước xem xét bãi bỏ tiết (iii) điểm b khoản 2 Điều 22 và khoản 5 Điều 26 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi bổ sung tại điểm c khoản 6 và điểm b khoản 9 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN), để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó có "đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh" và bảo đảm "quyền" của "bên nhận đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh", trong đó có "bên nhận đặt cọc" là chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại.
Thứ sáu, Ngân hàng Nhà nước xem xét bãi bỏ khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng và khách hàng thực hiện việc xét duyệt cho vay và vay tín dụng.
Thứ bảy, Ngân hàng Nhà nước xem xét "mở rộng hơn" một số đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỉ đồng/căn và có ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên.
Thứ tám, Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 101 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bổ sung phương thức "khách hàng thỏa thuận với tổ chức tín dụng thuê đơn vị tư vấn độc lập thực hiện thẩm định tính khả thi của dự án đầu tư, thẩm định về dòng tiền của dự án; chi phí thẩm định do khách hàng thanh toán", để hỗ trợ ngân hàng thương mại thẩm định, đánh giá tính khả thi của dự án đầu tư và tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 194 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, bổ sung quy định "việc thực hiện chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm của khoản nợ đó theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản" để "dẫn chiếu" về Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
PV