/ Luật sư - Bạn đọc
/ Kiến nghị một số giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ em tại những điểm trông trẻ tự phát

Kiến nghị một số giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ em tại những điểm trông trẻ tự phát

17/12/2024 10:43 |

(LSVN) - Tác giả cho rằng, để ngăn chặn trình trạng hành hạ, ngược đãi trẻ em ở các điểm trông giữ trẻ thì các cơ quan quản lý nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp tích cực như tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện cấp phép hoạt động; bắt chủ cơ sở trông giữ trẻ ký các cam kết; tăng cường các hoạt động giám sát của các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương…

Có thể thấy, hiện nay, tình trạng hành hạ, ngược đãi trẻ em ở các điểm trông giữ trẻ mà chưa có giải pháp cụ thể để ngăn chặn. Nếu không có biện pháp căng cơ, quyết liệt của các cơ quan quản lý thì tình trạng này sẽ tái diễn và diễn biến ngày càng phức tạp.

Sở dĩ tình trạng hành hạ, ngược đãi trẻ em thường xuyên xảy ra ở các điểm trông giữ trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ nhất, các địa điểm trông giữ trẻ được cấp phép hoạt động thường chạy theo lợi nhuận bất chấp các điều kiện về đội ngũ nhân viên giữ trẻ không đảm bảo, chưa qua đào tạo nghiệp vụ, không đủ tiêu chuẩn đạo đức, áp lực công việc….

Thứ hai, các điểm trông giữ trẻ thường nhận giữ trẻ vượt định mức so với quy định để tăng nguồn thu nhập và làm hài lòng phụ huynh bằng cách ép các cháu ăn uống để tăng ký.

Thứ ba, nhiều phụ huynh chỉ mong muốn con mình có được chỗ gửi để đi làm, được người trông trẻ cho ăn uống, vệ sinh là được, chứ ít quan tâm đến việc họ chăm sóc con mình như thế nào, vệ sinh ra sao.

Bên cạnh đó, các điểm trông giữ trẻ chủ yếu là nhận trẻ nhỏ tuổi, chưa biết nói… do đó, khi xảy ra tình trạng ép ăn hoặc hành hạ khi các cháu không vâng lời thì các cháu chỉ khóc chứ không thể trình bày với phụ huynh. Khi phát hiện các cháu bị bầm, trầy xướt thì chủ cơ sở thường viện nhiều lý do như các cháu tự chơi té ngã hoặc cào cấu với các bạn cùng lớp.

Một điểm đáng chú ý của vụ việc bạo hành nêu trên, đó việc nhận giữ trông trẻ tại nhà đã và đang diễn ra phổ biến, đa số là hoạt động không phép. Người nhận giữ trẻ không có trình độ chuyên môn, kỹ năng, đạo đức... để trông giữ trẻ. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của chính quyền địa phương đối với cơ sở trông trẻ này còn lỏng lẽo. Bên cạnh đó, thực trạng trên cho thấy hiện nay đang thiếu các cơ sở giáo dục mầm non do nhà nước cấp phép, dẫn đến hình thành các cơ sở trông giữ trẻ tại nhà bất hợp pháp, việc này sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là chất lượng dinh dưỡng không được kiểm soát.

Để ngăn chặn trình trạng hành hạ, ngược đãi trẻ em ở các điểm trông giữ trẻ thì các cơ quan quản lý nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp tích cực như tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện cấp phép hoạt động; bắt chủ cơ sở trông giữ trẻ ký các cam kết; tăng cường các hoạt động giám sát của các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương…

Một trong những giải pháp được nhiều phụ huynh và dư luận đồng tình đó là lắp đặt hệ thống camera tại các địa điểm trông giữ trẻ. Tuy nhiên, đề xuất có tính khả thi này lại không nhận được sự ủng hộ của các chủ cơ sở và nhân viên trông giữ trẻ. Nguyên nhân là do chi phí tốn kém, ảnh hưởng đến quyền riêng tư của chủ cơ sở cũng như nhân viên trông giữ trẻ..

Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng hành hạ, ngược đãi trẻ em ở những điểm trông giữ trẻ hiện nay thì giải pháp hữu hiệu nhất là phải bắt buộc chủ cơ sở trông giữ trẻ phải lắp đặt camera kết nối với phụ huynh và cơ quan quản lý để giám sát. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phải công khai số điện thoại, đường dây nóng bảo vệ trẻ em để người dân dễ dàng tiếp cận được với số điện thoại, đường dây nóng này để trình báo, khi có hành vi bạo hành xảy ra.

Khi nhận thông tin trình báo, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội, nhất là cơ quan công an phải cử ngay lực lượng tiếp cận, xử lý, bất kể thời gian nào. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần quản lý, giám sát các gia đình có trẻ em sinh sống nhưng bố mẹ không chấp hành pháp luật, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc hoặc bố mẹ rơi vào tình trạng nghiện ngập, cờ bạc, rượu chè bê tha,…để có biện phải can thiệp, hỗ trợ và xử lý theo quy định.

Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ là trách nhiệm của gia đình, chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm của cộng đồng,… Việc trình báo hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em cần phải thực hiện ngay khi có dấu hiệu chứ không đợi đến khi xảy ra hành vi. Người trình báo phải được cơ quan chức năng giữ bí mật thông tin, được bảo vệ, khen thưởng và ngược lại, pháp luật phải có chế tài để xử lý nghiêm đối với hành vi thờ ơ, vô cảm hoặc biết nhưng không trình báo. Có như vậy, mới hạn chế những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra như thời gian qua.

ĐỖ VĂN NHÂN
Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Kon Tum

Các tin khác