Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác. Thảo luận tại phiên họp, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là chi cho y tế, giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sức khoẻ người dân; người bệnh, người học sẽ không phải chi trả phí dịch vụ cao.
Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) bày tỏ đồng tình với việc tăng chi cho giáo dục đào tạo và quan tâm hơn nữa cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… Đại biểu cho biết trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay mới chỉ có 28% lao động được đào tạo, cấp chứng chỉ. Như vậy là 72% còn lại chưa được qua đào tạo, cấp chứng chỉ, tương đương với khoảng hơn 37 triệu lao động chưa được qua đào tạo sẽ rất khó giúp chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khó nắm bắt được ngành nghề kinh tế mới và thực hiện đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ.
Đại biểu kiến nghị cần mở rộng đào tạo ngành nghề cho các lĩnh vực còn thiếu lao động. Đồng thời liên kết với các nước tiên tiến để đào tạo các lĩnh vực mới và khai thác triệt để các quỹ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng quan điểm này, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế... Nếu thực hiện tự chủ, băn khoăn lớn nhất của các bệnh viện hay trường đại học công lập là phải trả khoản tiền vay lãi suất cho ngân hàng khi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Điều này khiến các bệnh viện và trường đại học phải tăng viện phí hoặc học phí cao lên.
Do đó, cần phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Sau khi đầu tư xong thì cơ quan quản lý nên giao cho các trường, bệnh viện thực hiện tự chủ phải tự tính để tái đầu tư và tự lo chi thường xuyên. Như vậy, người bệnh, người học sẽ không phải chi trả phí dịch vụ cao.
Ngoài ra, Đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội) nêu quan điểm nếu đã xác định giai đoạn sắp tới cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo hướng đến kỷ nguyên vươn mình, cần chú trọng thật sự chú trong tới giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và khoa học công nghệ. Nếu đầu tư tốt cho 3 lĩnh vực này trong thời gian tới thì sẽ tạo ra bứt phá, đem đến kết quả lâu dài cho các giai đoạn sau. Đại biểu kiến nghị, để quốc gia có bước đột phá về đổi mới sáng tạo, thì đổi mới sáng tạo phải dựa vào các nhà khoa học nhiều hơn. Đối với hiệu quả của nghiên cứu khoa học, chúng ta cần đặt niềm tin trước, các nhà khoa học cần được chọn lọc, đánh giá kỹ, có cam kết về sản phẩm đầu ra, đầu tư theo các hướng nghiên cứu mang tính chất dài hạn và bài bản thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển.