Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cuộc họp Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 8 bộ ngành trung ương và 4 địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào sáng 27/7.
Theo đó, về giải pháp trong thời gian tới, báo cáo đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; tập trung chỉ đạo thực hiện thật tốt công tác giải phóng mặt bằng. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị với kết quả giải ngân; tiếp tục xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện việc giao ban định kỳ hằng tháng về giải ngân vốn đầu tư công để phát hiện các tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc;…
Đồng thời, báo cáo nêu rõ kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, 12 cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cố gắng để giải ngân theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Cơ bản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân vẫn chưa đạt được mức bình quân chung của cả nước.
Về phân bổ vốn, có 9/12 đơn vị đã phân bổ 100% vốn (còn 8,5% tổng số vốn chưa được phân bổ hết). Về giải ngân, trong số 12 bộ ngành, địa phương, có hai địa phương giải ngân cao hơn mức bình quân chung cả nước là Bạc Liêu và Kiên Giang. Nhưng nhìn chung, cả việc phân bổ vlẫn việc giải ngân vốn đầu tư công của đa số các cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 2 chưa đạt yêu cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công; trong quá trình triển khai thực hiện cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Đồng thời, phải tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, gắn với kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm trong quá trình giải ngân. Đối với các dự án không thể giải ngân hết thì đề xuất điều chuyển vốn.
MAI HUỆ
Pháp luật quy định như thế nào về các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung?