Kinh doanh thời hội nhập

08/08/2022 22:44 | 1 năm trước

(LSVN) - Kinh doanh là một trong những hoạt động phong phú và không thể thiếu trong đời sống của con người. Hoạt động kinh doanh được thông qua các tổ chức là công ty, hợp tác xã, tập đoàn, hộ gia đình và cá nhân. Kinh doanh là phương thức hoạt động kinh tế bao gồm từ quá trình đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; vận tải; thương mại; dịch vụ... với mục tiêu bỏ vốn để sinh lời.

Ảnh minh họa.

“Phi thương bất phú” từ xa xưa đã trở thành câu châm ngôn của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng; “phi thương” là không kinh doanh, buôn bán; “bất phú” là không giàu có, tài lộc; như vậy, câu châm ngôn muốn khẳng định vai trò, tầm quan trọng của kinh doanh và được xem như một cẩm nang, mơ ước của con người trong cuộc sống. Nhà bác học Lê Quý Đôn thế kỷ 18, người “tổng hợp” mọi tri thức của thời đại đã nói về bốn thành phần là lực lượng nòng cốt xây dựng nền tảng xã hội phát triển vững chắc của một quốc gia và đúc kết thành kinh nghiệm nổi tiếng: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi trí bất hưng, phi thương bất hoạt”. Nghĩa là không có nông nghiệp thì xã hội không được ổn định, không có công nghiệp thì đất nước không giàu, không có tri thức thì xã hội không hưng thịnh và không có thương mại thì xã hội không hoạt động.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, các nước giàu mạnh đều là những quốc gia có nền tảng giáo dục vững chắc, công nghiệp phát triển vượt bậc cùng với việc kinh doanh giao thương, lưu thông hàng hóa toàn cầu trên cơ sở nền kinh tế thị trường có cấu trúc đa sở hữu phát triển và có quan hệ thương mại, đầu tư giữa các quốc gia. Kinh doanh không chỉ là buôn bán mà còn bao gồm cả sản xuất; tuy nhiên, không phải tất cả các hoạt động sản xuất, mua bán đều là kinh doanh mà chỉ có những hoạt động sản xuất, buôn bán có sinh lợi mới được coi là kinh doanh. Ở Việt Nam, thuật ngữ “kinh doanh” mới được sử dụng từ năm 1990 trong Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Chuyển sang nền kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế có những sự thay đổi về chất, tính chất của các hoạt động kinh doanh cũng thay đổi, do vậy cần phải xác định rõ khái niệm “kinh doanh” cho phù hợp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, “kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận” (khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020).

Quyền tự do kinh doanh lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” (Điều 57); Hiến pháp 2013 đã có một bước tiến mới, cởi mở hơn với nguyên tắc: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33). Đồng thời Hiến pháp 2013 khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng quy luật của thị trường. Các quy định về quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp ngày càng mở rộng, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế. Điều này không chỉ được chứng minh qua hệ thống, hành lang pháp lý mà còn qua hiện thực hóa ở môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua, được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá rất cao.

Tự do kinh doanh thời hội nhập ở Việt Nam được thể hiện bằng pháp luật với nội dung cơ bản bao gồm: quyền tự do thành lập doanh nghiệp; quyền tự do lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; quyền tự do giao kết hợp đồng; quyền tự do quyết định các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; quyền tự do cạnh tranh. Đến thời điểm này, Việt Nam đã bổ sung, thay đổi đồng bộ 5 ngành luật liên quan đến kinh doanh theo hướng phù hợp với những điều ước tế mà Việt Nam ký kết, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015.

Qua quá trình đổi mới ở Việt Nam đã chứng minh nếu không có nền kinh tế thị trường, với nhiều thành phần kinh tế thì không thể có tự do kinh doanh. Chủ trương xây dựng, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường là nền tảng quan trọng cho việc thừa nhận và bảo vệ quyền tự do kinh doanh, là điều kiện ra đời của quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam. Quyền tự do kinh doanh là mục tiêu của xã hội văn minh, nó không chỉ là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, mà còn là sự tiến bộ của văn hóa, xã hội và đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Nhà nước bảo vệ quyền tự do kinh doanh bằng pháp luật thông qua việc: Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp; kiểm soát độc quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại và không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế.

Đồng thời, Nhà nước có các chính sách phù hợp để đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại thị trường không chỉ trong nước mà còn phát triển mở rộng thị trường ngoài nước; quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ công. Nhờ đó, mà những năm gần đây, quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam có nhiều đổi mới, phát triển và đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ đất nước.

Trong những năm vừa qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu làm cho hoạt động kinh doanh ở Việt Nam vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng trong năm. Đó chính là kết quả sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh sau Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Cùng với nhu cầu của thị trường quốc tế, năm 2021 Việt Nam có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 69,70% tổng kim ngạch xuất khẩu; đặc biệt là ngành dệt may, xuất khẩu năm 2021 đã đạt 39 tỉ USD, tăng 11,20% so với năm 2020. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2021 của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức 2 con số. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được duy trì, nông sản, hàng hóa vẫn được kết nối tiêu thụ ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh. Đây chính là tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội đã có quyết định gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lên tới 350 nghìn tỉ đồng tiếp sức cho doanh nghiệp và nền kinh tế; đây là gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay thực hiện trong năm 2022 và 2023. Quyết định này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước ta trong việc đưa nền kinh tế sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách để vững bước đi lên, đáp ứng được mong muốn của người dân, cộng đồng doanh nghiệp yên tâm ổn định đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phía trước chúng ta vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại cần phải tiếp tục khắc phục trong công cuộc đổi mới, hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.

Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, tiếp tục ban hành, bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm mọi chủ thể phải tuân theo pháp luật, đồng thời luật chung và luật chuyên ngành phải đồng bộ, trong các trường hợp cần thiết có thể xây dựng quy trình riêng với một số ngành nghề đặc thù.

Thứ hai, mở rộng thị trường kinh doanh, tiếp tục cắt giảm quy định các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (hiện nay còn 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư 2020), tạo sự an toàn, công bằng, bình đẳng và cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh hiện nay. Đồng thời Nhà nước phải bảo đảm quá trình phát triển chung bền vững kết hợp hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, theo hướng mọi hoạt động quản lý nhà nước phải tuân thủ pháp luật. Tiếp tục tháo dỡ các rào cản từ khung pháp lý làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Việc quản lý theo nhu cầu của doanh nghiệp, chứ không phải quản lý theo sự áp đặt của cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ tư, đối với cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt tìm kiếm cơ hội, sản xuất - kinh doanh; gắn với yếu tố bền vững: Chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, mới đáp ứng được nhu của thị trường trong nước và tiếp cận được với thị trường ngoài nước; không thể tư duy theo cách thức sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, chộp giật và tác phong nông nghiệp lạc hậu trước đây, mà cần phải tạo dựng thương hiệu của mình. Nỗ lực của từng doanh nghiệp, mỗi doanh nhân sẽ góp phần đưa tên tuổi Việt Nam định hình rõ hơn trên bản đồ thế giới, là nền tảng tạo dựng thương hiệu Quốc gia Việt Nam với sức sống mạnh mẽ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Đối với mỗi quốc gia, nền kinh tế có một vai trò đặc biệt quan trọng, phát triển, tăng trưởng kinh tế chính là thể hiện một quốc gia thịnh vượng. Trong thời hội nhập, việc bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi là một yếu tố vô cùng quan trọng để phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong nước, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam, đặc biệt là đổi mới về kinh tế đã tạo ra động lực để đất nước từng bước phát triển toàn diện, vững chắc. Có thể nói, chưa có khi nào người dân, doanh nghiệp lại có nhiều cơ hội để mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh như ngày nay.

Việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh sẽ tạo ra một nguồn lực để xây dựng nền kinh tế chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước của Đại hội Đảng XIII: Phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Luật sư TRẦN VĂN CHƯƠNG

Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực

Hiệp hội Doanh nghiệp NVV Việt Nam

Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện trong các vụ án dân sự