/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện trong các vụ án dân sự

Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện trong các vụ án dân sự

30/07/2022 14:21 |

(LSVN) - Điều kiện tặng cho được hiểu là một hoặc nhiều nghĩa vụ mà bên được tặng cho phải thực hiện trước hoặc sau khi nhận tài sản tặng cho. Thông thường, điều kiện tặng cho do bên tặng cho đưa ra và được sự chấp thuận của bên được tặng cho. Việc xác định điều kiện tặng cho phụ thuộc vào ý chí của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, các bên không được phép thỏa thuận điều kiện mà vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn về thực tiễn giải quyết các tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện tại Điều 462 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và đề xuất, kiến nghị.

Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm nào?

Ảnh minh họa. 

Hợp đồng dân sự xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực đời sống xã hội của con người. Tặng cho tài sản là một trong những giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng dân sự nói riêng diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội. Mặc dù vậy nhưng vẫn còn không ít các chủ thể chưa xác định đúng hoặc không hiểu rõ về các đặc điểm pháp lý của loại hợp đồng tặng cho nhất là đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện. Trong đời sống xã hội, việc tặng cho bao gồm cả việc tặng cho tài sản giữa cá nhân với cá nhân và việc tặng cho người khác tài sản hợp pháp của mình là chuyện bình thường. Về mặt pháp luật, việc tặng cho tài sản có thể bằng hình thức hợp đồng, cũng có thể là hành vi pháp lý đơn phương của chủ sở hữu tài sản làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự đối với bên tặng cho tài sản và đối với bên nhận tài sản tặng cho. Tài sản tặng cho, có thể là bất động sản hoặc là động sản. Trường hợp đồng tặng cho tài sản được lập thành văn bản thì gọi là hợp đồng tặng cho tài sản (HĐTCTS). HĐTCTS lại có hai trường hợp khác nhau, gồm: HĐTCTS có điều kiện và HĐTCTS không có điều kiện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn về thực tiễn giải quyết các tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện trong các vụ án dân sự được quy định tại Điều 462 BLDS năm 2015 và đề xuất, kiến nghị.

Thực trạng giải quyết các vụ án tranh chấp HĐTCTS có điều kiện

Thực tiễn giải quyết các tranh chấp HĐTCTS có điều kiện, nhận thấy việc Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh điều kiện ghi hoặc không ghi rõ trong HĐTC là rất khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà điều kiện tặng cho thường được các bên lập thành một văn bản thỏa thuận riêng mà không ghi rõ trong HĐTC. Đến khi, bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì các bên mới dẫn đến tranh chấp tại Tòa án. Hiện nay, để giải quyết HĐTCTS có điều kiện này, ngoài Điều 462 BLDS, Tòa án còn áp dụng Án lệ số 14/2017/AL về công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mà điều kiện đó không được ghi trong hợp đồng (Gọi chung là Án lệ số 14/2017/AL). Thực tiễn cũng cho thấy đối với các HĐTCTS có điều kiện, đặc biệt liên quan đến đất đai, nhà ở, HĐTC được công chứng theo mẫu HĐTC được soạn sẵn tại Văn phòng/Phòng công chứng nên không thể hiện đầy đủ được điều kiện tặng cho có nội dung như thế nào. Thậm chí, trường hợp nếu các bên có yêu cầu Công chứng viên ghi rõ điều kiện tặng cho trong HĐTC nhưng điều kiện đó không đúng quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội cũng không được Công chứng viên ghi vào trong hợp đồng.

Ngoài ra, không ít trường hợp, điều kiện tặng cho được bên tặng cho thể hiện bằng “miệng” cho bên được tặng cho, nên khi dẫn đến tranh chấp, Tòa án rất khó thu thập được tài liệu, chứng cứ để chứng minh, trừ khi các bên thừa nhận điều kiện tặng cho bằng miệng này. Chẳng hạn tại bản án dân sự số 149/2021/DS-PT ngày 11/11/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau, về việc tranh chấp HĐTCTS có nêu “Bà T, chị T và anh T cũng xác định sau khi được tặng cho đất, thì vợ chồng chị T cũng đã nhận nuôi bà T; đồng thời bà T và chị T cũng thừa nhận tất cả các con bà T đều biết sự việc này, và chấp nhận chị T phụng dưỡng bà T đến cuối đời. Như vậy, cần khẳng định: Việc tặng cho hết tài sản của bà T đối với chị T là đã có sự đồng thuận thống nhất của các bên, kể cả các con còn lại của bà T về việc chị T phải phụng dưỡng bà T đến cuối đời. Mặc dù trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của bà T đối với chị T không ghi có điều kiện nuôi dưỡng, nhưng xét lời trình bày của các bên đương sự, xác định các con trong gia đình, cho thấy giao dịch trên đã tồn tại mục đích giao dịch dân sự có điều kiện: Bà T cho hết tài sản cho chị T, bà T sẽ được phụng dưỡng đến cuối đời. Như vậy, cần xác định giao dịch giữa các bên là có điều kiện, phù hợp với các Điều 120, Điều 121 Điều 462 BLDS. Nay, bà T quyết định không sống với vợ chồng chị Tnữa, bà T cũng không kiện đòi lại hết tài sản đã tặng cho, bà T chỉ kiện đòi chị T, anh T trả lại sốtiền 150.000.000 đồng là chưa đến ½ giá trị phần đất 4.445m2 là có cơ sở. Điều này cũng phù hợp với Án lệ số 14/2017/AL ngày 14/12/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối” [1]. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi ích của các bên trong HĐTCTS có điều kiện, thực tiễn xét xử còn nhiều tình huống phát sinh mà pháp luật chưa được dự liệu, cụ thể như sau:

Thứ nhất, trường hợp bên được tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho do sự kiện bất khả kháng hoặc lỗi cố ý của bên tặng cho. Tại Điều 462 BLDS mới chỉ ghi nhận việc bên được tặng cho không thực hiện điều kiện thì bên tặng cho được quyền đòi lại tài sản. Trong trường hợp bên được tặng cho có đủ khả năng để thực hiện điều kiện nhưng cố tình không thực hiện, trường hợp này bên tặng cho hoàn toàn có quyền đòi lại tài sản tặng cho. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong trường hợp bên được tặng cho không thực hiện được điều kiện nhưng không phải do lỗi của bên được tặng cho mà do sự kiện bất khả kháng hoặc lỗi cố ý của bên tặng cho thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản tặng cho hay không? Đây là vấn đề mà Điều 462 BLDS chưa quy định, nên thực tiễn xét xử có nhiều quan điểm khác nhau như sau:

Một là, sự kiện bất khả kháng nằm ngoài khả năng dự liệu của cả bên tặng cho, bên được tặng cho và nguyên nhân chính dẫn đến việc bên được tặng cho không thực hiện được điều kiện mà các bên đã cam kết. Điều 462 BLDS chưa đề cập trường hợp ngoại lệ nào về việc bên được tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản mà không cần phải tìm hiểu, xem xét lý do dẫn đến việc bên được tặng cho không thực hiện điều kiện. Đối chiếu khoản 2 Điều 351 BLDS năm 2015 quy định “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Có thể hiểu, sự kiện bất khả kháng là căn cứ để loại trừ trách nhiệm cho bên được tặng cho. Áp dụng quy định này để giải thích cho trường hợp bên được tặng cho không thực hiện được điều kiện tặng cho do sự kiện bất khả kháng thì bên tặng cho không có quyền đòi lại tài sản tặng cho. Do đó, hậu quả pháp lý khi giải quyết việc bên được tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho do sự kiện bất khả kháng hợp lý hơn bởi không thể giải quyết hậu quả giống nhau trong trường hợp bên được tặng cho cố ý không thực hiện điều kiện và trường hợp bên được tặng cho không thể thực hiện được điều kiện do sự kiện bất khả kháng. Chẳng hạn tại dự thảo Án lệ số 11/2021 về hiệu lực của HĐTC quyền sử dụng đất (QSDĐ) khi chưa đăng ký quyền sở hữu có nêu “Hợp đồng đã thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật về quyền tặng cho QSDĐ. Cho đến khi chết, người tặng cho tài sản không có văn bản nào để thay thế HĐTCTS đã ký kết trước đó và không có hành động nào thể hiện sự thay đổi ý chí đã thể hiện tại HĐTCTS đã ký kết. Người được tặng cho tài sản không thực hiện được việc đăng ký tài sản (QSDĐ) là do trở ngại khách quan về thủ tục hành chính (hoặc do trở ngại khách quan khác), không phải do ý chí chủ quan của người tặng cho tài sản” [2]. 

Do đó, trường hợp người được tặng cho là ông V hoàn thiện thủ tục đăng ký QSDĐ thì phải công nhận hiệu lực của HĐTC QSDĐ giữa bà C1 và ông V[3]. Thực tiễn xét xử cho thấy, không ít trường hợp do trở ngại khách quan xảy ra trên thực tế, mà bên được tặng cho không thể thực hiện được điều kiện tặng cho, mặc dù bên được tặng cho có thiện chí muốn thực hiện các cam kết mà các bên đã thỏa thuận. Các nguyên nhân trở ngại khách quan có thể do thủ tục hành chính hoặc do trở ngại khách quan khác, không phải do ý chí chủ quan của người tặng được cho tài sản và nằm ngoài khả năng dự liệu của các bên.

Hai là, trường hợp bên được tặng cho không thực hiện điều kiện do lỗi cố ý của bên tặng cho. Điều kiện mà bên được tặng cho cam kết và việc thực hiện điều kiện này phụ thuộc vào sự hợp tác của bên tặng cho thì có thể xảy trường hợp sau khi giao kết HĐTC có điều kiện, bên tặng cho không muốn tặng cho tài sản nữa nên cố tình gây khó khăn cho bên được tặng cho trong việc thực hiện điều kiện. Để giải quyết vấn đề này tại khoản 3 Điều 351 BLDS năm 2015 cũng đã dự liệu “Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền". Nếu bên tặng cho đưa ra điều kiện mà việc thực hiện hay không thực hiện điều kiện này hoàn toàn do bên tặng cho quyết định thì bên được tặng cho nhận được tài sản hay không phụ thuộc vào sự hợp tác, ý chí của bên tặng cho.

Chẳng hạn tại bản án dân sự số 101/2019/DS-PT ngày 19/9/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh B, về việc tranh chấp HĐTCTS có nêu: “Tại phiên tòa, cụ C cũng thừa nhận, vợ chồng ông L đối xử, chăm lo ông rất tốt. Những lời khai này hoàn toàn khách quan, phù hợp với các tài liệu khác như gia đình ông L, bà H đã được UBND xã G công nhận đạt dông Liệu “Gia đình văn hóa”, bà H vợ ông L được tặng giấy khen là “Dâu thảo hiền”; Phù hợp với lời khai của ông L. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào biên bản làm với ông X để xác định vợ chồng ông L có hành vi ngược đãi cụ C là không đúng sự thật khách quan. Lý do, ở giai đoạn phúc thẩm, ông X phản đối nội dung trong biên bản làm việc và khẳng định do Thư ký Tòa án ghi không đúng lời khai, cụ thể ông không có khai ông L, bà H ngược đãi cụ C. Những lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác là con cụ C cũng cho rằng vợ chồng ông L có hành vi ngược đãi cụ C, nhưng chủ yếu cũng chỉ nghe cụ C nói lại, vì những người này không ở chung với cụ C. Hơn nữa họ đang có quyền và lợi ích cùng phía cụ C, do đó lời khai của những người này không đảm bảo tính khách quan nên không đủ cơ sở để HĐXX chấp nhận. Như vậy, trường hợp mâu thuẫn trong gia đình giữa cụ C và vợ chồng ông L chỉ là mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, phần nhiều là do bất đồng quan điểm dẫn đến trông cãi nhất thời, không có hệ thống và không phải là hành vi ngược đãi” [4]. Như vậy, trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện do lỗi từ phía bên tặng cho thì vấn đề này Điều 462 BLDS cũng chưa dữ liệu và thực tiễn xét xử cũng đã xảy ra trên thực tế.

Thứ hai, trường hợp bên được tặng cho thực hiện được một phần hoặc phần lớn điều kiện tặng cho. Trong thời gian thực hiện điều kiện tặng cho, bên được tặng cho đã nhận tài sản tặng cho và có thực hiện điều kiện tặng cho nhưng thực hiện không đầy đủ (Mới chỉ thực hiện một phần) thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản hay không? Điều 462 BLDS mới chỉ quy định trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản. Do đó, khi bên được tặng cho “Không thực hiện điều kiện”, bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản, không thực hiện điều kiện được hiểu là bên được tặng cho không thực hiện bất cứ một phần nào của nghĩa vụ. Còn thực hiện điều kiện không đầy đủ là trường hợp bên được tặng cho có thực hiện một phần hoặc phần lớn điều kiện nhưng không thực hiện toàn bộ điều kiện như đã cam kết với bên tặng cho. Đối chiếu tại Điều 351 BLDS năm 2015 quy định “Vi phạm nghĩa vụ là việc bên thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ”. Điều luật này đã quy định trường hợp không thực hiện nghĩa vụ và trường hợp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ là hai trường hợp riêng biệt.

Với quan điểm này, có thể hiểu rằng bên tặng cho có quyền đòi tài sản tặng cho khi bên được tặng cho không thực hiện toàn bộ điều kiện nhưng nếu bên được tặng cho đã thực hiện được một số nghĩa vụ thì bên tặng cho không có quyền đòi lại tài sản. Như vậy, nếu hiểu theo Điều 462 BLDS, bên được tặng cho vẫn phải trả lại toàn bộ tài sản cho bên tặng cho, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bên được tặng cho, đặc biệt đối với trường hợp bên được tặng cho đã thực hiện được phần lớn điều kiện tặng cho.

Chẳng hạn tại bản án dân sự số 91/2021/DS-PT ngày 28/6/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ, về việc tranh chấp HĐTCTS có nêu: “Đối với ý kiến của ông Phạm T cho rằng bà T1 đã vi phạm nội dung cam kết tại Văn bản thỏa thuận là không phụng dưỡng, chăm sóc ông B. Tuy nhiên, bà T1 xác định bà vẫn chăm sóc, phụng dưỡng ông B ở nhà cũng như tại bệnh viện khi ông B đau ốm, vì bà T1 và ông B đang sống chung trong cùng nhà với nhau. Ông B và ông T cũng không cung cấp được chứng cứ, tài liệu để chứng minh cho lời trình bày của mình. Đồng thời, căn cứ các chứng cứ, tài liệu thu thập được đã xác định là bà T1 vẫn thực hiện trách nhiệm thăm nom, phụng dưỡng và chăm sóc khi ông B đau ốm. Mặt khác, qua xác minh tại địa phương nơi ông B và bà T1 cư trú, địa phương đã xác định bà T1 không có hành vi ngược đãi, xúc phạm đối với ông B. Do đó ý kiến của nguyên đơn và ý kiến của ông T là không có cơ sở chấp nhận. Như vậy, việc ông Phạm B tặng cho tài sản cho các con là bà T1, ông T và ông H là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội; bên nhận tặng cho đã đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật và hợp đồng tặng cho đã có hiệu lực; người nhận tặng cho là bà T1 vẫn thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận và không vi phạm điều kiện tặng cho” [5].

Thực tiễn xét xử cho thấy, vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bên tặng cho không muốn thực hiện HĐTCTS có điều kiện, mặc dù bên được tặng cho có thiện chí tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tặng cho. Những trường hợp này, bên được tặng cho tài sản sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi của mình, nếu không có lỗi làm cho HĐTCTS có điều kiện bị vi pham. Đặc biệt, trong trường hợp HĐTCTS có điều kiện, mà bên được tặng cho đã đầu tư xây dựng công trình kiên cố để cho các bên ở hoặc kinh doanh.

Thứ ba, trường hợp tại thời điểm bên tặng cho đòi lại tài sản tặng cho, tài sản tặng cho đã được giao dịch với bên thứ ba. Trường hợp nếu bên được tặng cho đã xác lập các giao dịch chuyển quyền sở hữu (Mua bán, trao đổi, tặng cho) hay các giao dịch bảo đảm (cầm cố, thế chấp, đặt cọc...) đối với tài sản tặng cho thì Điều 462 BLDS chưa quy định vấn đề này. Để giải quyết vấn đề này, cần căn cứ vào thời điểm bên được tặng cho đã được xác định là chủ sở hữu tài sản tặng cho hay chưa. Nếu tại thời điểm bên được tặng cho chuyển giao tài sản cho bên thứ ba mà bên được tặng cho đã là chủ sở hữu của tài sản tặng cho thì bên tặng cho không được đòi lại tài sản. Lúc này bên tặng cho chỉ có quyền yêu cầu bên được tặng cho phải thanh toán số tiền tương đương với giá trị tài sản tặng cho. Nếu tại thời điểm bên được tặng cho chuyển giao tài sản cho bên thứ ba mà bên được tặng cho chưa là chủ sở hữu của tài sản thì bên tặng cho có quyền yêu cầu bên thứ ba đã giao dịch với bên được tặng cho phải trả lại tài sản tặng cho. Sau đó, bên thứ ba có quyền yêu cầu bên được tặng cho phải hoàn trả cho họ số tiền mà họ đã trao đổi để có được tài sản tặng cho [6].

Chẳng hạn tại bản án dân sự số 273/2021/DS-PT ngày 04/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh C, về việc tranh chấp HĐTCTS có nêu: “Theo hợp đồng tín dụng đã ký giữa Ngân hàng với anh K1 và chị T3. Mặc dù, khi xét xử sơ thẩm chưa đến thời hạn thanh toán nợ theo hợp đồng quy định, nhưng tại phụ lục kèm theo hợp đồng tín dụng số LD 1725600396 ngày 21/9/2017 có quy định Ngân hàng có quyền thu hồi nợ trước hạn khi xảy ra một trong các trường hợp sau: “... e. Tài sản bảo đảm bị giảm giá trị theo kết quả thẩm định/ tái thẩm định của Sacombank ...”. Như vậy, khi án sơ thẩm buộc anh K1 và chị T3 trả cho ông N diện tích đất 6.386,5m2 thì rõ ràng giá trị tài sản bảo đảm đã bị giảm. Đáng lẽ ra cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, buộc anh K1 và chị T3 thanh toán nợ cho Ngân hàng, nhưng cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng là không phù hợp” [7].

Có quan điểm cho rằng bên tặng cho luôn có quyền đòi lại tài sản tặng cho nếu bên được tặng cho không hoàn thành điều kiện kể cả trong trường hợp bên được tặng cho đã chuyển giao hay chưa chuyển giao tài sản tặng cho cho bên thứ ba. Bởi việc thực hiện điều kiện là tiền đề để bên được tặng cho được nhận tài sản và được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản. Do đó, nếu bên tặng cho giao tài sản cho bên được tặng cho trước khi bên được tặng cho thực hiện điều kiện thì quyền sở hữu của bên được tặng cho với tài sản tặng cho vẫn đang trong tình trạng “Chờ” cho đến khi thực hiện xong điều kiện. Bởi vậy, bên được tặng cho không được phép chuyển quyền sở hữu hay xác lập các giao dịch bảo đảm với tài sản tặng cho. Tuy nhiên, nếu bên tặng cho được quyền đòi lại tài sản thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ, đặc biệt trong trường hợp người thứ ba nhận được tài sản tặng cho từ người được tặng cho một cách hợp pháp hoặc nhận được tài sản tặng cho mà bên tặng cho biết nhưng không phản đối.

Thứ tư, trường hợp tài sản tặng cho được đầu tư tăng thêm giá trị và phát sinh hoa lợi, lợi tức. Trường hợp tài sản tặng cho được đầu tư tăng thêm giá trị. Trong trường hợp người được tặng cho đã đầu tư trên đất như xây dựng nhà ở, vật kiến trúc, chỉ vì một lý do “Không làm tròn nghĩa vụ” mà người tặng cho yêu cầu hủy hợp đồng, thì quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do đã đầu tư trên đất lẽ ra phải thuộc về người được tặng cho. Tuy pháp luật đã gián tiếp quy định tặng cho tài sản có điều kiện, nhưng vấn đề này vẫn còn vấn đề cần được hoàn thiện. Chẳng hạn sau khi được bên tặng cho chuyển giao tài sản, bên tặng cho đầu tư làm tăng thêm giá trị tài sản tặng cho. Trường hợp này, khi bên tặng cho đòi lại tài sản tặng cho thì cần phải giải quyết giá trị tài sản tăng thêm như thế nào? Để giải quyết vấn đề này, nếu trường hợp giữa tài sản tặng cho ban đầu và phân tài sản được đầu tư tăng thêm có thể tách ra mà không làm ảnh hưởng đến tài sản tặng cho thì các bên chỉ cần tách khối tài sản được đầu tư thêm ra khỏi tài sản tặng cho. Đối với trường hợp giữa tài sản tặng cho ban đầu và tài sản đầu tư tăng thêm không thể tách rời thì việc giải quyết hậu quả khi bên tặng cho đòi lại tài sản.

Chẳng hạn tại bản án dân sự phúc thẩm số 116/2021/DS-PT ngày 10/6/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh C, về việc tranh chấp HĐTCTS có nêu “Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ B và anh Q là hợp đồng hợp pháp và các bên đã thực hiện xong. Sau khi được tặng cho anh Q đã sửa nhà tình nghĩa, xây thêm nhà mới phía sau, anh Q có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ B buộc anh Q trả nhà và đất là không có căn cứ” [8].

Trường hợp tài sản tặng cho phát sinh hoa lợi, lợi tức. Điều 462 BLDS cũng chưa quy định trường hợp phát sinh đối với hoa lợi, lợi tức. Để giải quyết vấn đề này, cần căn cứ vào thời điểm xác lập quyền sở hữu của bên được tặng cho đối với tài sản tặng cho để xác định chủ thể được xác lập sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức. Nếu tại thời điểm tài sản tặng cho phát sinh hoa lợi mà bên được tặng cho chưa xác lập quyền sở hữu đối với tài sản tặng cho thì bên được tặng cho phải trả hoa lợi, lợi tức cho bên tặng cho. Cách thức này phù hợp với cách giải quyết xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức tại Điều 224 BLDS năm 2015 như sau: “Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó”.

Thứ năm, về nội dung HĐTCTS có điều kiện ghi nhận “Không được bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp” và điều kiện tặng trong HĐTC không ghi rõ ràng, cụ thể: 

Một là, về nội dung HĐTCTS có điều kiện ghi nhận “Không được bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp”. Thực tiễn giải quyết các tranh chấp HĐTCTS có điều kiện, mà điều kiện nêu “Không được bán” được Toà án chấp nhận là điều kiện phù hợp, không vi phạm điều cấm. Cụ thể, trong vụ việc giữa ông L (con) và ông T và bà H (cha mẹ) có lập hợp đồng tặng cho nhà ông P, trong hợp đồng có nêu rõ điều kiện “Bên nhận tặng cho không được bán, tặng cho căn nhà lại cho người khác, chỉ được làm nơi ở và thờ cúng tổ tiên”. Toà án xác định rằng “Đây là hợp đồng tặng cho có điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 470 BLDS năm 1995 (nay là khoản 1 Điều 462 BLDS năm 2015)”. Toà án không cho rằng thoả thuận của các bên về điều kiện là vi phạm điều cấm, theo nhận định của Toà án “Ông P không vi phạm điều kiện của hợp đồng tặng cho ngày 22/3/1999. Do đó, ông L yêu cầu huỷ hợp đồng tặng cho ngày 22/3/1999 và hợp đồng tặng cho ngày 28/4/2003 của ông L là không có cơ sở chấp nhận”. Cũng theo Toà án cấp phúc thẩm “Ông L yêu cầu được vào ở căn nhà của cha mẹ với lý do ông khó khăn, phải thuê nhà để ở, còn căn nhà của cha mẹ đang bỏ trống và nếu ông không vào ở căn nhà thì cháu sẽ bán mất căn nhà của cha mẹ, là không có cơ sở chấp nhận vì căn nhà đã được cha mẹ tặng cho ông P để ở và thờ cúng tổ tiên, nên Hội đồng phúc thẩm bác kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên án sơ thẩm” [9].

Phán quyết của Toà án trong vụ việc nêu trên thể hiện sự tôn trọng điều kiện bên tặng cho đưa ra là căn nhà chỉ để ở và thờ cúng tổ tiên, là phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống đạo đức của người Việt Nam từ trước đến nay, hơn nữa phù hợp với mục đích của HĐTCTS có điều kiện. Cho nên bên tặng cho muốn trao quyền sử dụng cho bên được tặng cho, nhưng muốn giữ lại thờ cúng là đúng. Hơn nữa, pháp luật dân sự hiện hành cũng quy định đối với di sản thờ cúng thì “Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế… (Khoản 1 Điều 645 BLDS năm 2015)”. Vì vậy, đối với tặng cho tài sản có điều kiện, thiết nghĩ cũng nên cho phép bên tặng cho được đưa ra điều kiện này trong HĐTCTSCĐK. Suy cho cùng ý chí của bên tặng cho không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, nên điều kiện đưa ra cần được tôn trọng và bảo vệ bởi pháp luật [10].

Hai là, về điều kiện tặng trong HĐTC không ghi rõ ràng, cụ thể. Pháp luật dân sự cho phép, trong trường hợp tặng cho có điều kiện, sau khi tặng cho, người tặng cho vẫn được quyền đòi lại tài sản, nếu bên được tặng cho không thực hiện các điều kiện đó ‘‘Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Pháp luật chỉ quy định các điều kiện trong HĐTC có điều kiện là “Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội” mà không nêu cụ thể các điều kiện đó là gì. Trên thực tế, các điều kiện tặng cho thường là trách nhiệm của người được tặng cho phải chăm sóc, nuôi dưỡng cho người tặng cho. Có thể các điều kiện mà người tặng cho đặt ra đối với người được tặng cho không trái pháp luật và đạo đức, nhưng về mặt thực tế tính khả thi làm cho người được tặng cho không thể thực hiện được. Tuy nhiên, Điều 462 BLDS cũng chưa có quy định về vấn đề này. Ngoài ra, pháp luật cũng chưa quy định rõ đã tặng cho thì không được đòi lại tài sản, nhưng cũng bỏ ngỏ điều kiện để hủy bỏ việc tặng cho.

Ví dụ: Người được tặng cho xâm phạm đến tính mạng của người tặng cho hay xúc phạm nặng nề đến danh dự nhân phẩm của người tặng cho thì cần phải hủy bỏ việc tặng cho tài sản đó. Đối với vấn đề người tặng cho bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe thì vấn đề này thực tiễn xét xử thu thập chứng cứ không khó. Bởi căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ như kết luận giám định, Tòa án có thể đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện. Tuy nhiên, đối với vấn đề, người bị tặng cho bị xúc phạm nặng nề đến danh dự nhân phẩm thì vấn đề này thực tiễn xét xử thu thập, chứng cứ để chứng minh rất khó khăn. Bởi vấn đề xúc phạm nặng nề đến danh dự nhân phẩm mang tính đạo đức xã hội. Chẳng hạn như tại bản án dân sự số 101/2019/DS-PT ngày 19/09/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh B, về việc tranh chấp HĐTCTS có nêu:“Những lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác là con cụ C cũng cho rằng vợ chồng ông L có hành vi ngược đãi cụ C, nhưng chủ yếu cũng chỉ nghe cụ C nói lại, vì những người này không ở chung với cụ C. Hơn nữa họ đang có quyền và lợi ích cùng phía cụ C, do đó lời khai của những người này không đảm bảo tính khách quan nên không đủ cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận. Như vậy, qua phân tích, đánh giá nêu trên thì trường hợp mâu thuẫn trong gia đình giữa cụ C và vợ chồng ông L chỉ là mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, phần nhiều là do bất đồng quan điểm dẫn đến trông cãi nhất thời, không có hệ thống và không phải là hành vi ngược đãi. Như vậy việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định vợ chồng ông L có hành vi bất hiếu, ngược đãi cụ C là chưa đủ căn cứ” [11].

Thứ sáu, trách nhiệm do cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình hoặc không thông báo khuyết tật của tài sản tặng cho

Trường hợp bên tặng cho cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình mà bên được tặng cho không biết hoặc không thể biết về việc đó thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí để làm tăng giá trị của tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản. Bên tặng cho có nghĩa vụ thông báo cho bên được tặng cho khuyết tật của tài sản tặng cho. Trường hợp bên tặng cho biết tài sản có khuyết tật mà không thông báo thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho người được tặng cho; nếu bên tặng cho không biết về khuyết tật của tài sản tặng cho thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều 462 BLDS cũng chưa quy định trường hợp này.

Đề xuất, kiến nghị

Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, theo quan điểm của tác giả Điều 462 BLDS cần sửa đổi, bổ sung thêm các trường hợp xảy ra phù hợp với thực tiễn xét xử HĐTCTS có điều kiện, cụ thể như sau:

Thứ nhất, trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp điều kiện tặng cho không thể thực hiện được do sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi cố ý của bên tặng cho.

Thứ hai, trường hợp bên được tặng cho đã nhận tài sản nhưng không thực hiện toàn bộ điều kiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản tặng cho. Trường hợp bên được tặng cho đã nhận tài sản vàđã thực hiện được một phần điều kiện tặng cho thì bên được tặng cho tính toán chi phí đã bỏ ra để thực hiện một phần điều kiện và yêu cầu bên tặng cho chi trả khi bên tặng cho lấy lại tài sản tặng cho.

Thứ ba, bên tặng cho không phải chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ do bên được tặng cho xác lập với bên thứ ba liên quan đến tài sản tặng cho.

Thứ tư, trường hợp tài sản tặng cho phát sinh hoa lợi, lợi tức thì bên được tặng cho được sở hữu từ thời điểm họ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản tặng cho. Trường hợp tài sản tặng cho tăng thêm giá trị do bên được tặng cho đầu tư thì họ có quyền yêu cầu bên tặng cho thanh toán phần giá trị tăng thêm.

Thứ năm, điều kiện “Không được bán” đối với tài sản tặng cho trong HĐTCTS có điều kiện nên được chấp nhận là điều kiện hợp pháp nhưng giới hạn bên tặng cho được bảo lưu quyền sở hữu trong một thời hạn cụ thể hoặc bên được tặng cho không được bán trong một thời hạn nhất định, sẽ đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên, quy định của luật, cũng như bảo đảm cho hợp đồng tặng cho được tôn trọng, đúng mục đích bên tặng cho mong muốn đạt được khi tặng cho tài sản.

Thứ sáu, trường hợp bên tặng cho cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí để làm tăng giá trị của tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản. Trường hợp, bên tặng cho biết tài sản có khuyết tật mà không thông báo thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho người được tặng cho; nếu bên tặng cho không biết về khuyết tật của tài sản tặng cho thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

=============================================

[1] Bản án dân sự số 149/2021/DS-PT ngày 11/11/2021 về tranh chấp HĐTCTS của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau, http: http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta809633t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 25/7/2022.

[2] Dự thảo án lệ về hiệu lực HĐTC quyền sử dụng đất, https://plo.vn/phap-luat/du-thao-an-le-ve-hieu-luc-hop-dong-tang-cho-quyen-su-dung-dat-1004658.html, truy cập ngày 25/7/2022.

[3] Đặng Thị Thơm, (Phó Chánh Văn phòng TAND cấp cao tại Hà Nội); Nguyễn Văn Hợi (Trường Đại học Luật Hà Nội), “Một vài ý kiến góp ý đối với với dự thảo án lệ số 03, 04, 05, 06, 07, 10, 11”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/an-le/mot-vai-y-kien-gop-y-doi-voi-voi-du-thao-an-le-so-03-04-05-06-07-10-11, truy cập ngày 25/7/2022.

[4] Bản án số 101/2019/DS-PT ngày 19/09/2019 về tranh chấp HĐTCTS của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-1012019dspt-ngay-19092019-ve-trông-chap-hop-dong-tang-cho-tai-san-108221, truy cập ngày 25/7/2022.

[5] Bản án dân sự phúc thẩm số 91/2021/DS-PT ngày 28/6/2021 về việc tranh chấp HĐTCTS của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, http: Congbobanan.toaan.gov.vn, truy cập ngày 25/7/2022.

[6] Bùi Ai Giôn, “Án lệ số 14/2017/AL - Một số vấn đề gợi mở và đề xuất, kiến nghị”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/binh-luan-trao-doi-gop-y/an-le-so-142017al-mot-so-van-de-goi-mo-va-de-xuat-kien-nghi, truy cập ngày 25/7/2022.

[7] Bản án dân sự số 273/2021/DS-PT ngày 04/12/2020 về tranh chấp HĐTCTS của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau, http: Congbobanan.toaan.gov.vn, truy cập ngày 25/7/2022.

[8] Bản án dân sự phúc thẩm số 62/2021/DS-PT ngày 26/3/2021 về việc tranh chấp HĐTCTS của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh, http: Congbobanan.toaan.gov.vn, truy cập ngày 25/7/2022.

[9] Bản án số 102/2020/DS-PT ngày 21/5/2020 của Toà án nhân dân cấp cao TP. Hồ Chí Minh.

[10] Lê Thị Diễm Phương, “Bàn về tính hợp pháp của điều kiện “không được bán” tài sản tặng cho trong hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/ban-ve-tinh-hop-phap-cua-dieu-kien-%E2%80%9Ckhong-duoc-ban%E2%80%9D-tai-san-tang-cho-trong-hop-dong-tang-cho-tai-san-co-dieu-kien, truy cập ngày 25/7/2022.

[11] Bản án dân sự số 101/2019/DS-PT ngày 19/09/2019 về tranh chấp HĐTCTS của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-1012019dspt-ngay-19092019-ve-trông-chap-hop-dong-tang-cho-tai-san-108221, truy cập ngày 25/7/2022.

Thạc sĩ BÙI AI GIÔN 

Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết

Lê Minh Hoàng