Ảnh minh họa.
1. Cơ sở pháp lý
Hiện nay, đối với hợp đồng xây dựng được điều chỉnh bởi Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, đây là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp hợp đồng xây dựng cũng như xem xét việc áp dụng cách tính lãi suất chậm thanh toán đối với các tranh chấp liên quan đến việc thanh toán.
Theo đó, cách tính lãi suất chậm thanh toán ở các văn bản pháp luật điều chỉnh để giải quyết tranh chấp được nêu ở trên có sự khác nhau, cụ thể:
(1) Theo Nghị định số 37/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, thì lãi suất chậm trả theo lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán và được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
(2) Theo Luật Thương mại năm 2005 thì tiền lãi chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
(3) Theo Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm, đối với trường hợp không có thỏa thuận thì lãi suất chậm trả là 10%/năm và tương ứng với thời gian chậm trả.
Như vậy, áp dụng nguyên tắc áp dụng luật chuyên ngành thì đối với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng có yêu cầu tính lãi suất chậm trả, thì thứ tự ưu tiên áp dụng được sắp xếp như sau: Luật Xây dựng; Luật Thương mại; Bộ luật Dân sự.
2. Thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án và hướng giải quyết
Như đã phân tích ở trên, do có nhiều quy định cùng điều chỉnh về việc tính lãi suất chậm trả đối với tranh chấp hợp đồng xây dựng, nên có sự lúng túng và chưa có sự thống nhất giữa các Tòa án khi tiến hành việc giải quyết vụ án.
Trong đó, đa số các Tòa án khi tiến hành giải quyết tranh chấp về hợp đồng xây dựng đều xác định đây là tranh chấp kinh doanh thương mại do hợp đồng được giao kết giữa các bên chủ thể là thương nhân và đều có mục đích sinh lời. Do đó, khi tiến hành giải quyết yêu cầu tính lãi suất chậm thanh toán thường có xu hướng ưu tiên áp dụng Luật Thương mại năm 2005 để làm căn cứ tính lãi suất.
Trong một số vụ án nhất định, điều này lại không phù hợp với quy định của pháp luật vì đã không tuân thủ thứ tự ưu tiên áp dụng ở trên, bởi lẽ đối với một số trường hợp thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP thì phải áp dụng quy định về tính lãi suất chậm trả theo khoản 2, Điều 43 của Nghị định này.
Ví dụ: Theo nội dung Bản án kinh doanh thương mại số 10/2020/KDTM-PT ngày 10/06/2020 của TAND thành phố Đ. về tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ L. và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ A. về việc nhận thi công hạng mục thoát nước dọc thuộc Dự án phát triển bền vững Đ theo Hợp đồng số 51/2016/HĐKT/AT-LHB với yêu cầu đúng hồ sơ thiết kế, các yêu cầu kỹ thuật theo điều kiện hợp đồng của Hợp đồng chính số 24/2015/HĐKT giữa Công ty A. và NLQ4.
Theo đó, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm nhận định đối với yêu cầu tính tiền lãi suất chậm thanh toán như sau: “Theo quy định tại Điều 306, Luật Thương mại và Điều 11 và Điều 13, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP thì Công ty A. phải chịu mức lãi suất theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của 03 Ngân hàng: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 18,675%/năm. Tuy nhiên, Công ty L. chỉ yêu cầu áp dụng mức lãi suất 12%/năm là thấp hơn so với mức lãi suất mà Công ty A. phải chịu, nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là phù hợp”.
Đối với ví dụ nêu trên, việc Công ty A. và Công ty L. ký kết hợp đồng thi công hạng mục thoát nước dọc thuộc Dự án phát triển bền vững Đ. là Dự án đầu tư xây dựng của UBND thành phố Đ. Do đó, Công ty A. và Công ty L. phải được xác định là tổ chức liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng thuộc dự án đầu tư xây dựng của cơ quan nhà nước theo quy định tại điểm a, khoản 22, Điều 1, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
Vì vậy, đối với yêu cầu tính tiền lãi chậm trả của Công ty L. đối với Công ty A., thì chúng tôi cho rằng, phải áp dụng quy định tại khoản 2, Điều 43, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP để giải quyết, cụ thể “lãi suất chậm trả theo lãi suất quá hạn do Ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán và được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu” thì mới phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với thực trạng nói trên, chúng tôi cho rằng, về cơ sở pháp lý để giải quyết yêu cầu tính tiền lãi chậm trả trong tranh chấp hợp đồng xây dựng đã đầy đủ. Nhưng việc áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất giữa các Tòa án gây nên những lúng túng cho đương sự khi tham gia giải quyết vụ án, cũng như việc các bản án của Tòa án cấp dưới có thể bị sửa, hủy hoặc bị xem xét giám đốc thẩm do áp dụng sai pháp luật khiến cho vụ án kéo dài.
Do đó, để giải quyết vấn đề trên, TAND Tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn để Tòa án các cấp thực hiện hoặc ban hành các án lệ để việc áp luật pháp luật trong quá trình xét xử được thống nhất và đúng pháp luật.
(1) Khoản 2, Điều 43, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. (2) Điều 306, Luật Thương mại năm 2005 và Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (3) Điều 357 và Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015. (4) Ls. Trương Nhật Quang - Ls. Lê Trần Quỳnh Thi, Nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng. (5) Bản án số 10/2020/KDTM-PT ngày 10/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đ về việc tranh chấp hợp đồng xây dựng, http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta506318t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập cập ngày 14/12/2021. |
Luật sư LÊ XUÂN CẢNH
Công ty Luật CTT và Cộng sự