Ảnh minh họa.
Khái niệm “quyền”
Quyền là khả năng áp đặt ý chí của cá nhân lên một cá nhân khác hoặc một vật thể. Quyền cho phép cá nhân yêu cầu một cá nhân khác làm hoặc không làm một điều gì đó cho mình. Quyền cho phép chủ sở hữu áp đặt ý chí tác động lên vật của mình.
Trong xã hội dân sự, hầu hết mọi tranh chấp đều phát sinh từ mâu thuẫn về quyền lợi. Hiểu rõ về quyền, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên là phương thức hữu hiệu nhất giải trừ mọi xung đột trong đời sống.
Quyền xuất phát từ hai nguồn là quyền tự nhiên (nhân quyền) và quyền do xã hội ban cho (dân quyền, quyền do pháp luật quy định). Quyền tự nhiên là những quyền mà khi sinh ra, chúng ta mặc nhiên có, không ai có quyền tước đoạt, như quyền được thở, quyền được ăn uống, ngủ nghỉ. Quyền tự nhiên là quy luật tất yếu, nhà nước buộc phải thừa nhận và bảo vệ. Quyền xã hội ban cho là những quyền mà các cá nhân trong cộng đồng quy ước để tạo ra khuôn mẫu ứng xử giữa các cá nhân, như quyền được đòi tiền khi bán hàng, quyền cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình.
Quyền tự nhiên (nhân quyền)
Quyền tự nhiên (natural rights) là những quyền cơ bản để con người, các loài động vật và cả mọi sinh vật có trên trái đất có thể tồn tại và phát triển. Quyền tự nhiên là những quyền bẩm sinh vốn có của các chủ thể trong tự nhiên, mọi cơ thể sống đều được hưởng bởi chúng là thành viên của gia đình nhân loại. Quyền tự nhiên không bị giới hạn hay phụ thuộc vào ý chí của cá nhân, cộng đồng hay nhà nước (1).
Con người là một chủ thể đặc biệt của tự nhiên, trong quyền tự nhiên có quyền con người. Quyền con người (Human rights, Droits de LHomme) là toàn bộ các quyền, tự do và đặc quyền được công nhận dành cho con người do tính chất nhân bản của nó, sinh ra từ bản chất con người chứ không phải được tạo ra bởi pháp luật hiện hành (2).
Nhà triết học người Anh John Locke cho rằng các quyền tự nhiên quan trọng nhất của con người là quyền sống, tự do và sở hữu. Mục đích lập chính phủ là bảo vệ quyền tự nhiên của công dân thông qua bản khế ước xã hội, văn bản thỏa thuận giữa các thành viên trong cộng đồng để thiết lập trật tự công vì lợi ích chung của xã hội. Học thuyết về quyền tự nhiên là nền tảng tư tưởng đấu tranh chống lại mọi hành vi tùy tiện, duy ý chí của nhà cầm quyền khi hạn chế quyền con người.
Quyền do xã hội ban cho (dân quyền)
Dân quyền (quyền công dân; citizenship) là quyền được ghi nhận trong pháp luật, được nhà nước bảo đảm thực hiện cho người dân, được đông đảo cộng đồng xã hội thừa nhận và gắn liền với mỗi cá nhân.
Dân quyền được phân thành hai nhóm là quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân là những quyền gắn liền với một cá nhân, người dân có quyền này vì họ là con người. Nhân quyền giống với quyền nhân thân ở chỗ mỗi người ai cũng đều có vì họ là người, nhưng nhân quyền là mặc nhiên có, còn quyền nhân thân được cộng đồng thỏa thuận trong kế ước xã hội. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác. Quyền nhân thân được quy định từ Điều 25 đến Điều 39 trong Bộ luật Dân sự 2015, như quyền có họ, tên; quyền được khai sinh, khai tử; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Quyền tài sản là quyền của cá nhân đối với một tài sản, một khối tài sản trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao sang chủ thể khác trong quá trình giao lưu dân sự. Tài sản luôn gắn liền với một chủ thể xác định, quyền tài sản được thừa nhận và phát huy khi chủ thể nắm giữ được tài sản đó. Tài sản giúp cá nhân sinh tồn trong xã hội. Trong quá trình giao lưu, trao đổi với chủ thể khác, tài sản là vật trung gian, là phương thức thanh toán, là công cụ để con người giao thương. Quyền tài sản giúp họ thỏa mãn nhu cầu giao dịch (3).
Dựa trên nguyên tắc phân định quyền tài sản tác động lên đối tượng nào, quyền tài sản được phân ra thành ba loại là quyền đối nhân, quyền đối vật và quyền trí tuệ. Quyền đối nhân (trái quyền; just ad rem) là quyền của một người khác phải làm hoặc không làm một điều gì đó cho mình, như quyền yêu cầu con nợ trả nợ, quyền chuộc lại tài sản sau khi cầm cố. Quyền đối vật (vật quyền; just in re) là quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của mình, như quyền sử dụng xe ô tô, quyền chuyển nhượng viên kim cương. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền được định giá bằng tiền đối với sản phẩm do trí tuệ của mình tạo ra, như quyền tác giả, quyền chuyển giao công nghệ.
Quyền đối vật cho phép chủ sở hữu được hành xử trực tiếp trên một vật nhất định. Quyền đối vật được chia thành hai loại là quyền đối vật chính yếu và quyền đối vật phụ thuộc. Quyền đối với vật chính yếu là quyền của chủ thể được tác động trực tiếp lên tài sản thuộc sở hữu của mình. Quyền đối vật phụ thuộc là quyền tác động lên một vật thuộc sở hữu của người khác. Quyền đối vật chính yếu bao gồm quyền sở hữu và quyền bề mặt. Quyền đối với vật phụ thuộc gồm quyền cầm cố dành cho động sản, quyền thế chấp dành cho bất động sản, quyền đối với bất động sản liền kề (quyền địa dịch) và quyền hưởng dụng.
Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Quyền chiếm hữu là khả năng của chủ thể nắm giữ tài sản đó, đòi lại tài sản đó. Quyền sử dụng là quyền dùng tài sản đó trong sinh hoạt xã hội. Quyền định đoạt là quyền quyết định số phận của tài sản, như vứt bỏ, hủy hoại, chuyển nhượng. Quyền sở hữu được coi là chế định quan trọng nhất chi phối đại đa số các giao dịch trong sinh hoạt cộng đồng. Quyền sở hữu thể hiện ý chí tuyệt đối của chủ thể lên vật xác định mà không phụ thuộc và chủ thể khác.
Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với bề mặt vật thể như mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và trong lòng đất. Quyền bề mặt khác quyền sở hữu vì chủ thể có quyền bề mặt chỉ được khai khác hoa lợi trên bề mặt vật thể, còn bản thân vật thể lại thuộc quyền của một chủ thể khác.
Quyền địa dịch (servitude trong tiếng pháp) là quyền được thực hiện trên một bất động sản (chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai khác, sử dụng một bất động sản khác (có thể liền kề hoặc không). Vì bất động sản là tài sản không thể dịch chuyển được bởi nguyên lý tự nhiên, nên vị trí địa lý của bất động sản trong đời sống mang tính chất tuyệt đối. Trong hoạt động khai thác công dụng của bất động sản, cần phải buộc bất động sản liền kề (hoặc nằm trong một khoảng không gian nhất định) chịu tác động liên đới, như quyền có lối đi của bất động sản bị vây bọc, quyền cấp thoát nước của bất động sản bị trũng.
Quyền hưởng dụng là quyền của một chủ thể được khai khác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định (4), ví dụ như cha cho con được hưởng lợi tức trên số cổ phần mình nắm giữ tại doanh nghiệp trong vòng mười năm; tức quyền sở hữu tài sản thuộc về một chủ thể khác, khác với chủ thể được quyền hưởng thụ giá trị của tài sản.
Áp dụng lý thuyết về “quyền” để giải quyết các tranh chấp xã hội
Quyền không thể đứng độc lập mà phải gắn liền với một chủ thể nhất định. Chủ thể này có thể là thể nhân hoặc pháp nhân. Thể nhân đứng độc lập một mình thì thể nhân vẫn có quyền, đó là quyền tự nhiên. Tranh chấp về nhân quyền thường là tranh chấp về chính trị. Tranh chấp giữa thể nhân với một thể nhân khác trong mối liên hệ xã hội có liên quan tới lợi ích là dân quyền. Đa phần các giao dịch dân sự có tranh chấp đều được quy định trong các văn bản pháp luật. Quyền của mỗi cá nhân xuất phát từ tư cách của chủ thể đó trong các giao dịch.
Trong giao dịch vay nợ dân sự, chủ nợ được quyền đòi nợ từ con nợ khi khoản nợ tới hạn phải thanh toán. Khi con nợ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, chủ nợ có quyền yêu cầu người thân của con nợ trả thay hoặc tự ý phát mại tài sản của con nợ để đối trừ tiền nợ hay không? Áp dụng vào lý thuyết về quyền, quyền đòi nợ là quyền đối nhân, tức chủ nợ có quyền áp đặt ý chí đối với con nợ, chủ nợ không có quyền đối với người thân của con nợ cũng không có quyền đối vật với tài sản thuộc sở hữu của con nợ. Do đó, nếu hiểu được quyền đối nhân và quyền đối vật, thì chủ nợ sẽ hiểu họ chỉ có quyền yêu cầu con nợ trả nợ cho họ, họ không có quyền yêu cầu người thân của con nợ trả nợ thay, cũng không có quyền tự ý phát mại tài sản của con nợ để đối trừ nợ (loại trừ trường hợp quyền đối với vật phụ thuộc). Nắm được lý thuyết về quyền, chủ nợ có thể tự định hướng hành vi của mình sao cho phù hợp với quy định của pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật hình sự hay các tranh chấp dân sự không đáng có, góp phần thiết lập trật tự công.
Khi có nhu cầu cần mặt bằng để kinh doanh, rất nhiều chủ thể chọn cách thuê mặt bằng để hoạt động, vì đây là phương thức giao dịch truyền thống và phổ biến trong xã hội. Nhưng nếu nắm được lý thuyết về quyền đối vật, người thuê mặt bằng sẽ hiểu rằng quyền sử dụng đất là tài sản thuộc quyền định đoạt của chủ đất. Hợp đồng thuê mặt bằng được xác lập giữa các bên là quyền đối nhân, quyền của hai bên với nhau, không phải quyền đối vật. Do đó, người cho thuê có quyền đòi lại vật của mình bất cứ lúc nào họ muốn mà người thuê không thể chiếm giữ. Khi đó, người thuê sẽ có nguy cơ chịu thiệt hại đối với các chi phí đã bỏ ra. Ngược lại, nếu cá nhân kinh doanh thay vì ký hợp đồng thuê nhà sẽ ký hợp đồng mua quyền bề mặt (mua bề mặt vật thể). Lúc này, quyền của cá nhân kinh doanh sẽ chuyển từ quyền đối nhân sang quyền đối vật. Cá nhân kinh doanh có quyền đối với bề mặt của khu đất. Chủ sử dụng đất không được quyền hủy ngang hợp đồng, đòi mặt đất vì khi đó mặt đất đã thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Hiểu được bản chất của các quyền giúp chủ thể có thể lựa chọn “loại hình quyền” có lợi nhất cho chính mình trong các giao dịch.
Lý luận về khái niệm và sự phân chia các quyền cơ bản của con người không chỉ giúp giải quyết xung đột lợi ích giữa các cá nhân với nhau mà nó còn giúp giải quyết mâu thuẫn giữa cá nhân với pháp nhân, công dân với nhà nước và giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia với nhau. Ví dụ: Trong các quyền tự nhiên có quyền được sống, được tự do và được mưu cầu hạnh phúc (5). Một quốc gia sản xuất vũ khí là để tự vệ khi bị tấn công. Nhưng nếu một quốc gia sử dụng vũ khí hóa học hay vũ khí sinh học để hủy diệt tự nhiên và cả con người thì đó lại là tội ác chống lại loài người và tạo nên sự tuyệt chủng. Khi đó, hành động của quốc gia sẽ bị phản đối vì vi phạm nhân quyền. Nắm rõ lý thuyết về nhân quyền giúp định hướng hành động của chủ thể và phân định tính đúng sai trong hành vi xã hội.
Kết luận
Trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, hiện tại mới chỉ đề cập đến dân quyền và một phần của nhân quyền. Các văn bản hầu hết chỉ quy định theo dạng liệt kê quyền chứ không có khái niệm cụ thể, cũng không phân chia tạo nên hệ thống quyền của con người. Việc nghiên cứu xây dựng nên hệ thống quyền, bổ sung một số khái niệm mới, góp phần cung cấp thế giới quan đầy đủ về khoa học các quyền con người. Hiểu và vận dụng đầy đủ các quyền vào trong giao dịch dân sự sẽ giúp tối đa hóa lợi ích của chủ thể, giảm thiểu tranh chấp xã hội. Tác giả mong muốn đề tài này sẽ là cơ sở, tạo tiền đề cho các nghiên cứu chuyên sâu sau này (6).
================== (1) Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (chủ biên), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2015, tr. 39. (2) Từ điển thuật ngữ chính trị (Lexique de politique), Nxb. Dalloz, 2001 của Chales Debbash, Jacques Bourdon, Jean Marie Pontier, Jean Claude Rissi (Bản dịch tiếng việt của Nxb Thế Giới, 2005, tr. 193. (3) Vũ Văn Mẫu, Pháp luật nhập môn, giảng tại Đại học Luật Saigon năm 1973, tr 175-196; Triệu Quốc Mạnh, sđd, tr. 226-289. (4) Điều 257 Bộ luật Dân sự năm 2015. (5) Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. (6) Nguyễn Ngọc Bích (2019), Tư duy pháp lý của luật sư, Nhà xuất bản Trẻ, tr.57-63. |
PHẠM PHÚC HOÀN & ĐÀO MINH ĐỨC
Phòng Quản lý học viên, Học viện Cảnh sát nhân dân
Tách Luật GTĐB 2008 thành hai luật chuyên biệt: Nên hay không?