Ảnh minh họa.
Ngày 10/02, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ" và "Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ".
Hội thảo có sự tham gia của đại diện của nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng lãnh đạo Công an các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại buổi Hội thảo, nhiều đại biểu tham gia có ý kiến cho rằng, sau hơn 13 năm thực hiện Luật GTĐB năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Cụ thể, ATGT, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn. Trong đó, ATGT (an toàn cho người đi đường) thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ (trong đó có chất lượng an toàn công trình và phương tiện) thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Tên gọi Luật GTĐB là chuyên ngành nhưng nội dung phạm vi điều chỉnh không đúng là luật chuyên ngành, dẫn đến hiểu không đúng về mục tiêu của từng lĩnh vực.
Các đại biểu cho rằng, hoạt động GTĐB liên quan, tác động trực tiếp tới quyền con người, đó là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản khi đi lại.
Tuy nhiên, Luật GTĐB năm 2008 lại thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác thực hiện; không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung như: Giải quyết tai nạn giao thông; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông…
Từ những phân tích trên, các đại biểu cho rằng việc phân tách Luật GTĐB 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung.
Cần thiết và đảm bảo được tính chuyên sâu
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc tách Luật GTĐB năm 2008 thành luật Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ là cần thiết bởi nó sẽ đảm bảo được tính chuyên sâu của từng luật, giúp phân định rõ và chi tiết hơn các nội dung riêng biệt, xác định được rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước theo từng lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, hạn chế được sự chồng chéo, trùng lẫn thẩm quyền áp dụng pháp luật liên quan đến giao thông của các cơ quan có liên quan.
Luật sư cho rằng, Luật GTĐB năm 2008 hiện hành đang có phạm vi điểu chỉnh rộng, điều chỉnh cả lĩnh vực giao thông tĩnh (kết cấu hạ tầng GTĐB, phương tiện GTĐB; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về GTĐB), và giao thông động (các quy tắc GTĐB; phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB, và các vấn đề đảm bảo Trật tự ATGT đường bộ). Nếu xây dựng Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ cũng có nhiều nội dung có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, cần có sự nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng và cẩn trọng, vừa đảm bảo được sự thống nhất, tương hỗ lẫn nhau, vừa có sự riêng biệt, tránh trùng lặp và chồng chéo giữa 02 luật này, cũng như sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo được chất lượng, phù hợp của các quy định cụ thể, để có thể phát huy được cao nhất hiệu quả trong thực tiễn áp dụng.
“Nếu tách luật mà chúng ta không đảm bảo được chất lượng, tính hiệu quả và hiệu lực của luật thì việc tách luật cũng không phát huy được kết quả tích cực trong thực tiễn”, Luật sư cho hay.
Nên chỉ chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp thực tế
Trái với quan điểm trên, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng VPLS Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, bản thân không đồng tình về đề xuất phân tách Luật GTĐB 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ.
Theo Luật sư, nhìn từ góc độ bao quát thì hệ thống pháp luật Việt Nam vốn đã rất đồ sộ, thậm chí nhiều quy định chồng chéo chưa thống nhất với nhau. Cho nên, việc tách luật cần phải được nghiên cứu và đánh giá, tiên liệu một cách kỹ càng, chuyên sâu. Đồng thời, phải bao trùm được những mục tiêu đề ra.
“Quan điểm của tôi cho rằng nên giữ nguyên Luật GTĐB và chỉ chỉnh sửa một số nội dung trong luật cho phù hợp thực tế. Điều này cần sự thống nhất và đồng lòng từ tất cả các cơ quan về mục tiêu chung, thống nhất tiếp thu để đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất”, Trưởng VPLS Trung Hòa cho hay.
Luật sư cũng cho biết, việc tách luật có thể chỉ thể hiện tính “cơ học” nhiều hơn tính “hữu ích” nếu không nghiên cứu và đánh giá, tiên liệu một cách toàn diện, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.
LÂM HOÀNG