/ Trợ giúp pháp lý
/ Từ 01/7, xử lý bản đồ địa chính khi sáp nhập đơn vị hành chính như thế nào?

Từ 01/7, xử lý bản đồ địa chính khi sáp nhập đơn vị hành chính như thế nào?

27/06/2025 05:37 |8 ngày trước

(LSVN) - Thông tư 23/2025/TT-BNNMT ngày 20/6/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định phân cấp, phân định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, Thông tư 23/2025/TT-BNNMT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 26/2024/TT-BTNMT ngày 26/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính.

Cụ thể, Thông tư 23/2025/TT-BNNMT đã bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 27 Thông tư số 26/2024/TT-BTNMT.

Theo đó, trường hợp sáp nhập đơn vị hành chính thì việc xử lý đối với bản đồ địa chính, trích đo bản đồ địa chính đã lập trước thời điểm sáp nhập thực hiện như sau:

- Giữ nguyên kinh tuyến trục của bản đồ địa chính, trích đo bản đồ địa chính đã sử dụng trước thời điểm sáp nhập mà không phải điều chỉnh;

- Trường hợp sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thì căn cứ quy định tại điểm b khoản 7 Điều 17 Thông tư này, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc chỉnh lý số thứ tự tờ bản đồ để sử dụng sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Các nội dung khác của bản đồ địa chính thay đổi do thay đổi tên đơn vị hành chính (nếu có) thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh xây dựng kế hoạch để chỉnh lý các thay đổi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bên cạnh đó, Điều 7 Thông tư 23/2025/TT-BNNMT cũng bổ sung Điều 139a vào sau Điều 139 Thông tư 25/2024/TT-BTNMT về việc chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai được thực hiện đồng thời với việc chỉnh lý hồ sơ địa chính.

Theo đó, việc chỉnh lý, bổ sung vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được thực hiện như sau:

Thứ nhất, công tác chuẩn bị: Lập kế hoạch thi công chi tiết; Chuẩn bị nhân lực, địa điểm làm việc; Chuẩn bị vật tư, thiết bị, dụng cụ, phần mềm phục vụ cho công tác chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Thứ hai, thu thập, đánh giá tài liệu: Thu thập các tài liệu, dữ liệu đất đai bao gồm: hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính đã được chỉnh lý sau khi sắp xếp đơn vị hành chính; Lập bản tham chiếu các thửa đất, tài sản gắn liền với đất của cơ sở dữ liệu đất đai cần chỉnh lý sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Thứ ba, chỉnh lý dữ liệu không gian đất đai:

- Chỉnh lý dữ liệu không gian đất đai nền theo địa giới hành chính mới do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Lớp dữ liệu đường địa giới hành chính cấp huyện, lớp dữ liệu địa phận hành chính cấp huyện đã xây dựng chuyển sang lưu trữ để phục vụ công tác quản lý, tra cứu;

- Chỉnh lý dữ liệu không gian của thửa đất, tài sản gắn liền với đất: cập nhật, bổ sung các thông tin về mã đơn vị hành chính cấp xã, số hiệu tờ bản đồ; số thửa đất; địa chỉ theo đơn vị hành chính mới;

- Chỉnh lý dữ liệu không gian địa chính của dữ liệu không gian đất đai chuyên đề theo hệ thống bản đồ địa chính đã được chỉnh lý.

Dữ liệu không gian địa chính trước khi chỉnh lý được tổ chức lưu trữ, quản lý theo nguyên tắc quản lý thông tin lịch sử thay đổi của dữ liệu địa chính.

Thứ tư, chỉnh lý dữ liệu thuộc tính địa chính:

- Cập nhật, bổ sung nhóm dữ liệu về thửa đất và nhóm dữ liệu về tài sản gắn liền với đất với các trường thông tin về mã đơn vị hành chính, số hiệu tờ bản đồ, số thửa đất, địa chỉ theo đơn vị hành chính mới.

 - Dữ liệu thuộc tính địa chính trước khi chỉnh lý được tổ chức lưu trữ, quản lý theo nguyên tắc quản lý thông tin lịch sử thay đổi của dữ liệu địa chính.

Thứ năm, cập nhật dữ liệu đất đai phi cấu trúc của tài liệu về địa chính để đảm bảo liên kết tới dữ liệu thửa đất.

Thứ sáu, kiểm tra, nghiệm thu cơ sở dữ liệu địa chính.

Thứ bảy, đối soát, tích hợp dữ liệu vào hệ thống đang quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương.

Thông tư 23/2025/TT-BNNMT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

PV

Các tin khác

LSVN