Ảnh minh họa.
Cụ thể, tại Điều 4 Dự thảo Nghị định có quy định cấm “Tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số trái phép dưới mọi hình thức và mọi loại phương tiện”. Theo lý giải tại dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính thì lý do để đưa quy định “cấm” này là xuất hiện trường hợp một số tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé xổ số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số thông qua các thiết bị điện tử, viễn thông, Internet ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số (ví dụ như dịch vụ mua hộ vé xổ số qua ứng dụng ví điện tử, dự thưởng vé xổ số loto...).
Liên quan đến dịch vụ “Mua hộ vé xổ số”, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Học viện Tài chính; PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính; Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá XIV; Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Văn phòng Luật sư Minh bạch Quốc tế.
Phóng viên: Thực hiện tinh thần Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 về “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong sáng tạo và thực hiện dịch vụ “Mua hộ vé xổ số”. Dịch vụ này được thực hiện nay trên app điện thoại hoặc thông thiết bị điện tử, viễn thông, internet. Các chuyên gia có đánh giá, bình luận như thế nào về loại hình dịch vụ này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Bản chất của bất cứ hoạt động kinh doanh nào cũng hướng đến việc càng bán được nhiều hàng hoá dịch vụ thì càng tốt. Do đó, sự tồn tại của dịch vụ này tạo thêm kênh phân phối hàng hoá dịch vụ, thêm lựa chọn cho khách hàng và hiệu quả cuối cùng là doanh nghiệp bán được nhiều hàng hoá dịch vụ hơn, Nhà nước thu được nhiều thuế hơn. Bản chất của dịch vụ “Mua hộ vé xổ số” là không sai. Về mặt kinh tế thị trường, có cầu thì sẽ có cung. Về mặt luật pháp, doanh nghiệp được kinh doanh những lĩnh vực nào mà luật không cấm. Nếu như dịch vụ đó đã tồn tại một vài năm nay thì có nghĩa xã hội có nhu cầu đó nên doanh nghiệp đã đáp ứng.
PGS.TS Ngô Trí Long: “Mua hộ vé xổ số” thì có hai hình thức: Mua hộ trực tiếp và mua hộ trực tuyến (qua ứng dụng trên Internet). Đây là hoạt động bình thường, là mối quan hệ dân sự giữa người mua và người cung cấp dịch vụ, nó phản ánh quy luật cung cầu của thị trường. Kinh doanh mà càng đẩy mạnh bán ra bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, nó giúp ngành đó tăng doanh thu, lợi nhuận, thông qua đó Nhà nước và nhân dân cũng hưởng lợi từ nguồn thu thuế. Bất cứ hoạt động nào cũng phải đảm bảo hài hoà lợi ích của tất cả các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân/người tiêu dùng.
Phóng viên: Theo lý giải tại dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính thì lý do để đưa quy định “cấm” này là xuất hiện trường hợp một số tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé xổ số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số thông qua các thiết bị điện tử, viễn thông, internet ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số (ví dụ như dịch vụ mua hộ vé xổ số qua ứng dụng ví điện tử, dự thưởng vé xổ số loto...). Vậy, các chuyên gia có bình luận như thế nào về nội dung này?
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà: Trước đây khi chưa có Internet, chưa có mạng xã hội, hoạt động mua bán xổ số chỉ có một hình thức là mua bán trực tiếp. Hiện nay, thương mại trực tuyến cho phép mua bán qua mạng, tôi cho rằng dịch vụ “Mua hộ vé xổ số” qua app, ví điện tử… là bình thường. Đó là quy luật khách quan của thị trường, người dân đang cần, đang đồng tình. Nếu thời gian qua đã có sự tồn tại của những công ty mua hộ vé số, xã hội đã chấp nhận sự tồn tại của nó thì bây giờ không thể đùng một cái ban hành ra Nghị định cấm. Như thế là chưa thật khách quan. Cấm là gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Văn Hoàng: Hiện nay, trong xu thế phát triển kinh tế thời đại công nghệ số, tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều có những thay đổi để bắt nhịp cùng với xu thế này. "Mua hộ vé xổ số" thông qua hình thức trực tuyến hay qua app phần mềm điện tử trên điện thoại hay máy tính đang dần thay thế phương thức kinh doanh truyền thống trước đây là thông qua đại lý, người bán dạo. Việc áp dụng hình thức này giúp cho cá nhân, tổ chức kinh doanh xổ số tiếp cận một cách dễ dàng, rộng rãi đến mọi đối tượng khách hàng ở tất cả các vùng miền khác nhau. Đồng thời hạn chế tối thiểu việc phải bố trí, tuyển dụng và sử dụng một đội ngũ nhân lực khổng lồ ở khắp mọi nơi để thực hiện các hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống trước đây.
Tổ soạn thảo cho rằng có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé xổ số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số thông qua các thiết bị điện tử, viễn thông, Internet ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số là điều khó thuyết phục. Tôi cũng xin nói thẳng, đôi khi “con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ một, một số rất nhỏ đã không tuân thủ “luật chơi” đã khiến cho Tổ soạn thảo đánh giá chưa khách quan, chưa đầy đủ, chưa chính xác. Như vậy, thay vì cấm đoán, tôi cho rằng Tổ soạn thảo cần có những nghiên cứu, đánh giá thật chính xác, tránh tình trạng không quản được thì cấm, mà nếu cấm thì đó là điều rất đáng tiếc.
PGS.TS Ngô Trí Long: Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Đầu tư 2020 và Luật Thương mại 2005 đã ban hành, nếu các luật này không cấm dịch vụ “Mua hộ vé xổ số” thì Dự thảo Nghị định này không thể quy định cấm. Về nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định là văn bản dưới Luật, không thể “cãi lại” Luật đã ban hành. Bởi vậy, doanh nghiệp người ta phản ứng là đúng, là có căn cứ.
Phóng viên: Các chuyên gia đều cho rằng Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đều không cấm, tức được phép cung cấp dịch vụ "Mua hộ vé xổ số". Vậy, các chuyên gia có đề xuất, đóng góp như thế nào để tháo gỡ cho doanh nghiệp?
Luật sư Nguyễn Văn Hoàng: Theo tôi, một trong những điêm quan trọng và tiên quyết ảnh hưởng trực tiếp đến các bên tham gia vào hoạt động kinh doanh xổ số là tính công khai, minh bạch và đảm bảo khách quan, công bằng giữa các bên, đặc biệt là khách hàng tham gia. Theo đó, khi đưa ra đề xuất tại Điều 4 về các hành vi bị cấm, Tổ soạn thảo cũng đã tính đến những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu minh bạch, công khai, khách quan công bằng trên. Tôi cho rằng đây là một giải pháp có tính khả thi, tuy nhiên chỉ với việc tìm ra những lỗ hổng để cấm thì những giải pháp này chưa thực sự mang tính quyết sách, tuyệt đối hiệu quả. Bởi những cấm đoán, tràn lan không theo hệ thống, tự phát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh xổ số, làm giảm sức hút của các cá nhân, tổ chức có ý định tham gia kinh doanh lĩnh vực này khi điều kiện về pháp lý chưa đầy đủ.
Theo đó, để có những bước phát triển đột phá mang tính căn cơ trong lĩnh vực kinh doanh xổ số thiết nghĩ các cơ quan chức năng nhà nước và các cá nhân, tổ chức tham gia lĩnh vực này phải có những quy định về điều kiện tham gia kinh doanh xổ số một cách có hệ thống. Đồng thời đưa ra giải pháp kinh doanh ở các cấp độ, hình thức theo kiểu phân cấp trong kinh doanh sổ số. Tăng cường nâng cao chất lượng của các phần mềm điện thoại, máy tính sử dụng trong kinh doanh, chú trọng đến tính bảo mật thông tin khách hàng, công khai minh bạch…
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà: Theo tôi Dự thảo Nghị định cần có sự đánh giá khách quan trước khi ban hành, đánh giá phải dựa trên tổng kết ưu khuyết điểm thời gian qua ra sao, bất cập ra sao… Quá trình lấy ý kiến này cũng phục vụ mục đích tổng kết đánh giá, nếu lấy ý kiến rộng rãi mà đa số người dân, doanh nghiệp phản bác thì nên bãi bỏ. Vì những lý do trên, tôi tham gia đóng góp dự thảo Nghị định này là tôi không đồng tình với việc cấm dịch vụ “Mua hộ vé số”. Cái gì chưa phù hợp, cái gì bất cập thì điều chỉnh chứ không nên cấm tất cả những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực mà luật pháp không cấm, xã hội có nhu cầu.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn các chuyên gia.
PV