/ Nhìn ra thế giới
/ Kinh nghiệm của một số quốc gia về tổ chức phiên tòa trực tuyến

Kinh nghiệm của một số quốc gia về tổ chức phiên tòa trực tuyến

27/02/2022 10:13 |

(LSVN) - Trên thế giới, Tòa án trực tuyến vẫn đang là vấn đề mới, nhận được sự quan tâm của các chuyên gia cũng như các nhà nghiên cứu, bởi lẽ, những thách thức khi tổ chức phiên tòa trực tuyến là không nhỏ. Trong nội dung bài viết, tác giả cung cấp thông tin cũng như kinh nghiệm của các quốc gia Áo, Đức và Ý về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Phương cách tương tác giữa Thẩm phán, các bên đương sự và Luật sư trong phiên tòa trực tuyến cũng cần phải thay đổi trong bối cảnh mới khác với phòng xử án truyền thống khi việc thiết kế và bố trí tạo ra sự khác biệt giữa phiên tòa trực tiếp với phiên tòa trực tuyến. Phiên tòa trực tiếp tạo ra tính nghiêm minh, không khí nghiêm túc, trong khi đó, thực tiễn tại phiên tòa trực tuyến có phần nào khác biệt.

Thực tế, pháp luật một số quốc gia đã quy định về xét xử trực tuyến từ những năm 1990 hoặc đầu những năm 2000 để hiện đại hóa trình tự và thủ tục tố tụng dân sự hoặc để tổ chức phiên tòa hình sự một cách an toàn hơn. Vào năm 2009, trong khuôn khổ một chương trình có tên gọi “Xét xử trực tuyến/điện tử châu Âu”, các nước thuộc Hội đồng châu Âu đã xây dựng một chương trình xét xử trực tuyến/qua video.

1. Áo

Năm 2004, tại Áo đã áp dụng quy định cho phép nghe các bên, chuyên gia và người làm chứng trong tố tụng dân sự; bị cáo và người làm chứng trong tố tụng hình sự trình bày qua video. Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến/qua video đã được quy định tại Điều 589(3) của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật quản lý Tòa án và Đạo luật phòng chống Covid. Mặc dù Hiến pháp của Áo[1] đã quy định các bên trong tranh chấp phải có mặt tại phiên tòa, các phiên tòa dân sự và hình sự phải được mở công khai, tuy nhiên hệ thống pháp luật của Áo cho phép  một số ngoại lệ cho phép các bên có thể tham gia phiên tòa trực tuyến. Đồng thời, việc sử dụng phương tiện thông tin điện tử để tương tác giữa Tòa án và các bên với tư cách là một bộ phận của trình tự tố tụng được coi là một đặc điểm quan trọng của hệ thống tư pháp của Áo.

Điều 171 và Điều 277 của Bộ luật Tố tụng dân sự của Áo cũng quy định việc sử dụng nền tảng họp/xét xử trực tuyến như sau: “Nếu kỹ thuật cho phép, Tòa án có thể thu nhận chứng cứ thông qua phương tiện kỹ thuật để chuyển hóa chữ và hình ảnh, trừ trường hợp việc thu nhận chứng cứ trực tiếp tại tòa án là thích hợp hoặc cần thiết hơn vì lý do đặc biệt có xem xét đến nguyên tắc kinh tế mang tính thủ tục…”.

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự[2], cũng có một điều khoản liên quan đến việc xét xử trực tuyến theo đó để tạo điều kiện cho việc xét xử trực tuyến, tất cả Tòa án, cơ quan công tố và nhà tù được trang bị nền tảng/hệ thống họp trực tuyến[3]. Tuy nhiên trong thực tiễn, việc sử dụng công nghệ trong các vụ xử dân sự và hình sự trong thực tiễn cũng bị hạn chế trong một số tình huống ngoại lệ.

Ngày 16/3/2020, Đạo luật chống Covid có hiệu lực đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc thực thi các biện pháp nhằm ngăn chặn việc lây lan của dịch bệnh Covid -19. Cân nhắc xu hướng sử dụng các phương tiện điện tử và các nền tảng họp trực tuyến trong các phiên xét xử trực tiếp, Đạo luật phòng chống Covid - 19 chủ yếu mở rộng việc sử dụng các công cụ hiện có để thúc đẩy chức năng quản lý hệ thống Tòa án từ xa. Nói một cách cụ thể hơn, các bên có thể thỏa thuận lựa chọn phương án xét xử trực tuyến mà không cần phải đến Tòa [4]. Sự chấp thuận của các bên là bắt buộc, việc xét xử trực tuyến mà không có sự chấp thuận của các bên được coi là vi phạm quyền xét xử công bằng. Tại Áo, luật yêu cầu sự chấp thuận của các bên và bị can trong tố tụng dân sự và hình sự.

Theo Đạo luật này, bên cạnh một số biện pháp khác đã điều chỉnh trình tự và thủ tục của Tòa án trong các vụ án dân sự để ứng phó với dịch bệnh đảm bảo quyền được xét xử kịp thời của các bên đương sự. Luật ứng phó đại dịch Covid[5] cho phép, trong một khoảng thời gian giới hạn, các phiên xét xử được tổ chức trực tuyến với sự đồng ý của các bên trong tố tụng dân sự. Luật cũng cho phép tổ chức các phiên xét xử trực tuyến trong các vụ án hình sự, đặc biệt là liên quan đến việc giam giữ các nghi phạm hoặc bị can. Tuy nhiên, các phiên tòa xét xử có bồi thẩm đoàn chỉ có thể được tổ chức trực tuyến trong những trường hợp đặc biệt. Trong tố tụng hành chính, luật chỉ quy định rằng các bên “có thể” được xét xử trực tuyến. Tuy nhiên, trong quyết định ngày 08/10/2020, Tòa án Hiến pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét xử trực tuyến - để bảo vệ quyền của họ đối với một phiên tòa công bằng.

Nền tảng công nghệ chính được Tòa án ở Áo sử dụng là Zoom (các quốc gia như: Bang Michigan của Hoa Kỳ, Tây Ban Nha (tòa án Madrid), Vương quốc Anh, Ba Lan, Thụy Sĩ (tòa án thương mại Zurich), Singapore, Tòa án tối cao của Victoria, New Zealand cũng sử dụng nền tảng công nghệ này). Việc sử dụng công nghệ mới phụ thuộc vào sự hợp tác của các Thẩm phán và tình hình tại từng Tòa án. Quy mô của các phòng xử án - trong các phòng lớn, vẫn có thể thực hiện các phiên xét xử trực trực tuyến với các thiết bị kỹ thuật có sẵn. Các Tòa án nơi các Thẩm phán đã làm việc với các hồ sơ điện tử thường có thiết bị kỹ thuật tốt hơn. Tuy nhiên, ở một số quốc gia châu Âu, Zoom và các hệ thống thuộc sở hữu tư nhân khác bị coi là không đáng tin cậy vì lý do bảo vệ dữ liệu, mặc dù chúng ổn định và thân thiện với người dùng.

2. Đức

Đầu những năm 2000, việc xét xử qua video đã được đưa ra áp dụng tại Đức. Các phiên xét xử video tại các Tòa án đã được giới thiệu vào năm 1998 để bảo vệ nhân chứng trong các phiên tòa hình sự. Điều 128a của Bộ luật Tố tụng dân sự đã tạo ra cơ sở pháp lý, các quy định tương tự đã được quy định trong các Luật Tố tụng Hành chính và Gia đình. Tuy nhiên, trong thủ tục tố tụng hình sự, chỉ có nhân chứng mới có thể tham gia trực tuyến từ xa, một cách tiếp cận khá khác so với các quy định ở các nước châu Âu khác. Mặc dù đã có cơ sở pháp lý, nhưng các cuộc xét xử trực tuyến không được sử dụng nhiều trước đại dịch Covid ở Đức, tuy nhiên, quốc gia này có một số kinh nghiệm về các phiên xét xử trực tuyến tại các Tòa án thuế khi các bên và Tòa án sử dụng nền tảng “Máy chủ Truyền thông Video của Cisco (VCS)”.

Ở Đức không yêu cầu sự chấp thuận về mặt pháp lý (tương tự như ở Ireland, San Marino và Tây Ban Nha), Tòa án có thể quyết định tổ chức một phiên xét xử từ xa theo đơn của một bên hoặc thậm chí chính thức. Tuy nhiên, trên thực tế, một cuộc xét xử trực tuyến không được tiến hành trái với mong muốn của các bên. Trong tố tụng hình sự, các phiên xét xử trực tuyến được giới hạn trong việc nghe các nhân chứng trình bày. Ngoài ra, thường có những quy tắc đặc biệt trong tố tụng hình sự và mong muốn của các bên được cân nhắc.

Nền tảng công nghệ chính được Tòa án ở Đức sử dụng là CISCO Webex. Tại Diễn đàn Thường trực Quốc tế về các Tòa án Thương mại đã đưa ra một bản ghi nhớ vào tháng 5/2020 để hỗ trợ các Tòa án trong việc lựa chọn và sử dụng các nền tảng kỹ thuật. Trong việc chọn một nền tảng cho các cuộc xét xử video, bảo mật dữ liệu có tầm quan trọng đặc biệt. Do đó, ở Đức các hệ thống này được sử dụng trên các máy chủ riêng của Tòa án (tại cơ sở). Các Tòa án đã tuân thủ cách hiểu truyền thống về “phiên xét xử công khai” liên quan đến phiên xét xử trực tuyến. Các Thẩm phán chỉ có thể tiến hành các phiên xét xử trực tuyến từ phòng xử án của họ, phòng xử án phải được công khai. Về mặt kỹ thuật, có thể dễ dàng phát trực tiếp các phiên xét xử và do đó cho phép một số lượng lớn công dân quan tâm đến xem. Việc sử dụng các ứng dụng được quản lý tại Đức hoặc Liên minh Châu Âu là khuyến khích, vì các ứng dụng này trực tiếp tuân theo các quy định bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu.

3. Ý

Ở Ý, sự nguy hiểm của các phiên tòa xét xử Mafia những năm 1990 đã ảnh hưởng đáng kể đến việc phát triển và sử dụng các phiên xử trực tuyến qua video tại các Tòa án. Các quy định pháp luật khác nhau cho phép xét xử trực tuyến qua video đã được sử dụng trong cơ quan tư pháp Ý trong hơn 20 năm. Bộ Tư pháp Ý cung cấp các hệ thống nghe nhìn an toàn phục vụ cho hoạt động của Tòa án.

Kể từ năm 1992, Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự Ý quy định “cộng tác viên”, các đặc vụ chìm và những người khác có thể phải đối mặt với nguy cơ gây áp lực hoặc nguy hiểm cho sự an toàn của họ và gia đình, do vậy họ có thể làm chứng thông qua công nghệ trực tuyến. Trong trường hợp này, Thẩm phán sau khi cân nhắc mọi mặt có thể quyết định xét xử video mà không cần sự đồng ý của họ. Tại nơi nhân chứng có mặt, một cán bộ sẽ được bố trí để đảm bảo tính thường xuyên của việc kiểm tra chéo.

Tòa án Hiến pháp được kêu gọi để ra phán quyết về tính hợp pháp của phương pháp thẩm tra chéo (từ xa) này, cho rằng quy định của luật phù hợp với Hiến pháp và các nguyên tắc của thủ tục tố tụng[6]. Cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức trong các phiên tòa xét xử Mafia những năm 1990 không chỉ cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ nhân chứng mà còn cho thấy lợi thế của việc không chuyển tội phạm nguy hiểm từ nhà tù an toàn đến phòng xử án. Từ năm 1998, Luật Tố tụng hình sự của Ý đã quy định rằng trong các phiên tòa xét xử tội phạm có tổ chức hoặc khủng bố, các bị cáo bị giam trong tù được tham gia bằng hội nghị truyền hình[7]. Hội nghị truyền hình được thực hiện bằng cách kích hoạt đường truyền truyền hình giữa nơi giam giữ bị can và phòng xử án. Hơn nữa, một bị can bị giam giữ ở nước ngoài không thể được chuyển đến Ý cũng có thể tham dự phiên xét xử hình sự thông qua hội nghị truyền hình [8].

Cơ sở pháp lý cho các cuộc xét xử trực tuyến đã được đưa ra trước đại dịch, luật đã được sửa đổi để thích ứng trong thời gian đại dịch Covid-19. Các quy tắc tố tụng được áp dụng sau trường hợp khẩn cấp về y tế trong đại dịch Covid-19 đã mở rộng khả năng sử dụng xét xử trực tuyến trong các phiên tòa hình sự. Đặc biệt, Luật 27/2020 quy định rằng từ ngày 09/3/2020 đến ngày 30/6/2020 (thời hạn sau đó kéo dài đến ngày 31/7/2020), các phiên xét xử hình sự không có sự tham gia của nhân chứng mà không phải là cảnh sát tư pháp thì có thể được tổ chức thông qua các kết nối từ xa được do Bộ Tư pháp quyết định.

Nếu không có sự đồng ý của người bị buộc tội, những quy định này không áp dụng đối với các phiên xét xử chung thẩm và đối với những phiên tòa mà nhân chứng, các bên, nhà tư vấn và chuyên gia cần được thẩm tra lời khai. Trong đợt đại dịch thứ hai, các quy định tương tự đã được thông qua vào cuối tháng 10/2020 có hiệu lực cho đến ngày 31/1/2021. Nếu cần thiết, các quy tắc này có thể được gia hạn thêm. Tại Tòa Giám đốc thẩm Tối cao hầu hết các phiên tòa xét xử, dân sự và hình sự, đều được tổ chức trực tuyến. Các vụ án dân sự vẫn được xét xử trực tiếp, nhưng các phiên xét xử công khai về hình sự thường được tổ chức trực tuyến trên cơ sở kháng cáo được nộp và kết tội bằng văn bản của công tố viên, trừ khi Bộ trưởng Tư pháp hoặc người bào chữa yêu cầu một phiên xét xử trực tiếp.

Kết luận

Cho đến nay, những trải nghiệm tích cực đã được báo cáo từ các quốc gia khác nhau, hều hết đều đồng ý rằng các cuộc xét xử trực tuyến đã tăng lên đáng kể vì đại dịch. Các Thẩm phán đồng tình rằng sự sẵn có của thiết bị kỹ thuật phù hợp và kết nối internet tốt là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của các phiên xét xử trực tuyến. Tuy nhiên, ngoài các vấn đề kỹ thuật, các mối đe dọa tiềm ẩn đối với chất lượng của phiên xét xử và các rủi ro có thể xảy ra đối với quyền xét xử công bằng, đặc biệt là quyền bào chữa cũng được đề cập. Một phiên xét xử nên cung cấp một không gian được kiểm soát bởi Thẩm phán để bằng chứng có thể được thu thập và đánh giá một cách thích hợp. Trong các phiên xét xử trực tuyến, các Thẩm phán có ít quyền kiểm soát hơn đối với giao tiếp phi ngôn ngữ giữa các bên và nhân chứng. Các Thẩm phán coi các phiên xét xử từ xa là cần thiết trong thời kỳ đại dịch nhưng không thích hợp hơn các phiên xét xử trực tiếp.

Trong một cuộc khảo sát các đại biểu tham dự Hội nghị tư pháp trực tuyến do Bộ trưởng trưởng Tư pháp Cộng hòa liên bang Đức tổ chức ngày 08/12/2020, 70% đại biểu cho rằng trong vòng 3 năm tới việc xét xử trực tuyến qua video sẽ phổ biến toàn châu Âu [9]. Bên cạnh đó, những năm gần đây, một số quốc gia đã hướng tới phương cách “Xét xử trực tuyến/qua video” không chỉ đơn giản là nộp đơn kiện/hồ sơ vụ án qua phương tiện điện tử mà còn sửa đổi luật của mình để áp dụng cách xét xử trực tuyến. Tuy nhiên, ngay từ khi đưa ra áp dụng quy định này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và giới Luật sư…đã nêu vấn đề như quyền xét xử bình đẳng và quyền tiếp cận công nghệ.

Ở một số quốc gia, các phiên xét xử trực tuyến được coi là một công cụ quan trọng cho ngành tư pháp không chỉ trong đại dịch mà còn trong tương lai. Trong chặng đường phía trước, cần có nhiều nghiên cứu và thảo luận để phát triển các quy tắc và hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển các phiên xét xử video thành một nơi - mặc dù không phải là một nơi thực tế - nơi công lý có thể được thực hiện.

[1] Điều 90 của Hiến pháp Áo.

[2] Điều 165 Luật Tố tụng hình sự của Áo.

[3] https://edition.cnn.com/2021/02/09us/cat/filter-lawyer-zoom-court.

[4] Điều 21 khoản 3 của Đạo luật phòng chống Covid.

[5] Điều 21 Luật Ứng phó đại dịch Covid 19.

[6] Bản án No 342 22/7/1999.

[7] Điều 146 của Bộ luật Tố tụng hình sự có sửa đổi bổ sung 11/1998 và Điều 134 của Bộ luật Tố tụng hình sự ban hành tháng 4/2011.

[8] Điều 205 về thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

[9] https:www.iacajournal.org/article.

Luật gia THANH TÙNG

Tạp chí Tòa án nhân dân

Cần xử lý nghiêm những vi phạm trong đấu giá đất

Lê Minh Hoàng