/ Pháp luật - Đời sống
/ Kỳ án tại quận 5, TP. Hồ Chí Minh: Kết án bị cáo Nguyễn Văn Thanh tội “Cố ý gây thương tích” là không có cơ sở

Kỳ án tại quận 5, TP. Hồ Chí Minh: Kết án bị cáo Nguyễn Văn Thanh tội “Cố ý gây thương tích” là không có cơ sở

22/02/2023 08:29 |

(LSVN) - Đây là nhận định của Uỷ ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, thể hiện rõ tại phiên toà Giám đốc thẩm ngày 14/02/2022. Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử (HĐXX) Giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ Bản án hình sự phúc thẩm số 468/2020/HS-PT của TAND TP. Hồ Chí Minh và Bản án hình sự sơ thẩm số 53/2020/HS-ST của TAND quận 5 để điều tra, xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật. Trong khi nhiều vấn đề mấu chốt được HĐXX Giám đốc thẩm chỉ ra chưa được làm rõ, thì Bản cáo trạng mới của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) quận 5 tiếp tục truy tố bị can tội “Cố ý gây thương tích”, nên ông Thanh tiếp tục kêu oan.

Bị cáo Thanh tại phiên toà sơ thẩm TAND quận 5.

Người tố, kẻ kêu oan vì “một cú đạp”(!)

Liên quan đến vụ án này, ngày 30/01/2019, Phó Viện trưởng VKSND quận 5 Trần Tuấn Dũng ký Bản cáo trạng đầu tiên số 37/CT-VKS, truy tố bị can Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1975, thường trú tại khu phố 2, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm d, khoản 2, Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015.

Cáo trạng số 86/CT-VKS ngày 22/9/2022, trang đầu và trang cuối.

Cáo trạng xác định: Ông Trần Trung Trinh (sinh năm 1972, thường trú phường Phạm Ngũ Lão quận 1, TP. Hồ Chí Minh) và ông Thanh có mối quan hệ quen biết với nhau từ năm 2016. Do mâu thuẫn trong việc nợ tiền nên ngày 06/4/2018, Thanh đi công việc thì gặp ông Trinh tại quận 5. Khi hai bên đứng trước quán cà phê tại chung cư Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, Thanh yêu cầu ông Trinh phải trả số tiền 400.000.000 đồng cho Thanh. Ông Trinh không đồng ý nên hai bên xảy ra cự cãi. Lúc này Thanh dùng tay đấm vào mặt ông Trinh nên ông Trinh dùng tay đánh lại. Thanh dùng chân đạp vào người, làm ông Trinh ngã ngửa về phía sau xuống đường. Sự việc được người dân can ngăn, sau đó, Công an phường 8 mời hai người về trụ sở làm việc.

Ông Trinh đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thăm khám. Ngày 10/4/2018, Bệnh viện này có Giấy chứng nhận thương tích do Phó Giám đốc Phan Văn Nghiệm ký, xác định: Ông Trinh vào viện lúc 14 giờ 00 ngày 06/4/2018, ra viện 1 giờ sau đó. Bệnh nhân bị “đứt bán phần” dây chằng chéo trước gối phải, tổn thương phần mềm ngón 5 tay phải (ngón út). Ngày 13/4/2018, ông Trinh có đơn yêu cầu xử lý hình sự ông Thanh.

Tại Cơ quan điều tra, ông Trinh khai: Ngày 06/4/2018, khi gặp nhau tại quán cà phê, ông Trinh bị ông Thanh đòi nợ nên cả hai xảy ra cự cãi, xô xát. Ông Thanh dùng tay đấm vào mặt ông Trinh, ông Trinh dùng tay đánh lại. Ông Thanh dùng chân đạp vào bụng, làm ông Trinh té ngã ngửa về sau xuống đường, dẫn đến các thương tích nêu trên.

Trong khi đó, ông Thanh khai: Ngày 06/4/2018, do mâu thuẫn nợ tiền nên hai bên xảy ra cự cãi. Trong lúc giằng co, Thanh bị ông Trinh dùng chân đạp vào người nên Thanh né tránh, dẫn đến ông Trinh bị mất thăng bằng, tự té ngã xuống đường.

Ngày 31/5/2018, Cơ quan điều tra Công an quận 5 tiến hành trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật của ông Trinh. Ngày 15/6/2018, Trung tâm Pháp y - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh ra Bản kết luận giám định pháp y số 441/TgT.18, xác định: Chấn thương gối phải, gây sưng nề vùng gối phải, có hình ảnh đứt dây chằng chéo trước gối phải trên phim MRI chụp khi vào viện và khi giám định; chấn thương phần mềm ngón 5 bàn tay phải. Tỷ lệ tổn thương cơ thể là 16%.

Ngày 26/7/2018 và ngày 10/9/2018, Trung tâm Pháp y có hai Công văn số 441-GT/TgT.18 và 441-GT2/TgT.18, giải thích: Nguyễn Văn Thanh dùng chân đạp vào phía trước người của Trần Trung Trinh, khiến Trinh té ngã xuống đường, làm gối phải Trinh bị “xoắn vặn” gây ra thương tích tỷ lệ 13%. Phần thương tích ngón 5 bàn tay phải là 3%.

Cáo trạng quy kết: Mặc dù bị can không thừa nhận hành vi (kêu oan) nhưng với lời khai của bị hại, nhân chứng Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Trần Tấn Vinh, các biên bản thực nghiệm điều tra, kết luận giám định thương tích và các công văn giải thích về “cơ chế hình thành nên vết thương”, thì chính Nguyễn Văn Thanh đã đạp ông Trinh té ngã, gây ra thương tích 16 %.

Lập luận “lạ” của chủ toạ phiên toà sơ thẩm

TAND quận 5 đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 26/4/2019 với HĐXX do Thẩm phán Lê Thị Minh Loan làm chủ tọa. Phiên toà phải hoãn do vắng nhân chứng, giám định viên.
Tại phiên tòa lần hai ngày 21/5/2019, Luật sư bào chữa chỉ ra một loạt vấn đề bất thường, chứng minh bị cáo Thanh kêu oan là có căn cứ. Sau khi xem xét, HĐXX quyết định tạm hoãn, trả hồ sơ để VKSND quận 5 điều tra bổ sung.

Ngày 03/6/2019, Phó Viện trưởng VKSND quận 5 Trần Tuấn Dũng ký quyết định yêu cầu Cơ quan điều tra Công an quận 5 điều tra bổ sung các nội dung: Thứ nhất, tiến hành cho các nhân chứng cùng bị cáo, bị hại đối chất, làm rõ việc đánh nhau, do tại phiên có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau. Thứ hai, thu thập hai bản phim chụp MRI (bản chính) ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Trung tâm Pháp y cùng Giấy chứng nhận thương tích (bản chính) do Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cấp. Thứ ba, giám định lại tỷ lệ thương tích của bị hại Trinh…

Một loạt vấn đề tòa yêu cầu nhưng chưa thực hiện, nhất là việc “giám định lại” thương tật (do bị hại từ chối giám định). Thế nhưng, ngày 26/8/2019, Phó Viện trưởng Dũng ký văn bản, giữ nguyên Bản cáo trạng số 37/CT-VKS ngày 30/01/2019. Điều này, đồng nghĩa với việc Phó Viện trưởng Dũng tiếp tục sử dụng kết quả giám định cũ để truy tố tội “Cố ý gây thương tích”, trong khi bị can Thanh trước sau vẫn một mực kêu oan.

Ngày 07/10/2019, TAND quận 5 đưa vụ án ra xét xử lần ba nhưng phải tiếp tục tạm hoãn do vắng giám định viên, nhân chứng, bác sĩ chụp MRI, cũng như không có kết quả “giám định lại” theo yêu cầu của tòa.

Phiên tòa lần tư mở ngày 05/11/2019, bị cáo Thanh tiếp tục kêu oan, mấu chốt vẫn là kết luận tỷ lệ thương tật của bị hại. Theo Giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ông Trinh bị “đứt bán phần” dây chằng, trong khi kết luận của Trung tâm Pháp y biến thành “đứt dây chằng” nhưng không xác định rõ “đứt hoàn toàn” hay “đứt bán phần”?

Sau khi xem xét, HĐXX một lần nữa phải tạm hoãn, ra Quyết định điều tra bổ sung số 22/2019/HSST-QĐ, nêu rõ: Tại phiên tòa, bị cáo Thanh cho rằng không đánh, không gây ra thương tích cho bị hại, kết quả giám định không đúng, nên yêu cầu giám định lại. Tại hai phiên tòa ngày 21/5/2019 và 05/11/2019, Giám định viên Mai Quang Trường (Trung tâm Pháp y) trình bày: Khi thực hiện giám định thương tích của bị hại, tài liệu phục vụ giám định không có bản phim chụp cộng hưởng từ (MRI) do Phòng khám đa khoa Vietlife chụp. Tuy nhiên, tại Bản kết luận giám định pháp y số 441/TgT.18, lại ghi nhận: “có hình ảnh đứt dây chằng chéo trước gối phải trên phim MRI chụp khi vào viện” là chưa chính xác. Việc thiếu tài liệu khi thực hiện giám định có thể làm kết quả giám định không chính xác. Từ đó, HĐXX yêu cầu VKSND quận 5 “giám định lại” thương tích của bị hại.

Phiên toà lần thứ năm mở ngày 14/01/2020, với HĐXX được thay mới, do Thẩm phán Vũ Kim Liên làm chủ toạ. Phiên toà lại tiếp tục bị hoãn vì Kiểm sát viên bệnh đột xuất.

Phiên toà lần sáu mở ngày 27/5/2020. Trong khi một loạt vấn đề mà toà yêu cầu vẫn chưa được điều tra bổ sung, làm rõ thì HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Thanh 02 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.

Theo Luật sư bào chữa, kêu oan của bị cáo Thanh là có căn cứ. Mấu chốt của vụ án chính là thương tích của bị hại và kết quả giám định pháp y. Hồ sơ vụ án thể hiện ngay khi vụ việc xảy ra, bị hại khai tại Công an phường 8, quận 5:“Tôi bị sưng ở mặt và tay”. Cùng ngày 06/4/2018, bác sĩ điều trị yêu cầu chụp MRI nhưng đến ba ngày sau, bị hại mới tiến hành chụp tại Phòng khám Vietlife, không thuộc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Kết quả này làm sao đảm bảo khách quan? Ngoài ra, theo Giấy chứng nhận thương tích của bệnh viện, ông Trinh bị “đứt bán phần” dây chằng, trong khi kết luận giám định pháp y thì biến thành “đứt dây chằng” nhưng không xác định đứt như thế nào… Do đó, việc giám định lại là có căn cứ, để bị cáo “tâm phục, khẩu phục”.
Tuy nhiên, HĐXX mới lại cho rằng, chỉ cần dây chằng có đứt, không cần phải xác định là “đứt bán phần” hay “đứt toàn phần” nên không cần giám định lại?

Cũng theo Luật sư, HĐXX mới căn cứ lời khai ngày 21/6/2018 của nhân chứng Vinh và Nhung (sau khi xảy ra vụ việc gần 80 ngày) để buộc tội bị cáo. Trong khi lời khai này mâu thuẫn với chính lời khai ngày 06/4/2018 của hai nhân chứng tại Công an phường 8. Việc hai nhân chứng thay đổi lời khai là bất thường theo hướng buộc tội bị cáo.

Không chỉ kháng cáo kêu oan. TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên toà phúc thẩm vào ngày 18/9/2020, với thành phần HĐXX do Thẩm phán Phan Thanh Nguyễn (làm chủ toạ phiên toà), cùng hai Thẩm phán Vũ Văn Lệ và Phan Nguyên Nguyên. Trong khi nhiều vấn đề mà cấp toà sơ thẩm chưa làm rõ, bị cáo liên tục kêu oan, thì HĐXX lại bỏ qua, tuyên Bản án phúc thẩm số 468/2020/HS-PT, bác toàn bộ kháng cáo, y án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Thanh 02 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Kết tội bị cáo là không có cơ sở

Với niềm tin vào công lý, ngày 05/10/2020, người bị kết án có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm với nội dung kêu oan.
Qua xem xét, ngày 21/5/2021, Chánh án TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ký Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 14/2021/KN-HS, huỷ toàn bộ cả hai Bản án hình sư phúc thẩm và sơ thẩm.

Ngày 14/02/2022, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh mở phiên toà Giám đốc thẩm, với Uỷ ban Thẩm phán gồm 10 thành viên do Phó Chánh án Quảng Đức Tuyên làm chủ tọa phiên tòa.

Tại phiên toà, đại diện VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng Giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.

Xem xét toàn bộ tài liệu, chứng cứ hồ sơ vụ án, Uỷ ban Thẩm phán ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 19/2022/HS-GĐT ngày 14/02/2022, tuyên hủy toàn bộ Bản án hình sự phúc thẩm số 468/2020/HS-PT ngày 18/9/2020 của TAND TP. Hồ Chí Minh và Bản án hình sự sơ thẩm số 53/2020/HS-ST ngày 27/5/2020 của TAND quận 5; chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.

Hội đồng Giám đốc thẩm nhận định: Xét thấy, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vào ngày 19/8/2020, ông Mai Quang Trường, Giám định viên, giải thích: “Tư thế ngã ngửa không thể gây ra chấn thương của bị hại Trinh được. Giám định viên xác định thương tích của bị hại là do cơ chế vặn xoắn”.

Các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử căn cứ lời khai của bị hại Trinh, lời khai của hai người làm chứng là ông Trần Tuấn Vinh, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, các biên bản đối chất giữa bị cáo Thanh với bị hại Trinh, người làm chứng và Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 441/TgT.18 ngày 15/6/2018 của Trung tâm Pháp y, xác định bị cáo Thanh là người đã dùng chân đạp một cái vào bụng bị hại Trinh làm bị hại té ngã ngửa xuống đường gây ra thương tích là chưa có cơ sở.

Bởi lẽ, theo lời khai của bị hại Trinh thì bị cáo Thanh dùng chân phải đạp vào bụng làm ông té ngã ngửa xuống đường, dẫn đến thương tích ở đầu gối phải và ngón 5 bàn tay phải. Vấn đề đặt ra là đạp vào bụng thì sẽ gây ra thương tích nào trên người ông Trinh? Đạp vào bụng có khả năng gây đứt dây chằng chéo trước gối phải và chấn thương phần mềm ngón 5 bàn tay phải của ông Trinh hay không? Nếu có, tỉ lệ gây ra chấn thương là bao nhiêu %? Bị đạp vào bụng có khả năng làm ông Trịnh ngã “vặn xoắn” gối phải như cơ chế hình thành vết thương mà giám định viên xác định hay không?

Theo lời khai của bị cáo Thanh, ông Trinh đạp về phía người Thanh nhưng do Thanh tránh được nên ông Trinh bị mất thăng bằng (do đạp hụt) dẫn đến té ngã ngửa xuống đường. Trường hợp này, ông Trinh có khả năng ngã “vặn xoắn” gối phải và chấn thương phần mềm ngón 5 bàn tay phải hay không? Xác định nguyên nhân gây ra thương tích cho ông Trinh với những vấn đề đặt ra nêu trên là cần thiết.
Trong khi các lời khai mâu thuẫn chưa được điều tra làm rõ đâu là sự thật khách quan nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đưa vụ án ra xét xử và kết án bị cáo Nguyễn Văn Thanh là chưa có cơ sở.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 441/TgT.18 ngày 15/6/2018, thương tích ngón 5 bàn tay phải của bị hại Trinh được xác định là 3% “Chấn thương phần mềm” nhưng Trung tâm pháp y lại áp dụng tỉ lệ tổn thương “Viêm khớp ngón bàn”; việc áp dụng này cần phải được Trung tâm Pháp y giải thích có phù hợp hay không?

Với những mâu thuẫn và thiếu sót chưa được làm rõ nêu trên, cần phải hủy toàn bộ Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại.

Tiếp tục truy tố không cần “giám định lại

Kết luận điều tra mới trang đầu và trang cuối.

Ngày 28/4/2022, VKSND quận 5 ra Quyết định số 01/QĐ-VKS, trả hồ sơ vụ án để điều tra lại. Ngày 25/8/2022, Cơ quan điều tra Công an quận 5 ban hành Kết luận điều tra số 178/KLĐT-ĐTTH, dài 16 trang, kết luận ông Thanh phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngày 22/9/2022, Viện trưởng VKSND quận 5 Nguyễn Bé Tư ký Bản cáo trạng mới số 86/CT-VKS, dài 15 trang, tiếp tục truy tố ông Thanh về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung năm 2017, mức án từ 02 - 06 năm tù.

Quyết định Giám đốc thẩm số 19/2022/HS-GĐT ngày 14/02/2022 của TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong đơn kêu cứu mới nhất gửi các cơ quan chức năng và Tạp chí Luật sư Việt Nam, ông Thanh trình bày: Vụ án đã trải qua ba cấp xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm rồi đến giám đốc thẩm, yêu cầu trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu.
Sau khi được điều tra lại, Cơ quan điều tra Công an quận 5 và VKSND quận 5 không làm rõ được căn cứ, chứng cứ để buộc tội nhưng tiếp tục quy kết tội “Cố ý gây thương tích” đối với tôi.

Vụ án còn tồn tại nhiều mâu thuẫn nhưng trong quá trình điều tra, chưa được làm sáng tỏ, mấu chốt chính là Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 441/TgT.18 ngày 15/6/2018. Bản kết luận này đã được Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh kết luận thể hiện rõ trong Quyết định số 19/2022/HS-GĐT: Các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, căn cứ vào Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 441/TgT.18 (cùng một số tài liệu chứng cứ khác) để truy tố, kết án tôi, là “chưa có cơ sở”. Do đó, việc giám định lại thương tật của bị hại là bắt buộc, mới có cơ sở xử lý tôi bằng Bản kết luận giám định mới. 

Ông Thanh cho biết: "Kết luận giám định mới là chứng cứ quan trọng để xem xét, đánh giá tôi có phạm tội hay không. Do bị hại bất hợp tác nên đến nay vẫn chưa có kết luận giám định mới. Lẽ ra, phải dẫn giải ông Trinh theo quy định pháp luật, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát lại sử dụng kết luận giám định cũ để quy kết hành vi phạm tội của tôi, dẫn đến oan sai. Cả Kết luận điều tra và Bản cáo trạng mới vẫn chưa làm rõ được những vấn đề mà Uỷ ban Thẩm phán TAND Cấp cao chỉ ra tại Quyết định Giám đốc thẩm số 19/2022/HS-GĐT ngày 14/02/2022. Với niềm tin vào công lý và nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, tôi và gia đình hy vọng TAND quận 5 luôn “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, có phán quyết công tâm, khách quan, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, cũng không kết án người vô tội”…

TRUNG DUY

Triển khai cấp hộ chiếu phổ thông gắn chip điện tử từ 01/3/2023

Bùi Thị Thanh Loan