Ảnh minh họa.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, Công ty Luật TNHH NTB Legal, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Điều 55, Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ, thuận tình ly hôn là việc yêu cầu ly hôn của cả hai vợ chồng sau khi đã thoả thuận được về việc tự nguyện ly hôn, chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc con.
Do đó, khi vợ chồng thuận tình ly hôn và gửi yêu cầu đến Toà án, thủ tục được áp dụng là thủ tục giải quyết việc dân sự.
Tuy nhiên, trường hợp do đơn đã ký từ lâu nên không phản ánh đúng các vấn đề thoả thuận của thời điểm hiện tại về tình cảm, tài sản (phát sinh mới hoặc không còn tài sản của thời điểm đó) cũng như giành quyền nuôi con (sinh thêm con hoặc con mất…); như vậy Toà án có từ chối nhận đơn?
Theo Điều 364, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, các trường hợp Toà án trả lại đơn yêu cầu ly hôn thuận tình gồm:
- Vợ, chồng không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự hoặc không có quyền yêu cầu (chồng không được yêu cầu ly hôn khi vợ sinh con, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc đang có thai).
- Việc yêu cầu thuận tình ly hôn đã được Toà án giải quyết.
- Trong thời hạn yêu cầu mà vợ, chồng không sửa đổi, bổ sung đơn theo quy định.
- Không nộp tiền tạm ứng lệ phí trừ trường hợp được miễn/không phải nộp khoản phí này hoặc chậm nộp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.
- Vợ chồng rút đơn yêu cầu thuận tình ly hôn.
- Trường hợp khác.
Do vậy, không có quy định về việc trả lại đơn yêu cầu ly hôn do thời điểm ký đơn không phải là thời điểm hiện tại.
Đồng nghĩa, nếu đơn ly hôn thuận tình đã được vợ, chồng ký từ trước đó thì vẫn được nộp và sẽ được Toà án chấp nhận đơn nếu:
- Đủ nội dung của đơn yêu cầu thuận tình ly hôn: Ngày, tháng, năm làm đơn; Tên Toà án giải quyết; tên, địa chỉ, số điện thoại… của vợ chồng; yêu cầu ly hôn thuận tình cùng những yêu cầu khác liên quan đến việc chấm dứt hôn nhân như phân chia tài sản, nuôi dưỡng, cấp dưỡng con sau ly hôn… cùng lý do, mục đích…
- Toà án nhận đơn có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu ly hôn thuận tình của vợ chồng.
- Không thuộc các trường hợp trả lại đơn yêu cầu thuận tình ly hôn.
Như vậy, nếu đơn ly hôn thuận tình vẫn đầy đủ các điều kiện để Toà án chấp nhận thụ lý vụ án thì dù đã được vợ chồng ký từ lâu thì vẫn được xem xét nhận, xử lý.
Nộp đơn ly hôn thuận tình bao lâu thì được giải quyết?
Sau khi nộp đơn thuận tình ly hôn, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn thuận tình của Toà án được thực hiện như sau:
Bước 1: Nhận, xử lý đơn yêu cầu ly hôn thuận tình
- Toà án phân công Thẩm phán giải quyết đơn ly hôn thuận tình trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo.
+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn trong 07 ngày (nếu đơn chưa ghi đủ nội dung).
+ Thực hiện thụ lý việc dân sự: Thông báo nộp lệ phí trong thời hạn 05 ngày làm việc và Toà án thụ lý đơn ly hôn thuận tình sau khi vợ chồng đã nộp biên lai thu tiền; thông báo thụ lý đơn trong 03 ngày kể từ ngày thụ lý.
Bước 2: Chuẩn bị xét đơn thuận tình ly hôn
Thời gian của bước này là 01 tháng kể từ ngày Toà án thụ lý đơn. Trong thời hạn này, Toà án sẽ thực hiện các công việc:
- Yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ liên quan còn thiếu hoặc yêu cầu cơ quan, cá nhân khác cung cấp tài liệu, chứng cứ khi vợ chồng có yêu cầu hoặc Toà án xét thấy cần thiết.
- Hoà giải để vợ chồng đoàn tụ.
- Quyết định đình chỉ việc xét đơn, trả lại đơn ly hôn thuận tình nếu vợ chồng rút đơn yêu cầu.
- Quyết định mở phiên họp giải quyết việc ly hôn thuận tình.
Lưu ý: Thực tế, khi giải quyết ly hôn thuận tình, Toà án sẽ thực hiện đồng thời thủ tục hoà giải và mở phiên họp giải quyết việc ly hôn. Khi hai vợ chồng hoà giải thành, Toà án đình chỉ giải quyết ly hôn thuận tình; nếu hoà giải không thành thì Toà án công nhận việc ly hôn và các thoả thuận của vợ chồng.
Bước 3: Ra quyết định công nhận ly hôn thuận tình
Căn cứ khoản 1, Điều 213, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, quyết định công nhận thuận tình ly hôn của vợ chồng có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (Điều 371, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Như vậy, thông thường trong một yêu cầu thuận tình ly hôn, thời gian giải quyết ngắn nhất là khoảng từ 01 - 02 tháng.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, xử lý đơn thuận tình, có nhiều trường hợp sẽ xảy ra, Toà án cũng tiến hành hoà giải… nên nếu vợ chồng thay đổi ý định thì hoàn toàn có thể rút đơn ly hôn hoặc Toà án sẽ đình chỉ giải quyết ly hôn thuận tình theo quy định.
VŨ QUÝ