/ Tin tức
/ Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào 20/7

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào 20/7

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Dự kiến tổng thời gian kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV là 11,5 ngày làm việc. Trong đó, công tác nhân sự là 05 ngày; xem xét các báo cáo và một số nội dung khác là 4,5 ngày; khai mạc, bế mạc là 01 ngày.

Tại phiên họp thứ 57 diễn ra vào chiều 14/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận Báo cáo về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến chương trình kỳ họp được xây dựng theo hướng: Không tiến hành công tác tổ chức, nhân sự liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian (trong thời gian Quốc hội bầu, phê chuẩn nhân sự, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng các dự thảo nghị quyết).

Tại phiên họp này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội khóa mới.

Bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp: Khai mạc, bế mạc; thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Dự kiến tổng thời gian kỳ họp là 11,5 ngày làm việc. Trong đó, công tác nhân sự: 5 ngày; xem xét các báo cáo và một số nội dung khác: 4,5 ngày; trù bị: 0,5 ngày; khai mạc, bế mạc: 01 ngày; dự phòng: 0,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị vào chiều ngày 19/7; khai mạc vào ngày 20/7 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 03/8/2021.

Với đặc thù của nội dung kỳ họp, Quốc hội cần họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp, nhất là có phương án, kế hoạch cụ thể cho phòng, chống dịch theo tình hình thực tế.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình đã được bổ sung nội dung về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi thanh toán khoản bù giá trong bao tiêu sản phẩm Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo cam kết của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Căn cứ quy định của Luật Đầu tư công (Điều 47) và Luật Quản lý nợ công (Điều 10), nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được bổ sung tại kỳ họp này cùng các kế hoạch tài chính 5 năm và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Chính phủ đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ đã gửi tài liệu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công các cơ quan thẩm tra, nhưng chưa kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 6 này. Đây là những nội dung rất cần được Quốc hội sớm thông qua. Trên cơ sở ý kiến đại diện của các cơ quan thẩm tra, Chính phủ đề ngị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp.

Chính phủ đề nghị bổ sung Báo cáo về việc thực hiện (hoặc Đề án) xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, do không có hồ sơ tài liệu kèm theo đề nghị bổ sung nội dung này nên chưa có căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chính phủ cũng đề nghị chuyển nội dung về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025 sang kỳ họp cuối năm 2021. Về vấn đề này, Chính phủ có trách nhiệm giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do lùi thời điểm trình làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội.

Tiếp thu đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao, chương trình kỳ họp bổ sung nội dung phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, quyết định để kịp thời kiện toàn nhân sự Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Dự kiến Chương trình kỳ họp được xây dựng theo hướng không tiến hành công tác tổ chức, nhân sự liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian (trong thời gian Quốc hội bầu, phê chuẩn nhân sự, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng các dự thảo nghị quyết). Tổng Thư ký Quốc hội sẽ thực hiện ngay việc xem xét, quyết định nhân sự các cơ quan của Quốc hội sau phiên khai mạc để các cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

PV

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19

Lê Minh Hoàng