LSVNO - Nếu chấp nhận Bản án sơ thẩm tại phiên tòa phúc thẩm sẽ gây oan sai, không những tước đoạt vô căn cứ quyền được sống của Nguyễn Xuân Sơn đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013 mà còn gây ra hệ lụy khác cho xã hội, làm rối loạn việc áp dụng pháp luật đối với chủ thể, khách thể tội “Tham ô tài sản”.
I. Nhận xét và kiến nghị
1. Nghiên cứu kỹ Bản án sơ thẩm, tôi nhận thấy: Bản án đã dùng những tài liệu, chứng cứ không đúng bản chất của sự việc, gán ghép những chức vụ quyền hạn mà Nguyễn Xuân Sơn không có để cố mà suy đoán, áp dụng cho Sơn tội danh tham ô và chịu mức án tử hình là vô cùng oan nghiệt. Trong khi đó thời gian 4 tháng 12 ngày (6/12/2010-18/4/2011) Sơn bị coi là đại diện phần vốn của PVN tại OJB, thì trên thực tế, Sơn lại không nhận và không chi khoản tiền nào của OJB. Nếu Sơn có là đại diện phần vốn góp chăng nữa thì cũng chỉ là đại diện 4 tháng 12 ngày, mà kết luận Sơn tham ô tiền trong thời gian từ 1/2011-6/2014 gần 4 năm thì lại càng oan uổng.
Đặt vụ án này trong mối quan hệ hữu cơ với một số vụ án có liên quan khác, đặc biệt là vụ án PVN góp vốn 800 tỷ vào OJB vừa được TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm, sẽ thấy có những mâu thuẫn trong việc xác định, đánh giá về tính chất sở hữu của phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp liên kết. Ví dụ như số tiền 20 tỷ đồng của Ninh Văn Quỳnh đã nhận từ Nguyễn Xuân Sơn đã được bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội tuyên xử là của OJB chứ không phải của PVN.
Với những sai sót và vi phạm như trên của Bản án sơ thẩm tại phiên tòa phúc thẩm, nếu chấp nhận Bản án sơ thẩm sẽ gây oan sai, không những tước đoạt vô căn cứ quyền được sống của Nguyễn Xuân Sơn đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013 mà còn gây ra hệ lụy khác cho xã hội, làm rối loạn việc áp dụng pháp luật đối với chủ thể, khách thể tội “Tham ô tài sản”.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm sáng ngày 20/4 vừa qua.
Nếu chấp nhận cho rằng người đại diện 20% phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần mà tư nhân chi phối 80% vốn là Chủ thể tội tham ô của Nhà nước thì điều này chưa bao giờ được áp dụng trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam. Nếu coi tài sản của OceanBank có 20% tài sản độc lập của PVN là hoàn toàn sai với quy định của Luật Dân sự, sai Luật Doanh nghiệp, làm rối loạn cơ chế sở hữu tài sản đã được xác lập trong Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp, dẫn tới phải thay đổi quan điểm và một loạt quy định trong hai bộ luật này và hệ thống pháp luật đi cùng.
Nếu chấp nhận Bản án sơ thẩm sẽ dẫn đến tình trạng coi cổ đông Nhà nước (PVN) hơn cổ đông tư nhân là không bình đẳng giữa các cổ đông. Bởi vì nếu coi số tiền OceanBank chi qua Sơn có 20% của PVN nên PVN được bồi thường, nhưng bản án lại không bồi thường 80% còn lại cho các cổ đông khác mà lại bồi thường cho pháp nhân OceanBank mới. Chính vì vậy các cổ đông khác của Thắm (thống kê có tới 58 đơn của cổ đông) đòi bồi thường, tính ra gần 1000 tỷ (63% của 1570 tỷ) nên Nhà nước (OceanBank mới) có thể sẽ mất 1000 tỷ. Điều này sẽ dẫn đến một hệ lụy nguy hiểm trong việc thu hút đầu tư theo đường lối chính sách bình đẳng trong đầu tư kinh doanh giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế vận hành theo quy luật kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nếu chấp nhận Bản án sơ thẩm có nghĩa chấp nhận quan điểm buộc tội không thống nhất trong một bản án: Cũng là tiền OceanBank chi chăm sóc khách hàng, cùng mục đích, phương thức, đường đi, địa chỉ của dòng tiền đến, nhưng chi qua Sơn thì có 20% của PVN, chi qua người khác thì không có 20% của PVN; chi qua Sơn thì bị quy là tham ô, chiếm đoạt, chi qua người khác thì chỉ là hậu quả của hành vi cố ý làm trái….
2. Tham gia phiên tòa sơ thẩm công khai, tôi có suy nghĩ Bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội đã không tuân thủ tinh thần của cải cách tư pháp trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị vẫn còn nguyên hiệu lực. Trong đó Nghị quyết yêu cầu “…việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục…”.
Nội dung Bản án cho thấy, Tòa án đã “không xét” mà chỉ “xử” và tuyên án theo quan điểm truy tố của Viện kiểm sát để cố gắng quy buộc Nguyễn Xuân Sơn về tội “Tham ô tài sản” và tuyên xử tử hình mà không căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Bản án đã bỏ qua, không xem xét một cách khách quan, toàn diện các chứng cứ đã được các luật sư chúng tôi nêu ra và phân tích, chứng minh rất đầy đủ, có sức thuyết phục, được dư luận đồng tình trong quá trình bào chữa và tranh luận đối đáp với đại diện Viện kiểm sát.
So sánh diễn biến kết quả điều tra và tranh tụng công khai tại phiên tòa và nội dung bản án sơ thẩm, cho phép chúng tôi kết luận: Bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội đã không bảo đảm đúng tinh thần của cải cách tư pháp, khiến phiên tòa công khai, dân chủ mang tính hình thức, không là căn cứ đối với phán quyết của Tòa án trong bản án sơ thẩm theo đúng tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
3. Đọc toàn văn bản án sơ thẩm, đặc biệt là phần nhận định về hành vi của Nguyễn Xuân Sơn, chúng tôi có cảm nhận Tòa án cấp sơ thẩm đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh Nguyễn Xuân Sơn phạm tội “Tham ô tài sản” theo Điều 280 Bộ luật Hình sự. Bởi vì, kết quả điều tra bổ sung không hề có tài liệu, chứng cứ gì mới để chứng minh cho tội “Tham ô tài sản”. Hồ sơ vụ án vẫn là các tài liệu, chứng cứ cũ khi Cáo trạng (cũ) dùng làm căn cứ truy tố Nguyễn Xuân Sơn về hai tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Cố ý làm trái…”. Vì không thể chứng minh về mặt pháp lý nên bản án đã phải đưa ra nhận định sai lệch và dùng phương pháp “suy đoán” rất bất lợi cho Nguyễn Xuân Sơn. Điều này khiến chúng tôi phải đặt ra vấn đề, phải chăng do tính chất của vụ án, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã không thể bảo đảm nguyên tắc của tố tụng hình sự là “Thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”? Đây là một nguyên tắc truyền thống, cốt tử của bất cứ một nền tư pháp văn minh nào mà nếu vi phạm nó thì sự thật khách quan sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa đối với việc bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền cơ bản của con người theo Hiến pháp và pháp luật, một mục tiêu cao đẹp mà chính các nghị quyết của Bộ chính trị về cải cách tư pháp đã đề ra.
4. Vụ án OceanBank được đưa ra xét xử đầu tiên vào ngày 27/02 đến 08/3/2017, trong đó Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố 02 tội danh: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế…” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Quá trình xét xử sơ thẩm lần 1, TAND TP. Hà Nội ra Quyết định số 14/20117/HSST-QĐ ngày 08/3/2017 trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, trong đó yêu cầu xem xét hành vi của Nguyễn Xuân Sơn theo định hướng xử lý về các tội tham nhũng. Vì thế, vụ án OceanBank trở thành “Đại án tham nhũng” với tên tuổi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí (PVN) bị đưa ra xét xử với tội danh “Tham ô tài sản” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Tham nhũng là một quốc nạn đang đe dọa sự tồn vong của chế độ. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và cố gắng làm hết sức trong nghề nghiệp của mình để góp phần vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đang được toàn dân tham gia hưởng ứng. Song, để cuộc đấu tranh này có hiệu quả, tất yếu phải làm nghiêm từ khâu phát hiện hành vi tham nhũng đến việc xác minh, điều tra và xử lý. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng mặc dù mang ý nghĩa chính trị quan trọng trong việc củng cố lòng tin của nhân dân trước “quốc nạn” tham nhũng hiện nay, nhưng việc xử lý các đối tượng tham nhũng vẫn và phải là một cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý, phải bảo đảm chắc chắn, có căn cứ về mặt pháp luật, không thể mang tính chất chủ quan, duy ý chí. Đối với các tội phạm tham nhũng bị xử lý bằng biện pháp hình sự cần phải được xét xử nghiêm minh trên cơ sở pháp luật hình sự và chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước, phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc truy tố, xét xử một người nào đó về hành vi tham nhũng, cần phải dựa trên các quy định của Bộ luật Hình sự về cấu thành tội phạm của tội phạm bị truy tố, xét xử, chứ không thể và không phải từ căn cứ phi pháp luật hoặc vì một mục đích nào khác. Khi xét xử một người phạm tội tham nhũng được bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, sẽ có tác dụng khiến người bị xử lý phải tâm phục, khẩu phục và cao hơn còn có tác dụng phòng ngừa, giáo dục chung trong cộng đồng. Có như vậy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng mới có hiệu quả, nếu không, kết quả có khi lại dẫn đến hiệu ứng ngược trong dư luận xã hội, làm mất đi tính chính danh của công cuộc chống tham nhũng, gây tâm lý bất an hoặc dẫn đến sự hiểu lầm trong dân chúng.
Bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn, chúng tôi tự xác định cho mình nhiệm vụ phải bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và thông qua đó, chúng tôi còn có trách nhiệm và mục đích cao cả là bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật Nhà nước, nói lên tiếng nói trung thực của mình qua các luận lý, luận cứ được xây dựng trên cơ sở khoa học luật hình sự. Làm được như thế là chúng tôi tự thấy đã góp phần nhỏ bé trong hoạt động nghề nghiệp của mình vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay. Tự lòng mình, chúng tôi không thấy có điều gì phải băn khoăn, cấn cá về động cơ trong sáng này.
Từ những nhận xét trên, tôi kính đề nghị Quý Viện kiểm sát phúc thẩm, Quý Tòa phúc thẩm quan tâm xem xét thấu đáo những điểm trình bày trên đây, để vụ án này được xét xử phúc thẩm bảo đảm công bằng, khách quan, đúng pháp luật, tránh oan sai cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, đặc biệt là oan sai về tội phạm tham ô có mức án cao nhất là tử hình theo bản án hình sự sơ thẩm số 330 ngày 29/9/2018 của TAND TP. Hà Nội. Và để làm được điều đó, rất mong Hội đồng xét xử tuyên Nguyễn Xuân Sơn không phạm tội “Tham ô tài sản”.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm