Kỹ năng cơ bản trong khởi kiện vụ án ly hôn

05/09/2021 16:54 | 2 năm trước

(LSVN) - Tranh chấp ly hôn làm thay đổi, phát sinh các quyền và nghĩa vụ liên quan tới cả quyền nhân thân và quyền tài sản của đương sự. Khi giải quyết tranh chấp ly hôn, đồng thời phải giải quyết ba mối quan hệ có thể phát sinh từ quan hệ hôn nhân bao gồm quan hệ nhân thân, quan hệ nuôi con chung và quan hệ tài sản. Việc các bên có thể thỏa thuận giải quyết một trong ba quan hệ trên không làm mất đi tranh chấp trong các quan hệ còn lại và tiền đề để xem xét giải quyết các quan hệ còn lại một cách đúng đắn vẫn phải dựa trên bản chất là tranh chấp ly hôn.

Ảnh minh họa.

Trong vụ án ly hôn, Luật sư có thể nhận yêu cầu bảo vệ quyền lợi từ nguyên đơn,  bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, bài viết này chỉ đề cập tới các kỹ năng trong việc tiếp nhận yêu cầu tư vấn bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn trong vụ án ly hôn.

Trong vụ án ly hôn, quan hệ tranh chấp phát sinh có thể bao gồm cả quan hệ hôn nhân, quyền nuôi con và quyền sở hữu, sử dụng tài sản, vì vậy các tài liệu cung cấp cần chứng minh được những yêu cầu này của người khởi kiện là có căn cứ, cụ thể như sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, các giấy tờ liên quan tới chứng minh tài sản, giấy khai sinh cho con. Trong trường hợp người nộp đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình thì phải có giấy tờ chứng minh quan hệ cha/mẹ - con, quan hệ thân thích[1].

Các tài liệu, chứng cứ được gửi kèm theo đơn khởi kiện phải được thống kê và sắp xếp phù hợp theo trình tự. Những tài liệu này phải chứng minh cho tư cách người khởi kiện và quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp.

Các loại tài liệu nêu trên nếu không có công chứng thì yêu cầu đương sự phải chuẩn bị bản chính để tòa án so sánh, đối chiếu nhằm xác định tính xác thực của các loại giấy tờ đó. Các chứng cứ, tài liệu người khởi kiện xuất trình kèm theo đơn khởi kiện có thể chưa đầy đủ nhưng cần phải có tài liệu, chứng cứ ban đầu để chứng minh việc khởi kiện là có căn cứ. Trong trường hợp tranh chấp ly hôn, tài liệu tối thiểu phải có bản sao giấy đăng ký kết hôn và nếu có tranh chấp về nuôi con thì yêu cầu cả bản sao giấy khai sinh của con.

Đơn khởi kiện phải bảo đảm các yếu tố về hình thức cũng như nội dung.

Về hình thức, cần bảo đảm đơn khởi kiện được làm theo đúng mẫu, có chữ ký của người khởi kiện. Yếu tố chữ ký, dấu của người khởi kiện là điều kiện đặc biệt quan trọng. Tuy rằng người nộp đơn khởi kiện không nhất định phải là người khởi kiện nhưng chữ ký, dấu hay điểm chỉ trong đơn khởi kiện phải là của người khởi kiện.

Về nội dung, cần xác định việc đơn khởi kiện đã ghi đầy đủ các thông tin bao gồm nơi cư trú của người khởi kiện, người bị kiện. Cần xác định đúng loại tranh chấp để tạo điều kiện cho việc kiểm tra các điều kiện thụ lý cụ thể. 

Với việc xác định quan hệ tranh chấp từ thời điểm nhận đơn khởi kiện, các yêu cầu liên quan tới điều kiện thụ lý sẽ được đặt ra cho từng loại tranh chấp. Các điều kiện này ảnh hưởng tới khả năng thụ lý cả về mặt thủ tục và nội dung bao gồm điều kiện về chủ thể khởi kiện, điều kiện về nộp tạm ứng án phí, điều kiện về thẩm quyền của tòa án, điều kiện về thủ tục giải quyết tiền tố tụng, điều kiện khác do pháp luật nội dung hay pháp luật tố tụng quy định.

Để thỏa mãn điều kiện thụ lý của tòa án, trước tiên cần kiểm tra điều kiện về người khởi kiện. Người khởi kiện cần đáp ứng yêu cầu về chủ thể khởi kiện, là người mà giả thiết có quyền hoặc lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hoặc là người đại diện cho người mà giả thiết có quyền hoặc lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Người khởi kiện phải có giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ chứng minh tư cách đại diện để chứng minh tư cách khởi kiện. Bên cạnh đó, cần xác định người khởi kiện có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.

Trong trường hợp tranh chấp ly hôn, đơn khởi kiện đến từ các cá nhân thường là từ một bên vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, ngay cả khi không có đăng ký kết hôn, tức là không có quan hệ pháp luật hợp pháp, tòa án vẫn chấp nhận thụ lý yêu cầu ly hôn theo Điều 53, khoản 2: Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Hôn nhân và gia đình; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Trong trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình thì người khởi kiện có thể là cha, mẹ, người thân thích khác. Ngoài ra, các vụ án hôn nhân gia đình còn có thể được khởi kiện bởi cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam theo Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Điều kiện về thẩm quyền của tòa án được xác định dựa trên nguyên tắc theo cấp và theo lãnh thổ.

Trong vụ án ly hôn, tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn theo Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự. Trong trường hợp vợ hoặc chồng là người nước ngoài nhưng cư trú ở Việt Nam thì vẫn thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 123 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam”.

Trong trường hợp đương sự ở nước ngoài thì thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đối với tranh chấp chia tài sản khi ly hôn là bất động sản thì không áp dụng xác định thẩm quyền tòa án theo nguyên tắc nơi có bất động sản như tranh chấp bất động sản mà vẫn áp dụng nguyên tắc tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nơi cư trú của bị đơn vì tranh chấp chính cần giải quyết để có thể giải quyết tranh chấp bất động sản là tranh chấp ly hôn. Nguyên đơn cần cung cấp chính xác địa chỉ của bị đơn để tòa án có thể thụ lý. Trong trường hợp không tống đạt được thông báo thụ lý, tòa án phải yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới hoặc tự mình xác định địa chỉ mới. Tuy nhiên, nếu không thể xác định được địa chỉ của bị đơn thì trong tranh chấp ly hôn, nguyên đơn đề nghị tòa án áp dụng Công văn 253/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao và xét xử vắng mặt bị đơn. Ngoài ra, nguyên đơn cũng có thể thỏa thuận chọn tòa án theo Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Điều kiện về sự việc chưa được giải quyết bằng bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật không phải là điều kiện của tranh chấp ly hôn. Tòa án có thể đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn trước đó nhưng đây không phải căn cứ để từ chối thụ lý vụ án vì có khả năng tình trạng hôn nhân đã thay đổi, các yếu tố khiến yêu cầu bị đình chỉ không còn tồn tại. Tuy nhiên, theo điểm c mục 10 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đối với trường hợp người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị tòa án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật thì người đó mới lại được yêu cầu tòa án giải quyết việc xin ly hôn.

Các điều kiện khác do pháp luật nội dung hoặc pháp luật hình thức quy định là các điều kiện áp dụng phụ thuộc vào loại tranh chấp cụ thể. Khi xem xét thụ lý tranh chấp ly hôn cũng cần đặc biệt chú ý tới quy định hạn chế quyền ly hôn theo khoản 3 Điều 51 và khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí, nếu không thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện khi hết hạn. Với các trường hợp được miễn toàn bộ hoặc một phần tạm ứng án phí thì người khởi kiện phải có đơn xin miễn tiền tạm ứng án phí có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người khởi kiện làm việc đối với các trường hợp được miễn giảm vì điều kiện kinh tế khó khăn.

Theo Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự, trong trường hợp không nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí trong thời hạn quy định, trừ khi được miễn hoặc có lý do khách quan, tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.

Vụ án ly hôn là vụ án dân sự bao gồm nhiều quan hệ tranh chấp có liên quan tới cả quyền nhân thân và quyền tài sản, đòi hỏi một số yêu cầu đặc thù trong quá trình tư vấn, bảo vệ đương sự. Khi thực hiện bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong vụ án, cần xác định chính xác quan hệ tranh chấp để từ đó có thể xây dựng được quan điểm bảo vệ có sức thuyết phục hội đồng xét xử.                   

[1] Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Luật sư LÊ HỒNG LAM 
Công ty Luật TNHH Lạc Việt

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ ngành GTVT

Từ khoá : lsvn.vn LSVN