/ Trao đổi - Ý kiến
/ Kỹ năng của Luật sư khi tiếp xúc với trẻ em là bị hại trong vụ án hình sự

Kỹ năng của Luật sư khi tiếp xúc với trẻ em là bị hại trong vụ án hình sự

09/02/2023 08:28 |

(LSVN) - Qua quá trình tham gia các vụ án bảo vệ bị hại là trẻ em, một số gia đình bị hại sẽ kêu cứu ở nhiều cơ quan, thực hiện việc khiếu nại nhiều nơi, không có định hướng rõ ràng. Việc này sẽ gây khó khăn trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án. Vì vậy, khi làm việc với gia đình bị hại, Luật sư cần có những định hướng giải quyết công việc cụ thể, giải thích cho gia đình bị hại biết trình tự tố tụng, nên thực hiện theo các bước nào để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình. Hướng dẫn cho gia đình bị hại nên làm gì khi làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng. Khi tham gia bảo vệ trong các vụ án trẻ em bị xâm hại, Luật sư cần đặt mục tiêu vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Ảnh minh họa.

Bảo vệ trẻ em luôn là mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta. Điều đó thể hiện xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của đất nước qua các thời kỳ. Hiến pháp năm 1992 tại Điều 40 quy định: “Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em; thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình”. Tiếp đó, Hiến pháp năm 2013 tại Điều 37 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Trong những năm gần đây, việc thực hiện bảo vệ quyền trẻ em ngày càng tốt hơn, tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên số lượng một số vụ án bạo hành trẻ em có dấu hiệu gia tăng. Thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, chỉ trong ba tháng đầu năm, cả nước đã có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so quý I/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt cóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi...; Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so cùng kỳ năm 2021).

Vai trò của Luật sư trong việc bảo vệ trẻ em là bị hại trong các vụ án xâm hại trẻ em được quy định tại Điều 421, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: Việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự.

Quy định trên đã khẳng định mọi vụ án hình sự có người bị hại phải có sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp do cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định hoặc gia đình bị hại có đơn mời Luật sư. Khi có Luật sư tham gia vào vụ án sẽ bảo đảm tính khách quan trong quá trình tố tụng, giúp bị hại, đương sự về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Qua quá trình tham gia các vụ án bảo vệ bị hại là trẻ em, một số gia đình bị hại sẽ kêu cứu ở nhiều cơ quan, thực hiện việc khiếu nại nhiều nơi, không có định hướng rõ ràng. Việc này sẽ gây khó khăn trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án. Vì vậy, khi làm việc với gia đình bị hại, Luật sư cần có những định hướng giải quyết công việc cụ thể, giải thích cho gia đình bị hại biết trình tự tố tụng, nên thực hiện theo các bước nào để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình. Hướng dẫn cho gia đình bị hại nên làm gì khi làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng. Khi tham gia bảo vệ trong các vụ án trẻ em bị xâm hại, Luật sư cần đặt mục tiêu vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Đặc điểm tâm lý tư pháp của bị hại là trẻ em

Trẻ em là đối tượng dễ bị bạo lực xâm hại, là đối tượng yếu thế do sức khỏe, khả năng tự bảo vệ bản thân còn hạn chế. Khi bị tội phạm xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị tổn thương cao hơn. Trẻ em bị xâm hại là nạn nhân của các hành vi bạo lực, lạm dụng tình dục hoặc đe dọa tâm lý rất dễ bị tổn thương về thể xác và tinh thần, trí tuệ. Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt(1), trong đó bao gồm cả trẻ em bị xâm hại rất cần được sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội.

Đặc điểm của trẻ em bị xâm hại nói chung

- Bị tổn thương, đau đớn về thể xác: hành vi xâm hại làm cho cơ thể hoặc một bộ phận của cơ thể hoạt động không bình thường, sự tổn hại đó được thể hiện ra bên ngoài như vết bầm tím, vết xây xước, vết hằn, sẹo… mắt thường có thể nhận biết được.

- Bị tổn thương về tinh thần, thể hiện ra bên ngoài bằng những hành vi: hoảng sợ, lo lắng căng thẳng, trầm uất, luôn bị ám ảnh về các hành vi đã gây ra tổn thương cho các em; lo lắng, sợ hãi khi nhớ lại sự việc hoặc gặp lại, nhìn thấy người lạ có hình dáng, đặc điểm, thái độ, động tác như kẻ đã gây ra sự việc đối với các em; sợ tiếp xúc với cha mẹ, người lạ, thường xuyên có những ác mộng khi ngủ…

Đặc điểm tâm lý của người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục

Trong nhóm tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm con người, các tội danh liên quan đến xâm phạm tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm, sinh lý của người bị hại. Khi tham gia vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, tiếp xúc với bị hại, chúng ta cần lưu ý một số đặc điểm tâm lý của bị hại là trẻ em bị xâm hại tình dục, cụ thể như:

- Trẻ bị xâm hại tình dục thường có cảm giác xấu hổ và tội lỗi, trẻ tự đổ lỗi cho bản thân mình về những gì đã xảy ra với trẻ và có cảm giác xấu hổ vì mình là nạn nhân. Từ tâm lý xấu hổ, mặc cảm tội lỗi này sẽ ngăn cản việc trẻ khai báo, trình bày lại sự việc với Luật sư cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật.

- Trẻ tự ti và nhút nhát không tin tưởng vào bản thân, người khác và môi trường xung quanh. Trẻ mất khả năng chia sẻ cảm xúc và vật chất của mình với người khác, do đó, sẽ thiếu sự hợp tác trong quá trình làm việc với Luật sư cũng như cơ quan bảo vệ pháp luật. Với đặc điểm tâm lý này, trẻ thường có độ lỳ cao, không nói và không trả lời, không nghe. Trạng thái này không thuộc dạng chống đối bất hợp tác mà do quá tự ty dẫn đến không thể hợp tác được.

- Trẻ thể hiện nhiều hành vi tự hủy hoại bản thân khác nhau như tự gây ra tai nạn cho mình, cố tình để bị đau ốm, đến việc có hành vi cố gắng tự sát… Đây là cách để trẻ thoát khỏi cảm nhận không tốt về bản thân. Dạng tâm lý này còn được gọi là tâm lý của dạng tự kỷ, trầm cảm, nên thường có những hành vi hành hạ bản thân mới thấy mình đỡ xấu hổ, tủi nhục.

- Trẻ coi các đối tượng xung quanh gắn liền với mối đe dọa, sự sợ hãi, với nguy cơ sẽ bị đối xử tồi tệ dưới hình thức này hay hình thức khác. Một trong những biểu hiện lớn nhất của rối loạn tinh thần ở trẻ bị xâm hại tình dục là sự khó khăn trong giao tiếp với mọi người xung quanh, kể cả người lớn và bạn bè cùng trang lứa.

- Trẻ có thể có biểu hiện rối loạn hành vi. Mức độ bị xâm hại tình dục có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các em và những biểu hiện rối loạn hành vi của mỗi em cũng khác nhau.

Đối với các đối tượng trẻ em này, cần có sự phối hợp của chuyên gia tâm lý để động viên và định hướng cho các em về cách ứng xử đúng trong các tình huống mà các em đang gặp phải. Từ đó Luật sư sẽ phối hợp tư vấn pháp luật liên quan về quyền và nghĩa vụ trẻ em, những điều cần lưu ý khi tham gia tố tụng vụ án hình sự.

Kỹ năng tiếp xúc với trẻ em và gia đình bị hại trong vụ án hình sự

Qua thực tiễn tham gia các vụ án có nạn nhân là trẻ em, có thể thấy rõ tâm lý người nhà và nạn nhân thường e ngại, xấu hổ, mặc cảm, thiếu hiểu biết về mặt pháp luật, một số gia đình nạn nhân có thỏa thuận dân sự với các đối tượng phạm tội không thành mới tố cáo, hoặc tâm lý của trẻ em bị sang chấn, chưa ổn định ảnh hưởng đến việc khai báo nên việc thu thập chứng cứ rất khó khăn. Vì vậy, việc chuẩn bị kỹ năng tiếp xúc với trẻ em và người nhà bị hại trong vụ án hình sự có bị hại là trẻ em là hết sức cần thiết.

Thứ nhất, tránh tình trạng tái tổn thương đối với trẻ em và gia đình bị hại

Thực tế có thấy, hậu quả lớn nhất khi trẻ bị xâm hại bao gồm cả xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột,… là trẻ sẽ bị tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập với xã hội và đặc biệt là tổn thương về sức khỏe thể chất. Các em thường rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy bế tắc. Nhiều trường hợp, các em không dám kể với người khác, tố cáo đối tượng phạm tội một phần do xấu hổ, một phần khác do bị đe dọa dẫn tới gánh nặng tâm lý ngày càng nghiêm trọng.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, tiếp xúc với nạn nhân là trẻ em và gia đình bị hại rất dễ dẫn đến tình trạng tái tổn thương đối với trẻ em. Vì vậy, Luật sư cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để tiếp cận với nạn nhân là trẻ em, gia đình bị hại một cách khéo léo, tránh việc tái tổn thương xảy ra ở nạn nhân nhưng vẫn có thể thu thập được các thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình làm việc. Khi tiếp xúc với nạn nhân là trẻ em, điều quan trọng là tránh ngôn ngữ phức tạp không cần thiết hoặc câu hỏi dài dòng. Tránh sử dụng các câu hỏi định hướng và đặt câu hỏi quá nhanh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những câu hỏi đóng và câu hỏi định hướng có nhiều khả năng gợi ra những câu trả lời không chính xác và chứng cứ không đáng tin cậy, đặc biệt là từ trẻ em và nhân chứng bị suy giảm nhận thức. Việc đặt các câu hỏi đóng hoặc câu hỏi định hướng và hoặc hỏi theo nhịp độ quá nhanh có thể khiến nhân chứng dễ tổn thương hoặc cảm thấy lo lắng hơn.

Khi hỏi trẻ em cần hỏi những câu rõ ý để trẻ em trả lời đúng, sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu mà ở nhà ông bà, bố mẹ hay dùng để trao đổi với trẻ. Chú ý những trẻ có những biểu hiện như: nép và bám chặt vào cha mẹ, không dám nhìn người lạ, òa khóc khi gặp người lạ… để có phương pháp tiếp cận trẻ phù hợp khi lấy lời khai của các em ngay từ những lần đầu tiên, tạo cho các em có cảm giác yên tâm, thân thiện mà tự bộc bạch, khai báo, giãi bày suy nghĩ, giúp Luật sư có thể thu thập được các chứng cứ cần thiết.

Ví dụ đặt câu hỏi như sau: Cháu bình tĩnh rồi kể lại sự việc để Luật sư nghe và giúp cháu. Tâm trạng của cháu bây giờ đã tốt hơn chưa, cháu có thể nói chuyện được thời gian nào?

Khi lấy lời khai của bị hại nên có sự tham gia của bố mẹ cháu bé hoặc cô giáo hoặc người thân mà trẻ cảm thấy tin tưởng. Thời gian lấy lời khai mỗi lần không quá 02 giờ, phòng lấy lời khai cần thân thiện.

Thứ hai, trang bị kỹ năng chọn lọc, tiếp cận thông tin do trẻ em là đối tượng có thể thay đổi lời khai liên tục

Khi tiếp xúc với các vụ án có bị hại là trẻ em, quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn vụ án phát hiện chậm, bị hại còn nhỏ dẫn đến thông tin khai báo thường bị thay đổi theo cảm xúc, các em chưa biết cách sắp xếp các dữ liệu và tường thuật lại vụ việc một cách thống nhất. Bên cạnh đó, do phải nhắc lại việc đã trải qua khiến các em xuất hiện tình trạng xúc động, hoảng loạn cả về cảm xúc và hành vi. Do đó, trong thực tế trẻ không thể tự mình cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về vụ việc. Tâm lý lo sợ còn khiến bị hại rơi vào trạng thái bất hợp tác, từ chối khai báo.

Lý do từ chối khai báo có thể do bị hại có quan hệ đặc biệt với kẻ phạm tội, do đó, có tâm lý không muốn người thân bị trừng phạt, có thể do bị hại có tâm trạng xấu hổ (trong những vụ án bị hại bị kẻ phạm tội xâm hại tình dục nên không muốn những người khác biết), hoặc bị hại lo sợ sự khai báo sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc hoặc làm lộ những điều bí mật về đời tư hoặc tội lỗi khác của họ.

Vì vậy, khi tiếp xúc với bị hại phải tế nhị, không hỏi về các tình tiết diễn biến cụ thể, khi tiếp xúc phải xác định chính xác nguyên nhân tâm lý cản trở sự khai báo của họ để lựa chọn cách thức bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ.

Thứ ba, kỹ năng trợ giúp trẻ em và gia đình bị hại khi làm việc với cơ quan tố tụng

Trẻ em và gia đình bị hại cần được thông báo rõ về các quyền lợi của mình tại mọi thời điểm mà họ tiếp xúc với cơ quan tư pháp. Trong thực tế, người nhà bị hại và đặc biệt là trẻ em thường không có kỹ năng làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến việc loay hoay, không biết thực hiện các bước ra sao để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, trong vụ án hình sự liên quan đến trẻ em, Luật sư đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tham gia lấy lời khai, cùng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện giám định pháp y, xem xét việc thu thập chứng cứ đã đầy đủ, khách quan chưa...

Tóm lại, Luật sư là những người hiểu biết pháp luật nói chung và pháp luật bảo vệ quyền trẻ em nói riêng, khi tham gia vụ án hình sự với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là trẻ em sẽ có những tư vấn, định hướng cụ thể trong quá trình giải quyết vụ việc nhằm bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em và gia đình bị hại.

(1) Theo quy định tại khoản 10, Điều 4, Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

Thạc sĩ, Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Thời gian làm việc và nghỉ ngơi của giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô: Quy định pháp luật và thực tiễn

Nguyễn Hoàng Lâm