/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Đập tan tuyến phòng thủ của địch tại Phan Rang

Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Đập tan tuyến phòng thủ của địch tại Phan Rang

10/04/2025 10:09 |15 ngày trước

(LSVN) - Với khí thế “một ngày bằng 20 năm” bằng quyết tâm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đúng 05 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải lệnh nổ súng đánh tiêu diệt tuyến phòng thủ “lá chắn thép” của địch tại Phan Rang. Chiến thắng Phan Rang tạo thế thuận lợi cho quân ta giải phóng Bình Tuy, Bình Thuận, cánh quân Duyên Hải thần tốc vào giải phóng Sài Gòn.

Sau khi quân và dân ta giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng làm đảo lộn hoàn toàn thế chiến lược của địch, cục diện trên chiến trường có lợi cho ta. Nguy cơ thất thủ của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã hiện hữu rất rõ. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cùng với quan thầy Mỹ tập trung sức lực còn lại nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của ta, giữ cho được phần đất còn lại đến mùa mưa, cùng với nỗ lực ngoại giao để đi đến “cuộc đàm phán công bằng”. Nên kẻ địch quyết định thành lập tuyến phòng thủ “lá chắn thép” Phan Rang để bảo vệ Sài Gòn từ xa.

Quân giải phóng đánh chiếm Tòa thị chính Ninh Thuận. (Ảnh tư liệu).

Quân giải phóng đánh chiếm Tòa thị chính Ninh Thuận. (Ảnh tư liệu).

Địch chọn Phan Rang lập tuyến phòng thủ. Bởi thị xã Phan Rang thủ phủ của tỉnh Ninh Thuận thuận tiện giao thông, có đường quốc lộ, phía Tây có đèo Ngoạn Mục trên đường 27 nối Đơn Dương và Đà Lạt - Lâm Đồng qua đèo 20, đường sắt xuyên Việt chạy qua. Sân bay quân sự Thành Sơn (căn cứ của sư đoàn 6 Không quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa), cảng dân sự Tân Thành, Quân cảng Ninh Chữ. Ở đây có địa hình hẹp giáp núi đá và biển. Phan Rang là ngã ba án ngữ đường quốc lộ 1 và đường 11. Lực lượng phòng thủ của quân ngụy - Sài Gòn còn mạnh gồm Sư đoàn 2, Liên đoàn biệt động quân 31, Lữ đoàn Dù 2, Sư đoàn không quân 6, Chi đoàn Thiết giáp, 2 trận địa pháo binh 105mm, 155mm.

Ngày 03/4/1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã trình bày trước Phó Đại sứ Mỹ Lehman và Tướng Frederick C.Weyand bản Kế hoạch “Nỗ lực tối đa” nhằm giữ cho được phần đất còn lại. Nguyễn Văn Thiệu cho rằng lấy Xuân Lộc làm trung tâm phòng ngự, hai bên sườn phải giữ cho được Tây Ninh và Phan Rang.

Chính quyền Sài Gòn đã tập trung một lực lượng mạnh, tăng cường pháo binh, xe tăng và các phương tiện chiến tranh hiện đại cho tuyến phòng thủ Phan Rang. Phan Rang được gọi là “Lá chắn thép”, kẻ địch tuyên bố tử thủ Phan Rang, với hy vọng chặn đứng Cánh quân Duyên Hải, tiêu hao, ghìm giữ một lực lượng lớn Quân giải phóng, giữ vững thế phòng ngự chiến lược. Do đó, Phan Rang được coi là nơi cố thủ quyết chiến của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH)

Để thực hiện kế hoạch, ngày 02/4/1975, Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3, QLVNCH bay ra thị sát Phan Rang. Ngày 06/4/1975, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 và Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân phúc trình Bộ Tham mưu QLVNCH kế hoạch bố trí phòng thủ Phan Rang. Trung đoàn 5, Sư đoàn 2 mới tái lập và Liên đoàn 31 Biệt động quân bố trí dọc 2 bên đường Quốc lộ 1, ở Bắc Phan Rang 20km. Tiểu đoàn pháo binh của Liên đoàn Biệt động quân 31 gồm 4 khẩu 155mm, 8 khẩu 105mm, bố trí phía sau cánh quân này.

Trung đoàn 4 (Sư đoàn 2) giữ đường 20, phía Nam đèo Ngoạn Mục. Lữ đoàn Dù 2 (mới điều từ Sài Gòn ra) giữ sân bay Thành Sơn. Tiểu đoàn pháo binh của Lữ đoàn Dù 2 bố trí trong thị xã. Bốn Tiểu đoàn Bảo an của Chi khu Ninh Thuận giữ các chốt Suối Đá, Ba Râu, Hội Diên, Cà Đú. Lực lượng còn lại của Sư đoàn 6 không quân gồm 150 máy bay các loại đóng tại sân bay Thành Sơn.

Về phía quân giải phóng, với khí thế “một ngày bằng 20 năm” bằng quyết tâm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đúng 05 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải lệnh nổ súng đánh tiêu diệt tuyến phòng thủ Phan Rang. Mở màn chiến dịch các trận địa pháo binh ta trút bão lửa xuống các mục tiêu của địch. Địch hoang mang không tưởng tượng nổi pháo binh ta lại mạnh đến thế. Sư đoàn 3 Sao Vàng của Quân khu 5 thông thuộc địa bàn nay được bổ sung về cánh quân Duyên Hải, sau khi pháo binh ta gầm thét các chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng đánh vào Du Long, hướng Nam ta dùng một đơn vị luồn sâu bất ngờ đánh chiếm ấp Bà Râu, quân cảng Ninh Chữ. Hướng Tây Bắc, quân ta đánh bật các đợt phản kích của quân địch ở đèo Ngoạn Mục, đẩy quân địch rút về thị xã. Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang của địch điều 8 máy bay A-37 ném bom đánh sập cầu Kiền Kiền dùng trực thăng đổ quân xuống Kiền Kiền - Ba Tháp để ngăn chặn tấn công của quân ta.

Ngày 15/4, quân ta phá vỡ tuyến phòng thủ phía Bắc Phan Rang, áp sát tấn công sân bay Thành Sơn. Tướng Phạm Ngọc Sang cho không quân đánh sập tất cả các cầu phía Bắc Du Long. Nhưng quân địch không thể ngẳn cản được xe tăng của Lữ đoàn 203 Quân đoàn 2.

Trưa ngày 15/4, Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 và Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn chính quyền Sài Gòn ra thị sát Phan Rang trong một chuyến đi chớp nhoáng. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi xin tăng viện 1 Tiểu đoàn lính Dù, được Bộ chỉ huy QLVNCH trả lời không có, vì đang phải tăng quân cho Xuân Lộc. Tối hôm đó, các tướng tá của địch chỉ huy phòng tuyến Phan Rang gồm có Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Ngọc Sang, Trần Văn Nhật, các Đại tá Lê Quang Lưỡng (chỉ huy quân Dù), Nguyễn Văn Biết (chỉ huy Biệt động quân) bàn kế hoạch phản công vào sáng hôm sau để khôi phục lại tình hình Du Long. Vì Du Long có một vị trí hết sức quan trọng, để bảo vệ phòng tuyến Phan Rang.

05 giờ sáng ngày 16/4, quân địch chưa kịp lệnh phản công thì quân giải phóng đã đánh vào trung tâm thị xã Phan Rang. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi nhận được tin khẩn cấp từ Liên đoàn 31 Biệt động Quân báo về: “Xe tăng quân giải phóng tràn qua Du Long vào Phan Rang”. Tướng Sang lệnh cho tất cả máy bay còn lại xuất kích chặn xe tăng đối phương. Nhưng ngay sau đó, sân bay bị pháo binh ta đánh cấp tập các đường băng hư hỏng. Những máy bay xuất kích đều phải hạ cánh xuống sân bay Biên Hòa.

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Thành Sơn. (Ảnh tư liệu).

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Thành Sơn. (Ảnh tư liệu).

09 giờ 30 phút, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, bắt sống Đại tá tỉnh trưởng Bình Thuận, Nguyễn Văn Tư. Lúc 10 giờ, quân ta làm chủ sân bay Thành Sơn bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang chỉ huy Sư đoàn 6 không quân QLVNCH. Người dân thị xã Phan Rang nổi dậy cùng quân giải phóng đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành chính quyền, tỉnh Ninh Thuân hoàn toàn giải phóng. Đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang đây là trận đánh binh chủng hợp thành đầu tiên của quân đội ta, tạo nên sức mạnh toàn diện làm cho quân thù khiếp sợ.

22 giờ ngày 16/4/1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi toàn bộ cán bộ, chiến sĩ chiến đấu đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang của địch.

Cùng ngày Tổng thống Mỹ Gerald Ford ra lệnh cho Martin Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn bắt buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức.

Giải phóng Phan Rang ta loại khỏi vòng chiến đấu 2.675 tên địch, bắt sống 1.675 tên. Đặc biệt, bắt sống 1 Đại tá Mỹ. Quân ta phá hủy nhiều vũ khí, trang bị của địch, thu 40 máy bay các loại, 37 khẩu pháo. Phan Rang thất thủ làm suy yếu Xuân Lộc. Tiếp theo sau Xuân Lộc thất thủ, quân ta đập tan tuyến phòng thủ từ xa của quân địch, tạo thế cho Quân giải phóng tiến dọc theo đường 1 vào giải phóng Sài Gòn.

Thắng lợi tại mặt trận Phan Rang và Xuân Lộc làm cho địch hoang mạng tột độ, tinh thần binh lính rệu rã, nội bộ chính quyền Sài Gòn lục đục, 19 giờ tối ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức sau 10 năm ngồi ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Thắng lợi làm cho khí thế quân và dân ta hừng hực, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất nước lên cao chưa từng có.

Đoàn Đại biểu Việt Nam dân chủ Cộng hòa và Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban liên hợp 4 bên đóng tại Tân Sơn Nhất tại buổi họp thường kỳ sáng ngày 19/4, ông Võ Đông Giang đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời yêu cầu ông Nguyễn Văn Thiệu và Đại sứ Mỹ Martin phải ra đi.

Chiến thắng phòng tuyến Phan Rang, Xuân Lộc tạo thế cho quân ta thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh nhanh hơn, thu thắng lợi lớn hơn.

HẢI HƯNG

Các tin khác