Mọi người trong tổ giáo viên Kỹ thuật Công binh Quân đoàn 2 xem anh Nguyễn Chu, Tổ trưởng như một người cha, người chú, người anh. Bởi, tuổi đời của anh cao như tuổi bố mẹ của nhiều người trong tổ. Khi mọi người ở trong tổ còn bé xíu, lon ton cắp sách tới trường thì anh đã là một sĩ quan quân đội.
Anh xem ai cũng như người ruột thịt trong một gia đình. Ai có khuyết điểm anh không bao giờ nặng lời mà chân tình khuyên bảo. Hàng ngày, các công việc trong nhà anh đều tự giác làm để mọi người có thời gian chuẩn bị, ôn luyện bài giảng. Mỗi lần dự giờ, góp ý cho từng giáo viên anh đều chỉ bảo tỉ mỉ, cụ thể. Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, tổ giáo viên Kỹ thuật Công binh chia nhau về các đơn vị chiến đấu, tất cả đều ra mặt trận. Hôm chia tay, anh xúc động nói với mọi người: “Cả tổ chúng mình thi đua lập công nhé”.

Dưới cột cờ Phu Văn Lâu sau ngày Huế được giải phóng, anh kể cho mọi người nghe về quê hương, về người mẹ thân yêu gần 30 năm chưa một lần gặp.
Ngày 26/3/1975, Quân đoàn 2 cùng quân và dân địa phương giải phóng tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị. Tối hôm đó, anh Chu cùng đồng đội quây quần bên cột cờ Phu Văn Lâu. Quê hương được giải phóng anh mừng lắm, nhưng trên khuôn mặt vẫn hiện lên uẩn khúc gì đó. Bỗng anh cầm tay những người cùng tổ đi với anh nói bằng một giọng vô cùng xúc động:
“Đã ba mươi năm trời tôi chỉ mong chờ có ngày hôm nay, quê hương được giải phóng về gặp lại người mẹ rất đỗi thương con. Tôi nghịch ngộ lắm, thế mà chưa một lần bị mẹ đánh. Những năm tháng sống ở miền Bắc rồi đi chiến đấu ở chiến trường không bao giờ tôi quên mẹ”.
Mọi người nghe anh nói ai cũng rơm rớm nước mắt. Quê anh ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, ngày ra đi tập kết là một chàng trai trẻ, mà hôm nay đầu đã lốm đốm bạc. Ngày quê hương được giải phóng cũng là ngày mẹ anh tròn 90 tuổi. Qua những lần còn nhận được bưu thiếp, anh biết đêm nào mẹ cũng đứng ngoài trời hàng tiếng đồng hồ trông về hướng Bắc, mong cho cậu con trai út chân cứng đá mềm. Bà mong một ngày được gặp lại anh, trước khi về với ông bà tổ tiên nơi chín suối.
Giải phóng Huế, Quân đoàn hành quân vào giải phóng Đà Nẵng. Đà Nẵng giải phóng Quân đoàn hành quân thần tốc đánh địch các tỉnh duyên hải miền Trung, rồi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thế là anh Chu chưa có thời gian về gặp lại mẹ.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Anh Chu vinh dự nhận nhiệm vụ đi đầu trong đội hình của Quân đoàn đánh vào Sài Gòn. Đây là một nhiệm vụ vô cùng ác liệt, vì công binh là lực lượng đi đầu dẫn đường cho xe tăng. Khi xe tăng gặp chướng ngại khắc phục ngay để cho xe tăng đi qua.

Xe tăng quân giải phóng đánh chiếm Sài Gòn.
Càng gần đến Sài Gòn địch chống trả càng ác liệt. Đúng 11 giờ trưa ngày 29/4/1975, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 gồm có công binh, xe tăng, bộ binh bị địch đánh bật ra khỏi khu vực trường tăng thiết giáp ở Nước Trong. 14 giờ 30 phút, Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn xuất kích. 16 giờ đến cầu Sông Buông phải dừng lại vì cầu bị đánh sập.
Công binh chiến dịch và công binh dẫn xe tăng khẩn trương khắc phục đến 23 giờ mới xong. Quân ta bị địch pháo kích dữ dội vào đội hình. Xe tăng triển khai đội hình chiến đấu không cho địch phá cầu. 03 giờ 15 phút ngày 30/4, Tư lệnh Quân đoàn 2 lệnh cho Lữ đoàn xe tăng 203 vượt cầu Sông Buông. 05 giờ 15 phút xe tăng đi đầu của ta diệt 1 xe ô tô chở quân nguỵ. Do yêu cầu nhiệm vụ lúc này các đồng chí chiến sĩ công binh ngồi trên xe tăng, để dẫn xe đánh thẳng vào Dinh Độc Lập.
Mệnh lệnh chiếm Dinh Độc Lập sớm phút nào thì đỡ đổ máu phút đó, 05 giờ 30 quân ta chiếm được trường quân sự Thủ Đức. Địch dùng pháo binh bắn bằng nhiều loại đạn, vừa nổ trên không chụp xuống, vừa nổ dưới mặt đất quyết ngăn chặn bằng được quân ta tiến vào cửa ngõ Sài Gòn. Lệnh của Bộ Tư lệnh Quân đoàn vừa đánh địch vừa tiến, mục tiêu là Dinh Độc Lập. Anh Nguyễn Chu chỉ huy mọi người khắc phục vật cản cho xe tăng thì trúng đạn hy sinh. Đồng đội hứa với anh: "Đất nước giải phóng nếu ai trong chúng tôi còn sống sẽ về thăm mẹ anh và thưa với cụ: Anh Chu một con người mẫu mực, sống thuỷ chung với đồng chí, đồng đội, hy sinh vô cùng dũng cảm, ngoan cường. Anh là một tấm gương để cho mọi người trân trọng và học tập. Cảm ơn mẹ đã sinh ra cho đất nước, cho quân đội một chiến sĩ vì nhân dân mà chiến đấu".

Hải Lăng quê hương anh khắc ghi công ơn người con hy sinh vì đất nước.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi người trong tổ chiến thuật Công binh Quân đoàn 2 không thể nào quên được hình ảnh anh Nguyễn Chu. Hàng năm, đến ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 lại thương nhớ anh vô cùng. Mỗi người thắp một nén hương và hứa với anh sẽ luôn lấy anh làm tấm gương sống quãng đời còn lại, xứng danh bộ đội Cụ Hồ.