/ Góc nhìn
/ Lại một kiểu 'tự nguyện' trong giáo dục ?

Lại một kiểu 'tự nguyện' trong giáo dục ?

21/04/2022 03:35 |

(LSVN) - Phụ huynh sẽ phải “tự nguyện” làm đơn xin cho con chuyển trường hoặc không thi vào lớp 10, đổi lại, nhà trường cam kết sẽ cho học sinh đó được tốt nghiệp trung học cơ sở. Theo các giáo viên, các học sinh này được trường cho tốt nghiệp, nên xin vào học ở trường tư hoặc các cơ sở giáo dục hướng nghiệp (kiểu bổ túc ngày trước) vẫn có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông như bình thường.

Ảnh minh họa. 

Mới đây, một thông tin trên mạng xã hội đã làm xôn xao dư luận và gây nên một sự chú ý lớn của rất nhiều người quan tâm đến tình trạng giáo dục hiện nay. Thông tin đó được cung cấp từ các phụ huynh và có cả bức thư của một giáo viên về việc một số trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội có động thái yêu cầu những học sinh lớp 9 có học lực không tốt hoặc phải chuyển trường, hoặc phải cam kết không thi vào lớp 10. Cách thức thực hiện là mời phụ huynh đến “họp”, thông báo tình hình học tập của học sinh và đưa ra đề nghị trên.

Phụ huynh sẽ phải “tự nguyện” làm đơn xin cho con chuyển trường hoặc không thi vào lớp 10, đổi lại, nhà trường cam kết sẽ cho học sinh đó được tốt nghiệp trung học cơ sở. Theo các giáo viên, các học sinh này được trường cho tốt nghiệp, nên xin vào học ở trường tư hoặc các cơ sở giáo dục hướng nghiệp (kiểu bổ túc ngày trước) vẫn có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông như bình thường. Trong cuộc họp, có cả đại diện của trường nghề, tư vấn và chiêu sinh luôn dưới hình thức gọi là “hướng nghiệp”. Đã có trường hợp phụ huynh nghe theo nhưng khi nhập trường nghề phải nộp 16 triệu tiền học phí và vì không có tiền nộp, học sinh đó thất học luôn.

Động thái này bị dư luận cho rằng xuất phát từ bệnh thành tích trầm trọng trong ngành giáo dục, mục đích của nó là loại trừ những học sinh yếu kém sẽ thi trượt vào lớp 10, tỷ lệ thi đỗ vào lớp 10 sẽ là một trong các chỉ tiêu xếp loại trường. Vận động được phụ huynh “tự nguyện" theo yêu cầu của giáo viên vừa làm đẹp con số tỷ lệ thi đỗ, vừa “đánh bóng” thương hiệu của nhà trường. Nhiều bình luận trên mạng xã hội cho rằng, hành vi này vừa vi hiến, vừa phản giáo dục và gây nên những hệ lụy không nhỏ đối với nền giáo dục nước nhà.

Ngay sau khi nắm bắt được thông tin này, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND thành phố Hà Nội yêu cầu ngành giáo dục Thủ đô phải làm rõ sự thật và phải xử lý nghiêm nếu có tình trạng này. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có ngay những chỉ đạo cho các Phòng Giáo dục và quy trách nhiệm cho các Trưởng phòng nếu để xảy ra tình trạng trên và khẳng định không lấy tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 làm chỉ tiêu xét thi đua. Các Phòng Giáo dục yêu cầu các trường rà soát và “Hiệu trưởng chịu hoàn toàn trách nhiệm”. 

Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy đã tiến hành làm việc với 2 trường trung học cơ sở Nghĩa Tân và Dịch Vọng. Qua báo cáo và rà soát các trường hợp học sinh chuyển trường, đại diện Phòng Giáo dục khẳng định với báo chí là “không có cơ sở” để cho rằng nhà trường đã vận động học sinh yếu kém chuyển trường hoặc phụ huynh “tự nguyện” cam kết không cho con thi vào lớp 10. Một số phụ huynh được gọi điện hỏi cũng phủ nhận mình bị ép buộc “tự nguyện”.

Tuy nhiên, sau những diễn biến trên, phụ huynh Thủ đô vẫn rất bức xúc và cho rằng tình trạng này đã xảy ra nhiều năm với các hình thức “ép buộc” khác nhau, có cả việc giáo viên dọa sẽ ghi vào học bạ trình độ, năng lực của học sinh và với quyển học bạ đó thì học sinh “không học được ở đâu cả”. Ngành giáo dục Thủ đô thì phủ nhận nhưng phụ huynh Thủ đô vẫn vô cùng bức xúc - vì sao và tại đâu, câu hỏi này cần được trả lời bằng cái tâm trong sáng của người làm giáo dục một cách công khai, minh bạch.

NHỊ NGỌC

Mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng là cấp thiết!

Lê Minh Hoàng