/ Góc nhìn
/ Làm báo là dạy người làm người

Làm báo là dạy người làm người

17/06/2021 09:06 |

(LSVN) - "Nhà báo phải là chiến sĩ dũng cảm, toàn tài. Làm báo là dạy người làm người".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vị trí, vai trò của báo chí cách mạng và người làm báo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Ngày ấy, tôi được giao biên tập để đăng lên tờ “Tập San Kiểm Sát” của VKSND Tối cao bài phát biểu tại một Hội nghị Pháp chế của đồng chí Trường Chinh, với chủ đề “Tăng cường pháp chế XHCN…”.

Bài phát biểu rất quan trọng, nên tôi và cả Tòa soạn đã tập trung tối đa. Và, mọi người rất yên tâm khi bài báo được đồng chí Trường Chinh xem lại, sửa chữa trước khi đăng. Nhưng, một chuyện không ngờ làm tôi phát hoảng và cả cơ quan xôn xao. Là khi báo đã phát hành gần một nửa, thì ai đó đã phát hiện ra sai sót kỹ thuật. Đó là một câu chú giải in nghiêng sau dòng “tít”. Cụm từ “Bài phát biểu “của” đồng chí Trường Chinh” thành “Bài phát biểu “dủa” đồng chí Trường chinh”. Tất nhiên báo phải đình bản. Tôi run bần bật, cọc cạch đạp xe sang văn phòng Quốc Hội tại số 35 Ngô Quyền, tìm gặp bác Trường Chinh để tạ lỗi. Nhưng, thật bất ngờ, sau khi mở xem bài báo, bác không phê bình gì, mà lại ân cần: “Mình cũng dân làm báo mà. Lỗi ấn loát sắp chữ sai là chuyện thường gặp, không có gì quan trọng lắm đâu. Điều quan trọng nhất của người làm báo là gì, đồng chí có biết không?... Nhà báo phải là người chiến sĩ dũng cảm, toàn tài. Làm báo là dạy người làm người, đấy!”. Nói rồi bác Trường Chinh bảo tôi uống nước, hỏi thăm, nói chuyện cởi mở vui vẻ. Tôi nâng tách trà Hồng Đào, lòng lâng lâng, không lý giải nổi vì vui mừng hay vì xúc động. “Nhà báo phải là chiến sĩ dũng cảm, toàn tài. Làm báo là dạy người làm người”, câu nói ấy cứ vang vang trong tâm trí, cứ thít chặt tôi như “vòng kinh cô” mỗi khi có một sự kiện báo chí cần đến cây bút và trang giấy hay bàn phím.

“Người chiến sĩ dũng cảm, toàn tài”, tôi hiểu đó là việc luôn phải tiên phong trong mọi lĩnh vực của đời sống - xã hội. Dũng cảm tiên phong cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro, mất mát, thậm chí là hy sinh. Ngày nay, nhiều nhà báo của chúng ta đã dũng cảm hóa thân như những chiến sĩ trinh sát, tình báo để thu thập thông tin xác thực về những vụ việc nổi cộm để đưa ra ánh sáng công luận.

Nhiều nhà báo từ người thực, việc thực đã dũng cảm đưa ra những quan điểm, quan niệm mới mẻ, chân chính của mình lên báo chí, được nhân dân đồng tình, được những nhà chức trách tiếp thu điều chỉnh, thay đổi. Trong kháng chiến đã có hàng trăm nhà báo sát cánh trên tuyến đầu. Và họ đã ngã xuống như một người lính chiến. Những năm đầu thời kỳ  xây dựng, đổi mới đất nước, việc các nhà báo dùng ngòi bút tấn công vào thành trì, dinh lũy của cơ chế bao cấp, đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội đã thể hiện một bản lĩnh “chiến sĩ dũng cảm”. Tôi vẫn nhớ, ngày ấy, hầu như cứ mỗi bài báo đấu tranh chống tiêu cực xuất hiện trên báo chí, thì nhà báo, tòa báo đều trở thành đối tượng chất vấn, kiểm điểm, thậm chí bị vu cáo, de dọa, hành hung. Có nhà báo còn bị đâm xe nhằm trả thù coi như một tai nạn giao thông…Nhưng đội ngũ những người làm báo chí cách mạng vẫn giữ vững bản lĩnh của người chiến sĩ dũng cảm. Tôi còn nhớ, ngay tại chính tờ báo của tôi, chúng tôi đã bị phê bình quyết liệt vì đã viết bài nêu lên hiện tượng tham ô, tha hóa của một cán bộ đầu ngành ở một tỉnh. Tên bài báo của là:“ Mất một Trưởng Ty, hay mất lòng dân Đồng Khởi”. Bài báo không những không đươc in mà tác giả còn bị quy chụp là có vấn đề về tư tưởng, định làm mất uy tín cán bộ lãnh đạo. Đã có lần báo Nhân Dân đã lên khuôn in một bài báo của tôi có tiêu đề “ Pháp chế XHCN trong quản lý kinh tế”. Nội dung của bài này là khảng định về các ưu điểm, phê phán các thiếu sót cùng những kiến nghị đổi mới trong quản lý kinh tế nhìn từ góc độ luật pháp nước nhà.

Một đồng chí có cương vị khá cao trong cơ quan tôi biết, mặc dù chưa hề đọc bài này, nhưng đã gọi điện thoại đề nghị báo Nhân Dân lột trang. Sau này, dưới sự lãnh đạo đổi mới của Đảng, thấm nhuần phương châm: "Nói và Làm" của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, báo chí của chúng ta thoải mái phản ánh, phanh phui nhiều vụ việc sai phạm lớn. Đọc lại bài báo bị xếp xó năm xưa, tôi thấy tự hào vì ít ra, mình cũng từng là người “chiến sĩ thầm lặng”. Và tôi cũng nghiệm ra rằng, nhà báo - người chiến sĩ cũng cần phải biết chấp nhận thiệt thòi, mất mát.

Với cụm từ “toàn tài”, tôi hiểu đó là điều kiện tiên quyết của Nhà báo. Khi viết về một bài báo, dù chỉ là tin vắn, đòi hỏi người làm báo phải am hiểu tường tận, sâu sắc về lĩnh vực chuyên môn mà mình định viết. Chưa kể đến những phóng sự điều tra, những bài báo chống tiêu cực, tham nhũng…thì kiến thức chuyên môn, kiến thức về luật pháp, sự am hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước trên mọi lĩnh vực có liên quan phải thực sự đầy dặn, am hiểu “hơi thở” của cuộc sống xã hội thực tại cùng với sự đón chờ tin tưởng của nhân dân. Có như thế, thì khi mỗi bài báo được công mới phát huy được giá trị đích thực, mới có sức thuyết phục. Ngược lại, nếu nhà báo am hiểu mù mờ, hời hợt, bất tài thì tác phẩm của mình sẽ lạc lõng, vô duyên, vô tác dụng, đôi khi lại trở thành phương tiện cho những người xấu lợi dụng. Để nhà báo có được sự “toàn tài”, như lời dạy của bác Trường Chinh, Nhà báo phải học tập, lao động, rèn luyện không ngừng, không mệt mỏi và không nản chí. 

“Làm báo là dạy người làm người’’, tôi hiểu nghĩa nôm na ý bác Trường Chinh là, nhà báo, tòa báo phải giữ vai trò của người thầy tiến bộ trong xã hội. Làm thầy ắt phải giỏi. Giỏi không chỉ là giỏi viết sao cho hấp dẫn, mà  phải giỏi chuyên môn, giỏi chính trị, giỏi kiến thức khoa học, có tầm nhìn toàn diện về những vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội rộng lớn. Nhà báo phải là người hiểu biết sâu sắc, toàn diện các lĩnh vực để mỗi tác phẩm báo chí của mình đều có nội hàm trí tuệ cao, tác động tích cực đến dân trí, đến các tầng lớp xã hội.

Thực tế nền báo chí nước nhà đã có nhiều nhà báo đã trở thành người dẫn đường cho cộng đồng tiến lên. Làm thầy ắt phải có đạo đức tốt, có lý tưởng cách mạng rõ ràng và trái tim nhân ái, nồng nhiệt mới có thể hoàn thành sứ mệnh “Dạy người làm người”. Một tờ báo được bạn đọc luôn yêu mến là tờ báo đưa thông tin chính xác, khách quan, trong đó những người lãnh đạo, phóng viên của tòa soạn phải có tài, có đức, có thực tiễn và luôn bám sát thực tiễn. 

Trong hơn tám mươi năm phát triển Báo chí cách mạng nước nhà, đã có nhiều nhà báo của chúng ta đạt tới tầm cao của người thầy. Bác Hồ với những bài báo của mình đã định hướng, chỉ đường cho dân tộc, cho nhân dân đang sống dưới ách thực dân, phong kiến đã vùng lên dành độc lập, tự do, dành lại quyền của con người. Theo gương Bác, hàng năm, hàng tháng, hàng ngày, hàng giờ, hàng nghìn nhà báo đã lao động, đấu tranh, đã làm ra hàng nghìn tác phẩm báo chí thuộc nhiều thể loại để đưa đến với nhân dân. Nhiều nhà báo của chúng ta xứng đáng là những người thầy giúp nhiều tầng lớp nhân dân khắp mọi miền trên đất nước, giúp bạn bè quốc tế hiểu được chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, bổ sung được nhiều kiến thức kinh tế, văn hóa, khoa học, y học, kỹ năng sản xuất, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam, đấu tranh chống những tiêu cực trong xã hội…Là người thầy luôn phải biết điềm tĩnh, suy xét, phải có trái tim nóng, cái đầu lạnh khi tác nghiệp, khi đưa ra sản phẩm báo chí trước công luận. Đã có không ít trường hợp nhiều sự kiện, vụ việc nhà báo của chúng ta thiếu đi một phần “cái đầu lạnh”, chưa tới tư cách làm thầy, nên tác động tích cực của bài báo không cao, thậm chí gây ra hậu quả xấu. Tuy nhiên, cũng có một vài cá nhân mang danh nhà báo, lợi dụng ưu thế của các phương tiện thông tin đại chúng, ưu thế của “người thầy” để thỏa mãn ý đồ cá nhân, để trục lợi về kinh tế, chính trị…Những người này không những đã làm mất đi vị thế thiêng liêng là "dạy người làm người” mà còn làm hoen ố bức tranh toàn cảnh báo chí nước nhà, tiếp tay cho cái xấu trong xã hội.

Đất nước ta đang đổi mới, xây dựng, phát triển, hòa nhập. Biển đảo thiêng liêng của tổ quốc đang bị lấn chiếm, gây hấn. Thiên tai nặng nề, Dịch dã Covid đang hoành hành, tàn phá. Sát cánh cùng với những người lính, những thầy thuốc, những chiến sĩ Công an và triệu triệu người dân ngày đêm vừa căng mình chống dịch, vừa sản xuất để vươn lên, vừa bảo vệ tổ quốc… Là những Nhà báo chúng ta. Những phóng viên, biên tập viên đang ngày đêm bám sát tuyến đầu dịch dã, biên cương, hiên ngang, ngạo nghễ trước vòi rồng, mũi tàu sắt nhọn sắc của thế lực tham vọng và những quyến rũ tầm thường. Họ đã, đang gửi thông điệp tới toàn dân, tới bạn bè quốc tế những thông tin, hình ảnh xác thực, những bức tranh toàn cảnh về đất nước, con người Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức để vượt lên mạnh mẽ. 

Lúc này, tôi bỗng nhớ đến cái lần bị tai nạn nghề nghiệp, nhưng rất may mắn năm nào. Tôi càng thấm thía những lời chỉ dạy của đồng chí Trường Chinh: “Nhà báo là chiến sĩ dũng cảm, toàn tài. Làm báo là dạy người làm người”.

Luật sư, Tiến sĩ PHẠM HUỲNH CÔNG

Nâng cao vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh với tội phạm xâm phạm an ninh Tổ quốc

Lê Minh Hoàng