Làm kinh tế

29/11/2021 11:14 |

(LSVN) - "Chẳng những khá lên về cái khoản vật chất, miếng cơm manh áo, các đấng mày râu còn cho rằng mặt tinh thần của họ được cải thiện rõ rệt, thể hiện ở chỗ giờ đây rất nhiều quán bia hơi Hà Nội mọc lên trong làng, thứ hàng hóa vừa có tính vật chất vừa mang tính tinh thần đó trước đây chỉ có ở trong nội thành Hà Nội".

Làng Tư Đình, ngôi làng thuần nông ngoại thành Hà Nội thay da đổi thịt đáng kể từ khi Nhà nước đổi mới về kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nghĩa là hàng hóa được sản xuất ra để bán, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng không qua phương thức phân phối theo kế hoạch của Nhà nước. Nói theo sách thì định nghĩa nghe có vẻ phức tạp vậy nhưng tóm lại và đơn giản là bây giờ người mua cần gì thì người bán sản xuất, cung ứng cái đó, mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, cá nhân được tự do buôn bán những gì pháp luật không cấm. Kinh tế của nhân dân nói chung và dân làng Tư Đình nói riêng khấm khá lên hẳn, thoát được cảnh chạy ăn từng bữa, đói dài những ngày giáp hạt thời bao cấp.

Chẳng những khá lên về cái khoản vật chất, miếng cơm manh áo, các đấng mày râu còn cho rằng mặt tinh thần của họ được cải thiện rõ rệt, thể hiện ở chỗ giờ đây rất nhiều quán bia hơi Hà Nội mọc lên trong làng, thứ hàng hóa vừa có tính vật chất vừa mang tính tinh thần đó trước đây chỉ có ở trong nội thành Hà Nội.

Ông Thành thích uống bia hơi Hà Nội lắm, trong năm sáu quán bia thì cái quán ông khoái nhất có lẽ là quán bia hơi Cây đa, ở ngay đầu làng, cách nhà ông dăm phút xe đạp. Bia ở đây đích thị là bia hơi Hà Nội một trăm phần trăm, được chủ quán cất công chở về từ nhà máy bia trên phố Hoàng Hoa Thám, nội thành Hà Nội và được ủ với đá cây cẩn thận để giữ độ lạnh. Bia hơi Hà Nội chính cống nó đặc biệt lắm, uống cạn cốc bia mà bọt tăm vẫn bám thành từng mảng lấm tấm trên thành cốc. Lại gọi thêm cốc nữa, cứ ngồi mà nhâm nhi, chuyện phiếm với bạn, ngắm cảnh chiều quê yên ả, đó đích thị là thú thưởng lãm nhất hạng. Thực ra “bia lượng” của ông Thành không phải là cao, được dăm ba cốc là đã say ngà ngà, nếu chỉ vậy thì cuộc vui tao nhã hẳn sẽ kết thúc chóng vánh. Thế nhưng, quán bia Cây đa có bí quyết đủ để hấp dẫn, thu hút ông Thành dành trọn chiều Chủ nhật hàng tuần ở đây. Bí quyết đó chính là món thịt chó chặt.

Thịt chó ở quán Cây đa là thứ đặc sản chỉ có ở đây, đã là đặc sản thì ắt cũng không được chế biến theo cách thông thường, nó không cầu kỳ nhưng khác biệt lắm. Bình thường, sau khi mổ, chú chó sẽ được cạo sạch lông, rồi thui bằng rơm đến khi bì đen thui, hơi cháy, lúc này có thể cho vào hấp hoặc luộc rồi chặt khúc từng miếng quân cờ bày ra đĩa là có thể đánh chén được rồi, nhưng thế thì thường quá. Ở quán Cây đa người ta không làm vậy. Người ta lấy chú chó đã thui đen ra, để nguội, rồi nhồi chặt vào trong hỗn hợp lá mơ lông, riềng, ít ngải cứu, đỗ xanh bóc vỏ, lòng, cật, tất cả được băm nhỏ, trộn đều rồi đập thêm vài quả trứng gà cho quyện. Rồi người ta khâu kín lại bằng dây thép, tiếp tục quay trên lửa rơm đến khi chín cả trong lẫn ngoài, lúc này mới chặt rồi bày ra đĩa, từ khi nóng đến lúc nguội, vài ba tiếng đồng hồ đĩa thịt mùi vị vẫn thơm lừng. Khác biệt là ở chỗ đó mà cuốn hút, hấp dẫn ông Thành cũng ở chỗ đó.

Chiều Chủ nhật này ông Thành thấy lạ lắm, vẫn những cốc bia đó, vẫn đĩa thịt chó đó, vẫn bạn bia đó mà sao ông thấy khác khác là. Dắt chiếc xe đạp cà tàng vào nhà mà sao ông thấy vừa bồi hồi, vừa rạo rực, vừa phấn khích. Đúng rồi, cái cảm giác này giống như cảm giác xem cầu thủ hai đội bóng Thể công và Công an Hà Nội lúc ra sân trong trận đối đầu trên sân Hàng Đẫy. Nhưng thay vào tiếng hò reo của khán giả trên sân đón chào hai đội bóng thì trong đầu ông chỉ đầy ăm ắp giọng nói của ông bạn bia, cũng là vị phụ huynh học sinh của ông: “Thầy ạ, muốn làm giàu bây giờ chỉ có nuôi chó Nhật”.

Ông Thành là thầy giáo chủ nhiệm của thằng cu Tuấn, mà Tuấn lại là con của ông Phương, một dân chạy chợ có tiếng ở làng. Là dân chạy chợ nên ông Phương giỏi buôn bán lắm, ông Phương sinh ra và lớn lên ở làng nhưng chưa bao giờ ông làm nông nghiệp cả. Từ cái thời kinh tế hợp tác xã, kinh tế bao cấp ông đã biết sang tận chợ Trời, Hà Nội để mua mua hàng về bán ở chợ làng, lúc thì cái xong cái nồi, lúc thì viên thuốc bổ thuốc cảm, ai có tiền thì trả bằng tiền, ai không có thì trả bằng cân khoai, cân thóc, cân sắn để rồi ông lại mang ra Hà Nội bán cho các bà bán hàng rong vỉa hè. Giỏi buôn bán nên ông Phương cũng có điều kiện kinh tế hơn hẳn các gia đình nông dân hay cán bộ, giáo viên như ông Thành. Ông Phương có mỗi thằng cu Tuấn là con trai độc nhất nên bao nhiêu tình cảm ông Phương dành hết cho con, đâm ra ông cũng kính yêu thầy Thành của nó lắm. Tháng nào ông Phương cũng gặp thầy Thành, mời thầy đi bia hơi thịt chó đến bốn buổi chiều các ngày Chủ nhật, cũng như chiều Chủ nhật hôm nay.

Ông Thành và ông Phương quý nhau, hợp cạ nhau lắm, ông Phương thì vừa quý mến, vừa kính trọng ông Thành, một điều “thưa thầy” hai điều “thưa thầy”. Còn ông Thành thì cũng thân thiết với ông Phương, bởi vì ông là trí thức nên cũng biết chọn bạn mà chơi, ông Phương giỏi buôn bán, hiểu biết rộng nên cũng hầu chuyện được thầy.

Sau ngụm bia hơi đầu tiên, ông Phương tâm sự: “Thầy ạ, đợt này em thấy chó Nhật được giá lắm, bên Hà Nội nhiều người nuôi lắm, mỗi con đèm đẹp bây giờ đến 10 vé chứ chả ít, tức là nghìn đô hay 3 cây vàng đấy thầy”.

Ông Thành ngạc nhiên: “Những 3 cây kia á?. Là gần bằng nửa con xe Dim rồi còn gì. Mà ông bảo đèm đẹp là thế nào?”.

- Đầu tiên em xin nói với thầy về tiêu chuẩn của đẹp đã ạ. Đẹp là thế này, - ông Phương trầm ngâm ra vẻ hiểu biết, - Lông trắng toàn thân, trán dô và có lông dài trùm kín mắt, tai to và cụp, mõm sáng màu, ngắn và hếch, chân vòng kiềng, đuôi xù. Những con có lông vá màu thì chỗ vá phải cân xứng.

Thế thì hiếm lắm, làm gì có, ông Thành nghĩ bụng rồi quay ra hỏi:

- Thế thì kiếm đâu ra?

- Thế thì em mới bảo đó là tiêu chuẩn của cái đẹp, chứ nếu đẹp thế giá phải hai ba mươi vé chứ chả chơi, hiếm lắm nhưng cũng có, có những con được mua bán như thế rồi đấy ạ. Ông Phương giảng giải, - còn loại đẹp kém hơn, tức là đèm đẹp thì so với tiêu chuẩn bị hụt đi một tý, chẳng hạn như trắng nhưng có vá một chỗ, hoặc hai chỗ nhưng không cân xứng.

- Thế thì giá kém đi, 10 vé đó à? Ông Thành ngờ nghệch hỏi lại.

- Vâng đúng thầy. Mà thầy nhé, chó Nhật mắn đẻ lắm, mỗi năm đẻ từ 1 đến 2 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 5 con, thường thì chó con giống cái thì được bán với giá cao hơn chó đực nếu đẹp như nhau. Thế nhưng mà chó đực lại có cái hay ở chỗ để gây giống. Nếu chó cái người ta mang đến phối giống mà được thì chủ được trả ngay 5 vé hay nếu không trả tiền thì trả bằng một con chó con tùy chọn. Giờ có người chỉ nuôi chó giống thôi, lãi lắm mà nhàn, - ông Phương nói thêm.

Rồi ông Phương nhẩm tính, cứ cho là nuôi một con chó cái loại đèm đẹp, một năm đẻ hai lứa chí ít được 6 con, trừ công lấy giống còn lại là 5 con, chó bé thì bán giá một nửa, loại đèm đẹp thì được 5 vé một con, vậy được 25 vé rồi. Tức là lãi không 25 vé, chó mẹ vẫn còn thì vẫn còn đẻ được. Buôn gì cho lại! Ngày xưa có câu “gà đẻ trứng vàng” giờ thì có câu “chó đẻ chó vàng”.

Nói chuyện đến hết buổi, hết veo dăm cốc bia, đĩa thịt chó chặt cũng nhẵn như chùi, ông Phương mới bật mí: “Đợt này em mua cả một đàn chó con thầy ạ, 3 con cái với 2 con đực, phen này em đầu tư lớn. Nếu thầy muốn em nhường thầy một con chó cái, giá đúng như em mua, 5 vé”.

Dắt chiếc xe đạp vào nhà ông Thành ngồi thừ người ra, mông lung suy nghĩ. Món đầu tư hời quá, hấp dẫn quá. Cả đời dạy học của ông cũng không mơ đâu được tiền lãi khi nuôi một con chó cái một năm. Một năm hai lứa, lãi 25 vé, thế thì nó sòn sòn đẻ cho ông trong vòng 4 năm là ông mua được cái nhà ở khu chợ làng rồi, nằm mơ cũng không thấy. Có nhà ở chợ làng là ông an hưởng tuổi già, buôn bán lặt vặt và có lương hưu nữa, đời còn gì phải lo. Thế nhưng đầu tiên là tiền đâu, mua chó thì phải có vốn, mà mấy chục năm dạy học ông có để ra được đồng nào đâu, còn nuôi hai đứa con học đại học nữa chứ, tiền lương chả đủ cho đến cuối tháng. Thôi đành hỏi vợ vậy.

Vợ ông Thành là nông dân chính hiệu, cả cuộc đời bà gắn bó với đồng ruộng, với con lợn con gà. Sau chuyển sang cơ chế thị trường, hợp tác xã cũng giải thể, nông dân được giao đất giao ruộng tự đầu tư cày cấy, chăm bón nhưng lúc này tuổi bà cũng lớn nên bà không làm ruộng nữa mà chuyển sang buôn bán ở chợ làng. Từ lúc bà ra ngoài buôn bán ông cũng đỡ phải lo về cái ăn cái mặc, chi tiêu trong gia đình. Nhưng từ nông dân mà ra buôn bán, con người bà vẫn còn thật thà lắm, lãi lờ chả bao nhiêu, tiền học hành của các con ông vẫn phải lo toan nên có thể nói gia đình chỉ mới đủ ăn.

Bà Thành thấy ông trình bày phương án đầu tư cũng tỏ ra khoái lắm, từ hồi ra ngoài buôn bán bà cũng đã bắt đầu có máu kinh doanh. Thôi thì tiền gom góp của bà từ xưa đến nay, rồi tiền bán mấy mảnh ruộng được xã cấp bà đưa cho ông tất, cả thảy được 5 vé.

Ngày có con Milu về, nhà ông Thành như có thêm đứa con cầu tự, ông cưng nựng chiều nó lắm. Con Milu thì rất ngoan nhưng phải cái giống chó là giống khôn, nó biết được chiều chuộng thì ra sức đỏng đảnh, y như cô gái đẹp được chiều chuộng bởi các chàng trai đeo đuổi. Này nhé, Milu uống nước thì phải là nước đun sôi để nguội, không giống bọn chó ta thấp hèn chỉ có nước ổ gà ổ trâu, ăn thì nó cũng ăn như người, có bát cơm riêng với thịt cá, tất nhiên cá phải được bỏ hết xương dăm. Nết ăn uống đã vậy, nết ngủ nào có kém. Mùa hè thì có quạt bàn khỏi nóng, mùa đông thì tất nhiên phải chăn ấm đệm êm, nhiều khi đêm lạnh nó nhảy tót lên giường ông Thành, chui vào chăn mà ngủ, nó cũng sạch sẽ mà, mùa đông được tắm nước nóng trong nhà tắm kín gió, tắm bằng nước gội đầu, thơm tho chán. Mà nó có hôi hám thì ông Thành cũng không lấy làm phiền lòng. Ông quý nó lắm.

Cái sự yêu quý con Milu của ông Thành cũng làm cho bà Thành nhiều khi chạnh lòng, chạnh lòng thôi chứ không bực bội. Chả là hôm đó trái gió trở trời thế nào bà váng vất nằm bẹp ở nhà, bỏ cả buổi chợ. Ông Thành đi dạy học về ngó vào buồng thấy bà ốm thì cũng hỏi thăm, xong như thường lệ ông cũng ra gian nhà khách để chơi với con Milu. Sáng nay bà ốm nên cho nó ăn uống qua loa, bát cơm vẫn còn nguyên lạnh ngắt, nó chả động vào hột cơm nào. Bình thường bà vẫn trộn cơm với thịt băm cho nó ăn sáng, nhưng hôm nay bà mệt quá không kịp trộn, chỉ xới cơm và chan thịt băm lên trên. Vậy là chị chàng chỉ ăn mỗi thịt, chả chịu ăn cơm, nằm bẹp góc buồn thiu. Nó thấy ông cũng không mừng vui như thường lệ.

Ông cầm cái bát, dắt xe ra đường đúng lúc thằng con vừa đi học về hỏi: “Bố đi đâu đấy?”.

- À, tao ra chợ mua vài quả trứng vịt lộn, - ông Thành vừa đi vừa trả lời.

Bà Thành nằm trong phòng loáng thoáng nghe giọng hai bố con, bà xúc động lắm. Xưa nay ông vốn là nhà giáo, lại dạy toán nên tính tình có vẻ khô khan, có bao giờ thấy ông quan tâm chăm sóc bà và các con đâu. Hay già rồi đổi tính nên vẽ chuyện, bà tủm tỉm, bệnh tình giảm đi một nửa.

Bà Thành đợi mãi, bụng đói meo, từ sáng bà mệt đã ăn được gì đâu, mà người ốm mà bắt đầu thèm ăn tức là bệnh tình bắt đầu thuyên giảm, cần được ăn ngay. Rõ ràng bà nghe tiếng mở cổng rồi tiếng chân ông bước vào nhà rồi mà. Sao không thấy ông mang trứng vịt lộn vào cho bà. Cố sức đi ra cửa buồng, bà nghe rõ tiếng ông ở gian nhà khách, ông đang dỗ dành con Milu ăn trứng vịt lộn, thế hóa ra ông mua trứng cho nó ăn, không phải cho bà.

Bà chạnh lòng tủi thân lắm, nhưng bà thông cảm và hiểu cho ông, con Milu bây giờ chiếm trọn tình cảm của ông, nó là cơ hội làm giàu của cả gia đình. Và bà cũng yêu quý nó như ông yêu quý nó vậy, bà cũng chiều chuộng nó lắm, hẳn thế vì hôm đi hội chợ triển lãm Giảng Võ bên Hà Nội, bà chả mua gì cho ai mà chỉ mua cho nó cái vòng đeo cổ thật đẹp, có hình mặt trời, gợi nhớ quê hương của nó.

Người tính không bằng trời tính, đến đúng thời điểm con Milu đến tuổi phối giống, thì chả ai mua chó Nhật nữa hết cả. Trước đây trăm người bán vạn người mua, người người mua bán chó, nhà nhà mua bán chó thì bây giờ có cho cũng không ai lấy. Giờ ai mà quý chó, nuôi để trông nhà thì cũng chỉ một hai con, mà nuôi như kiểu nuôi chó ta thôi. Nghĩa là quăng quật, cho ăn cơm thừa canh cặn, ngủ bờ ngủ bụi lay lắt. Kể cũng lạ, hồi giá chó Nhật đắt nó được cho ăn cao lương mỹ vị, ốm thì được uống thuốc, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa vậy mà vẫn hay ốm, chết yểu, có nhà nuôi chó Nhật khi bị bệnh tật lây nhau chết cả đàn, khuynh gia bại sản. Thế mà bây giờ ăn uống tự do, mò cả vào bãi rác ăn đồ thiu thối mà vẫn khỏe re, chạy loạn từng đàn, sủa to hơn chó ta. Cuộc sống nó lạ thế!

Ông Thành không muốn nuôi Milu nữa, tốn cơm tốn công lắm. Cũng là vì từ khi hết hy vọng ở con Milu, ông Thành lại phải kiếm thêm bằng cách mở lớp dạy học ở nhà, thôi thì năng nhặt chặt bị, chả nghĩ đến đầu tư lớn nữa. Con Milu không được quan tâm chăm sóc đâm ra cáu bẳn, mỗi lần học sinh đến nhà học thêm là gầm gừ đe dọa, chỉ trực nhảy ra cắn. Đến mức ấy thì ông Thành không chịu nổi nữa, học sinh sợ chó không dám đến học thì căng quá. Vậy là ông quyết định đem con Milu cho người khác nuôi, đánh tiếng mãi không ai lấy, ông Thành đành mang cho ông Phương nuôi.

Cũng vẫn quán bia hơi Cây đa, chiều Chủ nhật này ông Thành và ông Phương lại ngồi lai rai. Vẫn từng đấy cốc bia, vẫn đĩa chó chặt, nhưng câu chuyện thì xoay quanh lý do vì sao chó Nhật không bán được.

Ông Phương buồn bã nói: “Thầy ạ, giờ nhà em nuôi cả mấy chục con, tốn cơm lắm mà không bán được, đến nước này có khi em phải cho trôi sông hết. Lỗ nặng”.

Ông Thành băn khoăn: “Ông quen kinh doanh ông thử giải thích cho tôi xem tại sao đột nhiên tình hình lại thế?”.

Ông Phương trầm ngâm một lúc lâu, nghĩ mông lung lắm, rồi chậm dãi: “Chung quy lỗi là do em cả, do một chữ “tham” mà ra thầy ạ”.

- Thế nghĩa là sao?, - ông Thành hỏi lại.

- Thì hồi đầu, như thầy biết đấy em cũng thắng lớn, một lứa chó đẻ bán được cả mấy nghìn đô, chủ yếu bán cho cánh lái buôn mang sang Trung Quốc, thế nhưng vẫn có những con màu xấu khách họ chê, không được giá. Em cậy mình nhanh nhạy mới nghĩ ra một cách. Ấy là mua thuốc tẩy về tẩy lông, gọi là “mông” chó, con nào con nấy cứ là trắng tinh, bán đắt như tôm tươi, - ông Phương giãi bày.

- À thì ra thế, - ông Thành khẽ thở dài.

Ông Phương nói tiếp: Em là người “mông” chó đầu tiên ở đất Hà Nội, thế rồi cũng có người biết, người này mách người kia. Có những lô cả xe ô tô chó bán sang Trung Quốc rặt toàn chó “mông”. Người Trung Quốc nuôi một thời gian thì màu lông cũ quay trở lại. Ác hơn nữa có người còn chọn mấy con chó ta loại bé để “mông”, làm giả chó nhật. Thế là bên Trung Quốc họ tẩy chay chó Nhật nhập từ Việt Nam...

Quán bia đang giờ cao điểm khá ồn ào, đông nghịt dân nhậu, tiếng gọi bia, gọi đồ uống dồn dập không ngớt. Quản lý, phục vụ, chạy bàn tấp nập bưng bia, bưng đồ nhậu, nhà bếp thì tất bật băm chặt, xào nấu. Thế nhưng ông Thành hầu như chẳng nghe thấy gì, ông đang ức nghẹn, không ăn uống được nữa, ông chào ông Phương ra về. Lúc đi qua khu vực bếp của quán, vô tình ông thoáng thấy vật gì đó như cái vòng đeo cổ có hình mặt trời, vứt lăn lóc trên sàn nơi góc bếp.

LÊ HÙNG

Nhà báo cần trọng liêm sỉ

Lê Minh Hoàng