/ Góc nhìn
/ Nhà báo cần trọng liêm sỉ

Nhà báo cần trọng liêm sỉ

29/11/2021 04:27 |

(LSVN) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ra một văn bản chấn chỉnh hoạt động của báo chí trước tình trạng một số nhà báo, phóng viên tác nghiệp trái với quy định pháp luật, sách nhiễu doanh nghiệp, cơ quan, địa phương.

Ảnh minh họa.

Sách nhiễu – theo cách hiểu thông thường là gây chuyện, làm phiền, quấy rầy với mục đích rất rõ ràng là làm tiền. Các nhà báo, phóng viên thực hiện hành vi sách nhiễu được là trong một môi trường các đối tượng bị sách nhiễu (doanh nghiệp, cơ quan, chính quyền địa phương) có những sai trái nhất định nào đó để họ dựa vào đó mà “tìm hiểu”, đòi hỏi cung cấp cái này, cái kia. Muốn “thoát” khỏi sự làm phiền dai dẳng này chỉ còn mỗi cách là mua sự im lặng bằng tiền.

Như vậy, phải có môi trường thì sự sách nhiễu mới sinh sôi. Tuy nhiên, để sách nhiễu được thì phải dựa trên danh nghĩa báo chí. Tức là thực hiện chức năng của truyền thông là thông tin, phản ánh sự thật, phơi bày các hành vi trái pháp luật, phản đạo lý và phê phán, cảnh tỉnh, hướng thiện. Sức mạnh tự thân của báo chí là thông tin, là sự tạo ra một hiệu ứng xã hội tích cực, là “tòa án dư luận” mà thường được coi là “quyền lực mềm” có thể chi phối nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tạo ra “quyền lực mềm” đó là những tờ báo chính thống với những người làm báo chân chính, đáng buồn là lại bị những đồng nghiệp lợi dụng “quyền lực mềm” đó để làm xấu đi hình ảnh nghề làm báo, của chính tờ báo mình công tác, vốn được xã hội coi trọng, nhân dân tin tưởng.

Hiện tượng sách nhiễu khá phổ biến, lớn như vụ các nhà báo làm theo đạo diễn của một cựu sĩ quan Công an để tống tiền 25 tỉ đối với quan chức cấp huyện ở Thanh Hóa, nhỏ thì đến các Uỷ ban cấp xã, doanh nghiệp địa phương hoạnh họe, đòi hỏi nọ kia, ép quảng cáo,... Cách đây mấy tháng, trên chuyên mục này đã có bài “Doanh nghiệp bị báo chí quấy rầy” đã phản ánh tình trạng đáng buồn này và cho đến trước khi có văn bản chấn chỉnh của Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng này vẫn diễn biến mặc cho dịch bệnh covid-19 hoành hành.

Thông tin trung thực, khách quan được viết ra từ những nhà báo bản lĩnh, trọng liêm sỉ và những bài báo họ viết ra mang tính thuyết phục cao và tạo hiệu ứng đồng tình trong dư luận xã hội. Khi họ đứng về phía những người thuộc tầng lớp yếu thế của xã hội để bảo vệ sự công bằng, đảm bảo tính ưu việt chính sách của Nhà nước, khuyến khích sự tuân thủ pháp luật thì dứt khoát họ làm những việc đó không phải để kiếm tiền. Phẩm chất cần thiết nhất của một nhà báo là trọng liêm sỉ và thứ họ dị ứng nhất là sự sách nhiễu.

Sự chấn chỉnh của Bộ Thông tin và truyền thông là hết sức cần thiết, trước hết chính là sự giữ gìn thanh danh người làm báo. Tuy nhiên, để không phải ra những văn bản chấn chỉnh như thế này vẫn tốt hơn và để làm điều đó thì không cách nào khác là mỗi nhà báo cần trọng liêm sỉ và giữ gìn hình ảnh nghề nghiệp của mình.

NHỊ NGỌC

Chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật

Lê Minh Hoàng