Công việc thời vụ dịp Tết thường diễn ra phổ biến từ 01 - 03 tháng hoặc có thể dài hơn nhằm đảm bảo tiêu dùng trước và sau Tết Nguyên đán.
Trước đây, theo quy định cũ tại Bộ luật Lao động năm 2012, với công việc mang tính chất thời vụ thì người lao động và người sử dụng lao động có thể giao kết hợp đồng theo mùa vụ. Trong đó, công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng được phép giao kết bằng lời nói (khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động 2012).
Tuy nhiên, từ năm 2021, theo Bộ luật Lao động năm 2019, loại hợp đồng mùa vụ đã bị loại bỏ, thay vào đó, các bên chỉ được giao kết hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn. Do đó, khi sử dụng lao động thời vụ dịp Tết, các bên phải giao kết hợp đồng xác định thời hạn thay cho hợp đồng mùa vụ trước đây.
Theo Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định hình thức hợp đồng lao động gồm:
Điều 14. Hình thức hợp đồng lao động 1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này. |
Như vậy, căn cứ khoản 2 Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019, chỉ cho phép giao kết bằng lời nói đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng nhưng không áp dụng với các trường hợp sau:
- Giao kết hợp đồng lao động với nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên thông qua một người lao động trong nhóm được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động để làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
- Giao kết hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi.
- Giao kết hợp đồng lao động với lao động là người giúp việc gia đình.
Theo đó, với hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên bắt buộc phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản hoặc giao kết bằng thông qua hợp đồng điện tử.
Tóm lại, làm mùa vụ dịp Tết có thể được ký hợp đồng lao động nếu thuộc các trường hợp sau:
- Làm công việc có thời hạn từ 01 tháng trở lên;
- Làm công việc dưới 01 tháng nhưng thuộc các đối tượng sau:
+ Nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên thông qua một người lao động trong nhóm được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động để làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
+ Người chưa đủ 15 tuổi.
+ Lao động là người giúp việc gia đình.
Lao động thời vụ làm 01 tháng cũng được đóng bảo hiểm xã hội, nội dung này được ghi nhận cụ thể tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 như sau:
Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; ... |
Theo đó, người lao động chỉ cần làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, người lao động làm thời vụ dịp Tết chỉ cần làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng sẽ được đóng BHXH.
Mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trong trường hợp này bằng 08% mức tiền lương tháng; trong khi đó, chủ sử dụng lao động phải đóng 18%, bao gồm 03% vào quỹ ốm đau và thai sản; 01% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Bên cạnh đó theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có quy định về đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế gồm: "Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức". Như vậy, lao động thời vụ dịp Tết chỉ được đóng BHYT nếu làm việc theo hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên. Trong trường hợp này, người lao động chỉ phải đóng 1,5% tiền lương tháng đóng BHXH, còn người lao động phải đóng 03% vào quỹ BHYT.
Tuy nhiên, hầu hết trường hợp làm thời vụ dịp Tết chỉ làm dưới 03 tháng nên thường sẽ không được đóng BHYT.
THÚY QUỲNH