Phụ huynh bị lập biên bản vi phạm hành chính vì không cho con tiêm vaccine Covid-19.
Ngày 05/9, theo thông tin từ UBND phường Trần Phú, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đơn vị này đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với một số phụ huynh không cho con em đi tiêm vaccine phòng Covid-19, dù các cháu đủ điều kiện. Đại diện UBND phường Trần Phú cho biết thêm, việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với phụ huynh trên căn cứ vào Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 và một số quy định về xử phạt liên quan.
Sự việc nêu trên hiện đang gây nhiều ý kiến tranh cãi trong dư luận. Có ý kiến đồng tình vì việc tiêm phòng là cần thiết để phòng tránh dịch bệnh, nhưng cũng có nhiều người cho rằng vaccine Covid-19 không phải là loại bắt buộc tiêm chủng, việc tiêm phòng được thực hiện theo cơ chế khuyến khích, vận động người dân. Do đó, cơ quan nhà nước không thể ép buộc người dân phải tiêm phòng vaccine Covid-19.
Thiếu căn cứ
Về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay dịch Covid-19 đã dần ổn định, Chính phủ đã đề ra các chính sách để nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Trên thực tế, cơ quan chức năng vẫn khuyến khích người dân tiêm phòng vaccine Covid-19 để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là nhanh chóng triển khai việc tiêm chủng cho trẻ từ dưới 18 tuổi.
Trong thời điểm học sinh trở lại trường học để bắt đầu năm học mới như hiện nay, thì việc lo lắng cho tình hình sức khỏe cộng đồng của các cơ quan chức năng TP. Móng Cái không phải là không có căn cứ. Tuy nhiên, vaccine chỉ là để phòng bệnh chứ không phải là biện pháp duy nhất, việc áp dụng các quy định để phòng chống Covid-19 phải thể hiện được sự linh hoạt, tùy từng trường hợp, địa phương cụ thể để đưa ra phương án phù hợp. Bên cạnh đó, nhà nước luôn khuyến khích việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ một cách sáng tạo nhưng không thể trái với pháp luật và trái chỉ đạo của Chính phủ. Việc áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc, gò bó, không quy định rõ ràng sẽ dẫn tới nhiều quan điểm trái chiều, không nhận được sự đồng tình của người dân trên địa bàn nói riêng và dư luận nói chung.
Luật sư Tiền cho biết, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm.
Theo Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29 tháng 01 năm 2020 của Bộ Y tế, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCov) gây ra đã được bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Tuy nhiên, vaccine Covid-19 chưa được cập nhật vào Danh mục bệnh truyền nhiễm và các loại vaccine bắt buộc phải tiêm chủng theo Thông tư 38/2017/TT-BYT. Do đó, việc tiêm vaccine Covid-19 là không bắt buộc, mang yếu tố vận động kết hợp tự nguyện để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân.
Mặc dù vậy, chính sách tiêm vaccine Covid-19 có thể thay đổi tùy vào tình hình dịch bệnh tại từng địa phương. Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh. Do đó, nếu địa phương đang được xác định là vùng có dịch thì người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vaccine Covid-19. Ngoài ra, nếu Thông tư 38/2017/TT-BYT bổ sung vaccine Covid-19 vào Chương trình tiêm chủng mở rộng thì việc từ chối tiêm vaccine có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 9 Văn bản hợp nhất 01/2022/VNHN-BYT.
Trong vụ việc xảy ra tại TP. Móng Cái, Luật sư Tiền nhấn mạnh, tính đến thời điểm hiện tại, TP. Móng Cái chưa được xem là vùng dịch nên việc áp dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Văn bản hợp nhất 01/2022/VBHN -BYT lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế để xử phạt người dân đối với hành vi không đồng ý cho con tiêm chủng trong trường hợp này là không đúng. Bởi, loại vaccine này không phải là loại bắt buộc tiêm chủng, việc tiêm phòng được thực hiện theo cơ chế khuyến khích, vận động người dân. Do đó, cơ quan nhà nước không thể ép buộc người dân phải tiêm phòng vaccine Covid-19.
Như vậy, thay vì áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc, hành chính hóa việc tiêm chủng một cách máy móc, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine phòng chống dịch Covid 19. Trước là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân, sau là để bảo đảm an toàn cho cả cộng đồng. Nếu việc người dân không tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm có thể sẽ dẫn đến hậu quả gia đình có người mắc Covid-19 hoặc làm lây lan dịch bệnh thì họ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Không tồn tại Biên bản xử phạt và Biên bản vi phạm hành chính một cách riêng biệt
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND TP. Móng Cái Hồ Quang Huy khẳng định, chưa có Biên bản xử phạt mà mới có Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế của UBND phường Trần Phú đối với phụ huynh không cho con tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19. Theo ông Huy, việc lập biên bản vi phạm hành chính và việc xử phạt là hai khái niệm khác nhau. Lập biên bản vi phạm hành chính là để ghi lại hiện trạng, hành vi và cam kết của người dân. Từ biên bản chuyển thành xử phạt là một trạng thái khác. Trong biên bản của UBND phường Trần Phú, việc hẹn phụ huynh học sinh tới trụ sở vào ngày 06/9 để giải quyết vụ việc nhằm trao đổi, tuyên truyền, thay đổi nhận thức về việc tiêm vaccine phòng Covid-19.
Tuy nhiên, theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, không tồn tại Biên bản xử phạt và Biên bản vi phạm hành chính một cách riêng biệt.
Theo đó, Biên bản vi phạm hành chính là cơ sở pháp lý quan trọng để người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc lập Biên bản vi phạm hành chính là một thủ tục được thực hiện trong quy trình xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo quy định tại Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Biên bản vi phạm hành chính không chỉ ghi nhận sự việc mà còn xác định hành vi vi phạm hành chính, là căn cứ của việc ban hành quyết định xử phạt. Bởi vậy, nội dung và tính chất của biên bản vi phạm hành chính khác với biên bản làm việc, biên bản kiểm tra, biên bản thanh tra hoặc các loại biên bản khác. Vì vậy, Biên bản vi phạm hành chính phải được lập cụ thể, rõ ràng, thông tin, số liệu phải chính xác để người có thẩm quyền có căn cứ để xem xét ban hành quyết định xử phạt.
"Việc Chủ tịch UBND TP. Móng Cái khẳng định chưa có Biên bản xử phạt mà mới có Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế là chưa chính xác", Luật sư nói.
HOÀNG LÂM - LINH NHI
Quy định mới về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử