Buổi đua chó, đua ngựa diễn ra vào chiều ngày 19/3.
Mới đây, vào chiều ngày 19/3, khu du lịch Đại Nam đã tổ chức buổi giao lưu gặp gỡ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng và được livestream trên mạng xã hội.
Đáng chú ý, trong chương trình có tiết mục đua chó, đua ngựa. Tuy nhiên, các chó đua, ngựa đua được công ty này đặt theo tên của những người đang có mâu thuẫn với bà Nguyễn Phương Hằng như nhà báo Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni, ca sĩ Vy Oanh…
Khi đoạn video này được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều ý kiến trái chiều, vấn đề tranh cãi đã được đặt ra. Đồng thời, nhiều người đặt ra câu hỏi pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?
Có vi phạm pháp luật?
Về vấn đề nêu trên, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, pháp luật hiện hành không có quy định cấm sử dụng tên người để đặt tên cho động vật. Tuy nhiên, hành vi sử dụng tên người nổi tiếng để gọi chó, ngựa, đặc biệt là khi những người nổi tiếng này lại đang có mâu thuẫn với mình là một hành động không phải vô tình mà rõ ràng là có chủ đích. Việc sử dụng tên nhà báo, nghệ sĩ để gọi chó, ngựa đã xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị đặt tên.
Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Có thể xử lý hình sự?
Hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021.
Hành vi sử dụng tên của người có mâu thuẫn để đặt cho chó, ngựa nếu được thực hiện lần đầu, mang tính chất riêng lẻ, mà chưa để lại hậu quả nghiêm trọng thì khó có thể xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu gắn hành vi trên với một chuỗi các hành vi trước đó mà bà Nguyễn Phương Hằng đã thực hiện trong suốt một thời gian dài, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng, có độ phủ sóng lớn tạo nên tính chất nghiêm trọng của hành vi thì có thể xử lý hình sự.
Chuỗi các hành vi đưa thông tin sai sự thật, tố cáo không có căn cứ, kích động người dân, dùng ngôn ngữ thiếu văn hoá chửi bới trên mạng xã hội, sử dụng tên của người có mâu thuẫn để đặt cho động vật… có thể xử lý hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
“Những hành vi này cần phải được xử lý nghiêm và triệt để, không chỉ đảm bảo công bằng cho người bị hại, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn mang tính chất răn đe, trừng trị đối tượng phạm tội, trả lại một môi trường mạng lành mạnh, văn minh cho người sử dụng”, Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang nhấn mạnh.
PV