/ Kết nối
/ Tử vong sau phẫu thuật thẩm mĩ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Tử vong sau phẫu thuật thẩm mĩ: Trách nhiệm thuộc về ai?

19/03/2022 14:19 |

(LSVN) – Hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh gây ra hậu quả làm chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” với mức hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ảnh minh họa. 

Theo thông tin từ Công an quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội), cơ quan này đang điều tra nguyên nhân khiến nạn nhân P.T.D.H. (22 tuổi, quê Long An) tử vong nghi do liên quan việc nâng mũi tại một cơ sở làm đẹp không được cấp giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ ở ngõ 174 phố Tân Mai, phường Tương Mai.

Theo thông tin ban đầu, có cơ sở này do H.M.P. (28 tuổi, ở Hà Nội) làm chủ. Chiều 14/01/2022, P.T.D.H. đến thực hiện nâng mũi. Quá trình phẫu thuật, H. có biểu hiện bất thường về sức khỏe và hôn mê nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau 2 tháng nằm viện, cô gái đã này qua đời.

Xử lý thế nào?

Về sự việc nêu trên,  Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, khoản 5 Điều 23a Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Y tế quy định: Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh.

Hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh gây ra hậu quả làm chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” với mức hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, chấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Về trách nhiệm bồi thường, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều Trang nhận định, căn cứ vào các Điều 584, 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015, người có hành vi xâm phạm tới tính mạng, sức khoẻ của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Như vậy, người vi phạm quy định về khám chữa bệnh phải bồi thường cho nhân thân của người bị tử vong.

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được xác định bao gồm: Chi phí cấp cứu; Thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại và của người thăm nuôi; Chi phí mai táng; Chi phí cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Bồi thường tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 45 Nghị định 109/2016/NĐ-CP về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định: Sở Y tế gửi văn bản thông báo cho Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) và phòng y tế cấp huyện nơi có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động đặt trụ sở trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày cấp giấy phép hoạt động. Sở Y tế đăng tải danh sách cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động thuộc thẩm quyền lên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế.

Như vậy, danh sách các cơ sở khám chữa bệnh (bao gồm cả những cơ sở thực hiện hoạt động thẩm mỹ được cấp phép) được đăng tải thông tin công khai lên trang thông tin điện tử. Do đó, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Phòng Y tế cấp huyện phải biết về việc trên địa bàn mình quản lý có bao nhiêu cơ sở được cấp phép hoạt động, cơ sở nào hoạt động không phép. Các cơ sở thực hiện hoạt động thẩm mỹ thường nằm ở mặt tiền đường chính, dựng biển quảng cáo bắt mắt nên không thể có chuyện cán bộ quản lý không nắm được địa bàn.

Phòng Y tế cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp huyện là đơn vị phải chịu trách nhiệm chính trong việc để cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép hoạt động trên địa bàn mình quản lý mà không phát hiện. Hình thức bị xử lý kỷ luật có thể là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc tuỳ theo mức độ vi phạm được quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ/CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

PV

Nghiên cứu chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sang nhóm B

Lê Minh Hoàng