/ Pháp luật - Đời sống
/ Sẽ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố mới kịp thời

Sẽ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố mới kịp thời

20/06/2025 15:06 |20 ngày trước

(LSVN) - Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, thời gian tới sẽ tập trung bố trí, sắp xếp trụ sở; xử lý hiệu quả trụ sở dôi dư; quyết định việc chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố mới kịp thời.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội, trước khi bắt đầu trả lời chất vấn, sáng 20/6.

Theo đó, phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng cho hay, từ 01/7 nước ta sẽ chính thức vận hành chính quyền địa phương 02 cấp.

Để thực hiện nhiệm vụ này, trong 06 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp của Chính phủ đã định hướng sắp xếp, tổ chức lại địa giới, trung tâm hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương; chỉ đạo việc thực hiện phân cấp, phân quyền, hướng dẫn cụ thể về tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm và quy trình sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đúng quy định, đồng thời ổn định tâm lý và tạo động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ sau sáp nhập.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy vận hành chính quyền địa phương hai cấp ngay từ 01/7/2025, Chính phủ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là về các lĩnh vực ưu tiên, cấp bách.

Bên cạnh đó, quản lý tổng biên chế năm 2025 được giao, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đồng thời, thực hiện bố trí, sắp xếp trụ sở, phương tiện và điều kiện làm việc của các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã mới; rà soát, thống kê xử lý hiệu quả tài sản công và trụ sở dôi dư sau sắp xếp, hợp nhất; Quyết định chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố mới kịp thời.

Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn dành nhiều thời gian, nguồn lực trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, coi đây là “đột phá của đột phá” để tạo ra các động lực tăng trưởng mới, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững.

Tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội số lượng luật, nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay tại 01 Kỳ họp với 42 luật, nghị quyết, trong đó trình xem xét, thông qua 39 luật, nghị quyết với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, tháo gỡ các điểm nghẽn để huy động mọi nguồn lực cho phát triển KTXH. Chính phủ ban hành Nghị quyết 140/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bảo đảm hài hòa yêu cầu quản lý nhà nước và khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng quy định hướng dẫn các Luật mà Quốc hội mới ban hành là rất nặng nề. Trong năm 2025, Chính phủ sẽ tập trung rà soát, tăng cường phối hợp để hoàn thiện hệ thống pháp luật; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thường xuyên đôn đốc, tổ chức kiểm tra việc thực hiện, xử lý trách nhiệm trong trường hợp chậm ban hành văn bản hướng dẫn…

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng báo cáo trước Quốc hội về các giải pháp tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm quốc gia; triển khai và khởi công các công trình trọng điểm mới; công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Việc tháo gỡ, xử lý các dự án vướng mắc, tồn đọng; Về phát triển nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, những kết quả và nỗ lực nêu trên là tiền đề quan trọng để chúng ta tăng tốc trong những tháng cuối năm, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, đảm bảo các cân đối lớn và củng cố niềm tin của xã hội.

TRẦN QUÂN (t/h)

Các tin khác