/ Nghề Luật sư
/ Lễ dâng hương tri ân Luật sư Phan Văn Trường và Luật sư Phan Anh

Lễ dâng hương tri ân Luật sư Phan Văn Trường và Luật sư Phan Anh

24/09/2023 18:54 |

(LSVN) - Ngày 24/9/2023, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phan và Thân hữu phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Luật sư Việt Nam, Trung tâm Unesco Khoa học pháp lý và Bản quyền tác giả Việt Nam đã tổ chức Lễ Dâng hương tri ân Luật sư Phan Văn Trường và Luật sư Phan Anh, cùng các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Mai Dịch.

Tham dự buổi lễ có Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các tổ chức hành nghề Luật sư, các Luật sư và đông đảo con, cháu họ Phan.

Lễ dâng hương tri ân Luật sư Phan Văn Trường.

Đây là hoạt động nhằm tri ân công lao các Luật sư tiền bối, nằm trong chuỗi chương trình Kỷ niệm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.

Buổi lễ dâng hương diễn ra với các hoạt động: Dâng hương tri ân tại lăng mộ Luật sư Phan Anh, các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Mai dịch và Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường tại Nhà thờ thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Lễ dâng hương Luật sư Phan Anh và các Anh hùng Liệt sĩ.

Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường (1876 - 1933) là Luật sư tiên phong trong nghề Luật sư tại Việt Nam. Với học thức uyên bác, lòng yêu nước sâu sắc, ông là một trong những tấm gương sáng, là niềm tự hào cho các Luật sư thế hệ sau noi theo.

Ông từng cùng nhà yêu nước Phan Chu Trinh sáng lập “Hội đồng bào thân ái” – Hội người Việt đầu tiên có các hoạt động yêu nước. Ngoài ra, ông cùng nhà yêu nước Nguyễn An Ninh xuất bản Báo Chuông rè và Nước Nam bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn. Ông cũng cho đăng một số bài trên các Báo Người cùng khổ, Nhân đạo, Diễn đàn thông tin quốc tế. Đặc biệt, ông là người đầu tiên đăng Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Marx và Engels trên báo.

Luật sư Phan Anh (01/3/1912 – 28/6/1990) sinh tại làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê nổi tiếng “địa linh nhân kiệt” và rất giàu truyền thống yêu nước.

Ông sớm tham gia vào các hoạt động xã hội yêu nước và sau cách mạng Tháng 8 đã được mời tham gia Chính phủ Liên hiệp quốc gia trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… 

Sau cách mạng Tháng 8/1945, Luật sư Phan Anh đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Tổng Thư ký phái đoàn Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dự Hội nghị Phôngtennơblô (06/7 - 13/9/1946).

Từ năm 1947 - 1976 là Bộ trưởng Bộ: Kinh tế, Công thương, Thương nghiệp, Ngoại thương; Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977 - 1990); Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Uỷ viên Thường vụ Hội Luật gia dân chủ quốc tế (1955 - 1990); Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Việt Nam (1976 - 1986); Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới (1978 - 1990).

Ông là Đại biểu Quốc hội khóa II - VIII, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII; được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Kỷ niệm chương “Bảo vệ hòa bình” của Liên hợp quốc, Huy chương Vàng Giôliô Quyri của Hội đồng Hòa bình thế giới.

PV

Tạp chí Luật sư Việt Nam ra mắt Văn phòng đại diện khu vực Bắc Trung bộ

Nguyễn Hoàng Lâm