Văn bản số 301/LÐLSVN-GSHTLS về việc xem xét, giải quyết Đơn khiếu nại của các Luật sư.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa ban hành Văn bản số 301/LÐLSVN-GSHTLS về việc xem xét, giải quyết Đơn khiếu nại của các Luật sư: Lê Ngọc Luân, Võ Thị Anh Loan, Nguyễn Minh Quân gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Văn bản nêu rõ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được Đơn khiếu nại đề ngày ngày 25/6/2024 của các Luật sư Lê Ngọc Luân, Võ Thị Anh Loan, Nguyễn Minh Quân, (thành viên Công ty Luật TNHH Chìa Khóa Vàng thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM) đề nghị Liên đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam có ý kiến bảo vệ quyền hành nghề của Luật sư thành viên.
Theo phản ánh trong đơn, các Luật sư Lê Ngọc Luân, Võ Thị Anh Loan và Nguyễn Minh Quân đăng ký thủ tục là những người bào chữa cho ông Trần Đình Quân, người bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng khởi tố về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Ngày 14/5/2024, Luật sư Lê Ngọc Luân trực tiếp đến nộp hồ sơ đăng ký người bào chữa tại trụ sở Công an thành phố Đà Nẵng. Ngày 21/5/2024 (một tuần sau), sau rất nhiều lần đi lại và gặp nhiều trở ngại, các Luật sư mới nhận được Thông báo người bào chữa.
Các Luật sư đã liên hệ với Điều tra viên và 02 lần gửi văn bản “Thông báo và đề nghị gặp bị can” đến cơ quan tiến hành tố tụng và Trại tạm giam của Công an thành phố Đà Nẵng đề nghị giải quyết cho gặp bị can Trần Đình Quân vào các thời gian xác định ghi trong văn bản nhưng không nhận được phản hồi từ các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ngày 21/6/2024, Luật sư Lê Ngọc Luân đến Trại tạm giam để làm thủ tục xin gặp bị can như thông báo đã gửi trước đó, nhưng đã không được cán bộ Trại tạm giam giải quyết cho gặp bị can với lý do Cơ quan Cảnh sát điều tra đã gửi văn bản cho Trại tạm giam, không cho Luật sư gặp bị can trừ khi có giám sát của Điều tra viên. Trại tạm giam còn nêu lý do là chưa nhận được thông báo người bào chữa từ cơ quan Cảnh sát Điều tra. Luật sư Lê Ngọc Luân có yêu cầu cán bộ Trại tạm giam lập biên bản việc Trại tạm giam không cho Luật sư gặp bị can nhưng lại không giao biên bản cho Luật sư.
Ngoài ra, các Luật sư có trình bày trong Đơn khiếu nại và đề nghị Lãnh đạo Công an thành phố Đà Nẵng xem xét và làm rõ dấu hiệu về hành vi cản trở quyền hành nghề của Luật sư, dẫn đến việc các Luật sư phải đi lại nhiều lần, phát sinh chi phí thực tế và yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần (bao gồm chi phí vé máy bay, khách sạn, phương tiện đi lại...).
Căn cứ các quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự; Khoản 1, Điều 12, Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019; Khoản 2, Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018; Khoản 3, Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy, nếu các nội dung phản ánh của các Luật sư là xác thực, việc chậm trễ trong việc cấp Thông báo đăng ký bào chữa, không bố trí, giải quyết cho Luật sư gặp bị can của cán bộ Trại tạm giam và Cơ quan Cảnh sát điều tra thành phố Đà Nẵng là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây cản trở, khó khăn cho Luật sư trong quá trình hành nghề.
Vì vậy, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chuyển đơn cùng tài liệu kèm theo của các Luật sư đến các cơ quan có thẩm quyền, đề nghị kiểm tra, xem xét và có ý kiến chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ Luật sư tham gia tố tụng.
PV