/ Nghề Luật sư
/ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác với Đoàn Luật sư Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác với Đoàn Luật sư Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

18/05/2023 10:47 |

(LSVN) - Ngày 17/5/2023, tại trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã diễn ra chương trình làm việc và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào.

TS. LS. Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch LĐLSVN và ông Voratsamy Soulipaphanh, Chủ tịch Đoàn Luật sư CHDCND Lào.

Đến dự chương trình làm việc, về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) có TS. LS. Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch LĐLSVN; các Phó Chủ tịch LĐLSVN, gồm: LS. Nguyễn Thị Quỳnh Anh, TS. LS. Phan Trung Hoài, TS. LS. Lưu Tiến Dũng, TS. LS. Đào Ngọc Chuyền; LS. Trần Tuấn Phong - Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế (QHQT); Luật sư Nguyễn Xuân Anh, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng LĐLSVN; Nhà báo Đặng Ngọc Luyến - Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam; và các Luật sư đại diện các ủy ban, cơ quan thuộc LĐLSVN.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Về phía ĐLS CHDCND Lào có ông Voratsamy Soulipaphanh - Chủ tịch; các Phó Chủ tịch: Ông Nivanh Somsengdy, bà Lamngeun Khatsavang; ông Viengsavanh Phanthaly - Chủ nhiệm Ủy ban Điều tra kiêm phụ trách hoạt động Hợp tác quốc tế; ông Saisamone Sioudomphanh - Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển nghề Luật sư; ông Viengthong Boulaphanh - Thành viên Ban Chủ nhiệm ĐLS Lào, Cán bộ Ủy ban Phát triển nghề nghiệp; bà Davanh Bounmixay - Thành viên Ban Chủ nhiệm ĐLS Lào; ông Souvanno S.Phabmixay - Luật sư thành viên; ông Chomkham Bouphallivanh - Vụ trưởng Vụ Tăng cường hệ thống tư pháp; ông Bounmy Bouphalivanh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; bà Sommany Sihathep - Phòng Quản trị, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Lào (UNDP); bà Thipphasone Luangaphay - Cán bộ Dự án nghề Luật sư, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Lào (UNDP).

Đại biểu ĐLS Lào tham dự buổi làm việc.

Phát biểu khai mạc chương trình làm việc, TS. LS. Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch LĐLSVN cho rằng, những thành quả quan trọng của quan hệ hợp tác giữa ngành tư pháp hai nước đã đóng góp quan trọng vào mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào. Với nhiều nét tương đồng về chính trị, thể chế nhà nước và hệ thống pháp luật, mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Lào đã tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, đóng góp vào việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

TS. LS Đỗ Ngọc Thịnh, và TS. LS. Lưu Tiến Dũng tại buổi Lễ ký Thỏa thuận hợp tác.

TheoTS. LS Đỗ Ngọc Thịnh, có nhiều lý do để 2 Hiệp hội cần gắn kết với nhau. Thông qua đó, sẽ không những tạo cơ hội cho đội ngũ Luật sư 2 nước giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao trình độ; đồng thời, đội ngũ Luật sư có thể cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp và các chủ thể xã hội khác. Từ đó, góp phần vào việc củng cố, mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân giữa 2 nước phù hợp với đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Việt Nam và pháp luật Lào.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Voratsamy Soulipaphanh - Chủ tịch ĐLS Lào cho biết, ĐLS Lào rất vinh dự và phấn khởi khi được Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp đón nồng nhiệt và ấm áp. Cũng theo vị Chủ tịch, đến với buổi làm việc ngoài việc học tập, trao đổi kinh nghiệm quý báu, còn ký kết thỏa thuận hợp tác giữa LĐLSVN và ĐLS Lào theo đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước hai bên.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề về hệ thống chứng nhận, đào tạo bồi dưỡng và thúc đẩy phát triển nghề Luật sư và mạng lưới kết nối các Luật sư; xây dựng mạng lưới kết nối giữa các Luật sư trong nước, Luật sư giữa hai nước Việt - Lào, kết nối phạm vi quốc tế.

Theo TS. LS. Lưu Tiến Dũng - Phó Chủ tịch LĐLSVN, để trở thành Luật sư tại Việt Nam là một quá trình phấn đấu, không ngừng nỗ lực, học hỏi từ khi bước chân vào giảng đường đại học cho đến khi được LĐLSVN cấp thẻ Luật sư.

Theo đó, để trở thành Luật sư thì phải trải qua các bước, như: Đào tạo cử nhân luật; tham gia khóa đào tạo nghề Luật sư do Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp tổ chức; tập sự hành nghề Luật sư; tham dự kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức...

Cũng tại buổi làm việc, TS. LS. Lưu Tiến Dũng - Phó  đã trình bày các vấn đề về công tác đào tạo, bồi dưỡng Luật sư.

Theo đó, LĐLSVN đã thành lập Ủy ban Đào tạo, bồi dưỡng với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng Luật sư. LĐLSVN cũng thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư Việt Nam, Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế Việt Nam... để trực tiếp tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng bắt buộc cho Luật sư theo quy định.

Về công tác đào tạo nghề Luật sư, theo quy định của Luật Luật sư, LĐLSVN có chức năng đào tạo nghề Luật sư. Hiện nay, LĐLSVN đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để thành lập Trường đào tạo Luật sư trực thuộc LĐLSVN, để có thể bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề Luật sư từ cuối năm 2016 theo quy định tại “Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020”, được phê duyệt bởi Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Đề án thành lập Trường đã xây dựng xong, đang chờ Bộ Tư pháp phê duyệt. Sau khi được Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án thì LĐLSVN sẽ triển khai ngay nhiệm vụ đào tạo nghề Luật sư.

Về công tác bồi dưỡng Luật sư được triển khai ở cấp Liên đoàn và ĐLS. Hàng năm, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư Việt Nam và Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế Việt Nam trực thuộc LĐLSVN xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng trình Ban Thường vụ LĐLSVN phê duyệt trước khi thực hiện. Các ĐLS lập kế hoạch bồi dưỡng hàng năm báo cáo LLĐLSVN trước khi thực hiện. Ngoài ra, LĐLSVN còn xây dựng tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ bên cạnh việc tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho Luật sư. LĐLSVN đã xây dựng và phát hành các tập bài giảng, tài liệu chuyên khảo về kỹ năng hành nghề Luật sư để các Luật sư tự nghiên cứu, học hỏi nâng cao nghiệp vụ. Bên cạnh đó, cũng nêu ra các giải pháp phát triển về số lượng, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư.

Về kết nối mạng lưới Luật sư, theo TS. LS. Lưu Tiến Dũng thì LĐLSVN có nhiệm vụ kết nối mạng lưới Luật sư trong nước; thông qua các tọa đàm, hội thảo chuyên môn; Câu lạc bộ Luật sư (trong đó có Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế Việt Nam; CLB Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, trực thuộc ĐLS TP. Hồ Chí Minh; Câu lạc bộ Luật sư trẻ, trực thuộc ĐLS thành phố Hà Nội; mạng lưới kết nối Luật sư Việt Nam và quốc tế...

Cũng tại buổi làm việc, TS. LS. Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch LĐLSVN đã khái quát chung về hệ thống tư pháp Việt Nam.

TS. LS. Phan Trung Hoài đã nhấn mạnh về việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp đã và vẫn đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay. Điều này đã được thể hiện trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

LS. TS Phan Trung Hoài và LS. TS. Đào Ngọc Chuyền tại buổi Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác.

Trên thực tế, cơ quan tư pháp thường được hiểu là các cơ quan nhà nước thực hiện quyền tư pháp và cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp, một trong ba quyền của quyền lực nhà nước (quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp). Trong hệ thống các cơ quan tư pháp thì Tòa án là trung tâm, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp được ghi nhận tại Điều 102  Hiến pháp năm 2013 - Văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất; Viện Kiểm sát nhân dân cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được ghi nhận tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013.

Bên cạnh đó, TS. LS. Phan Trung Hoài cũng trình bày về cơ chế hợp tác giữa LĐLSVN với các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an và Bộ Tư pháp của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng trao đổi về việc xây dựng kế hoạch hoạt động, công tác quản lý phân bổ tài chính trong hoạt động Luật sư; nâng cao năng lực và vai trò của nữ Luật sư trong hoạt động hành nghề; cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động và quan hệ với các ĐLS địa phương; cung cấp dịch vụ pháp lý và trợ giúp pháp lý cho người dân.

Nhằm tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Lào, góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị đặc biệt, tăng cường sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc Việt Nam và Lào; mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực Luật sư và quản lý Luật sư giữa Việt Nam và Lào, góp phần nâng cao năng lực hành nghề Luật sư và hoạt động tự quản của tổ chức Luật sư của mỗi nước; Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nhất trí ký kết Thỏa thuận hợp tác với 07 điều.

Hai Bên ký kết Thỏa thuận hợp tác.

Trong đó, nguyên tắc hợp tác phải phù hợp với pháp luật của mỗi nước, các Bên sẽ hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau theo các quy định của Thỏa thuận này và của pháp luật mỗi nước, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mỗi Bên và phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là thành viên.

Hai Bên tặng quà lưu niệm tại buổi Lễ.

Đối với các lĩnh vực hợp tác, Thỏa thuận nêu rõ, các Bên tăng cường quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực: Trao đổi thông tin, cung cấp cho nhau những thông tin liên quan đến tổ chức, hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư phù hợp với quy định của pháp luật của mỗi Bên; trao đổi kinh nghiệm về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư, về thực tiễn hành nghề Luật sư, kỹ năng tranh tụng, đại diện trước Tòa án và tư vấn pháp luật của Luật sư; trao đổi kinh nghiệm về việc tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thực thi pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến Luật sư; các nội dung hợp tác khác mà hai Bên cùng quan tâm, phù hợp với pháp luật của mỗi nước và chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bên.

Thỏa thuận cũng đã nêu rõ các hình thức hợp tác, kinh phí hoạt động, và hình thức chấm dứt Thỏa thuận.

Hai Bên cùng chụp ảnh lưu niệm.

Việc Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký kết Thỏa thuận hợp tác đánh dấu bươc tiến mới trong công tác phối hợp quản lý, trao đổi kinh nghiệm... liên quan đến các hoạt động Luật sư. Đồng thời, đánh dấu sự phát triển trong công tác mở rộng mối quan hệ quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

SỸ THÀNH - NGUYỄN SƠN

Nguyễn Thành Trung