/ Góc nhìn
/ Lợi dụng nghề nghiệp phạm tội lừa đảo

Lợi dụng nghề nghiệp phạm tội lừa đảo

14/12/2023 06:36 |

(LSVN) - Nhân danh việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phụng sự công lý mà phản bội sứ mệnh của chính mình là hành vi không những bị pháp luật trừng phạt mà về mặt đạo lý, dư luận xã hội không những lên án gay gắt mà còn khinh khi, dè bỉu

Ảnh minh họa. 

Mới đây, một nữ Luật sư ở Nghệ An đã bị khởi tố về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Người này thành lập công ty đấu giá tài sản đưa ra những thông tin giả để lừa một phụ nữ chiếm đoạt 3,5 tỉ đồng. Công an đề nghị những ai là nạn nhân của trò lừa đảo đến cơ quan điều tra cung cấp thông tin.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên và hãn hữu của việc Luật sư lợi dụng nghề nghiệp, mượn danh pháp luật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, thậm chí đối với cả thân chủ của mình. Có cả những Luật sư núp bóng pháp luật tổ chức hành nghề đòi nợ thuê bằng những thủ đoạn sặc mùi xã hội đen. Những hành vi như vậy không những bị pháp luật trừng phạt mà về mặt đạo lý, dư luận xã hội không những lên án gay gắt mà còn khinh khi, dè bỉu. Nhân danh việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phụng sự công lý mà phản bội sứ mệnh của chính mình. 

Rất đáng lo ngại về tình trạng hiện hữu khá phổ biến trong xã hội chúng ta việc lợi dụng nghề nghiệp để làm ăn phi pháp, chống lại và làm hoen ố chính nghề nghiệp mà mình theo đuổi và phụng sự đã xảy ra khiến đạo lý xuống cấp trầm trọng và gây ra bất ổn xã hội, bất an lòng dân. Dẫn chứng từ thực tế rất nhiều, liệt kê không xuể. Chẳng hạn như kiểm lâm thông đồng với lâm tặc, hải quan chống lưng buôn lậu, thuế vụ cưa đôi với gian thương, Công an bảo kê xã hội đen, địa chính lừa cấp sổ đỏ giả, Bác sĩ lừa bệnh nhân, ngành dược nhập thuốc “không dùng cho người”…

Mới đây, rộ lên các hình thức lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng, nhân viên lừa người gửi tiết kiệm để chiếm đoạt tiền bạc của họ, lừa mua bảo hiểm, ngân hàng lừa trái chủ bằng trái phiếu ảo. Tình trạng này phổ biến và “hiệu quả” đến độ bọn lưu manh bắt chước, giả mạo Công an, Cảnh sát, nhà mạng, cán bộ sĩ quan quân đội, người nhà lãnh đạo, ngân hàng, bưu điện... để tống tiền và chúng đã thành công, có người mất trắng hàng tỉ đồng.

Những quy tắc đạo đức nghề nghiệp được quán triệt thường xuyên, tiêu chuẩn hành nghề luôn luôn được coi trọng và xác định là một phần không thể thiếu của nhân cách sống làm người, có thể ai cũng thấm nhuần nhưng thực hiện thì không. Đó chính là biểu hiện rõ ràng nhất của đạo lý xuống cấp, nền tảng đạo lý lung lay, mọi mối quan hệ xã hội bị chi phối mạnh mẽ bởi kim tiền.

Thay đổi được tình trạng này cần đến một quá trình dài lâu, trước mắt là sự phát hiện kịp thời và trừng phạt thích đáng của pháp luật, tiếp nối và song song là việc trau dồi nhận thức, văn hóa ứng xử và cái cơ bản, căn nguyên là giáo dục nhân cách làm người từ trong gia đình đến nhà trường, tạo lập một môi trường xã hội mà lương thiện luôn luôn được coi là phẩm giá số một để làm người. 

  NHỊ NGỌC

Tổng cục Thuế yêu cầu xử lý các hồ sơ đề nghị hoàn thuế còn tồn đọng

Nguyễn Mỹ Linh