/ Góc nhìn
/ Lo ngại đứt gãy chuối cung ứng hàng hóa vì đại dịch – Công cụ pháp lý là chìa hay là khóa?

Lo ngại đứt gãy chuối cung ứng hàng hóa vì đại dịch – Công cụ pháp lý là chìa hay là khóa?

25/08/2021 23:00 |

(LSVN) - Những ngày qua chứng kiến nhiều địa phương, bao gồm các trung tâm kinh tế hàng đầu phía Nam, phải kìm hãm gần như mọi hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội chống dịch. Hàng hóa di chuyển hoặc chậm chạp, hoặc ngừng trệ. Chợ, trung tâm thương mại, siêu thị,… phong tỏa rồi mở, mở rồi phong tỏa. Từng miếng thịt, củ hành, bó rau trở nên trân quý lạ lùng.

Thế khó của chuỗi cung ứng hàng hóa

Không cần là một chuyên gia kinh tế cũng thấy rằng trước đại dịch Covid-19, chưa từng có nguy cơ nào đặt ra cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa Việt Nam nhiều thử thách như vậy. Khách hàng ngần ngại trong mọi giao dịch, từ vi mô cho đến vĩ mô. Các tổ hợp phương thức phân phối đa dạng và hiệu quả trước đây nay bị “bóp” lại chỉ còn 02 kênh cơ bản: “giao hàng tận nơi” và “bán tại cửa hàng thiết yếu”. Nhưng không phải lúc nào những kênh này cũng có thể vận hành hiệu quả. Hàng hóa bị kẹt tại cảng, kho bãi; hoặc nếu có được thông tại trạm này thì vẫn có thể bị kẹt lại ở một trạm khác khi có địa phương nào đó quá cẩn trọng. Mặt bằng chung là doanh thu đi xuống, thu nhập giảm sút, quan trọng hơn cả là dòng tiền chững lại, trong khi gánh nặng chi phí (cơ sở vật chất, nguyên liệu, thuế phí, nhân công,…) vẫn nằm sừng sững trong sổ sách. Một ngàn lẻ một lý do khiến người quản lý doanh nghiệp đau đầu khi giải bài toán kinh doanh trong đại dịch.

Trong khi gồng gánh nhiều thứ, doanh nghiệp còn cần phải quan tâm sức khỏe của người lao động khi duy trì sản xuất kinh doanh, bởi dù muốn dù không, sức khỏe người lao động chính là “sức khỏe” của doanh nghiệp. Các sáng kiến được nêu ra như chia nhóm làm việc, một cung đường 02 điểm đến, 03 tại chỗ, rồi 02 tại chỗ… nhưng không phương án nào toàn diện cho việc đảm bảo 100% năng lực vận hành. Không thể vận hành đúng năng lực cũng có nghĩa là doanh nghiệp không thể tự chủ được trong việc hoàn thành đơn hàng, cũng như không có khả năng tự định đoạt trong giao dịch. Phá vỡ cam kết là lựa chọn cuối cùng được cân nhắc.

Nhưng một khi đưa ra, quyết định này sẽ không còn chỉ là về cam kết hay thương tín – vốn là thước đo thành bại kinh doanh, mà còn là sự tan vỡ quan hệ hợp tác trong chuỗi cung ứng. Mất nguồn hàng, mất đầu ra - tranh chấp có thể xảy ra. Nhưng khi mà dịch bệnh là lý do “không thể hợp lý hơn” để biện minh và các phương thức giải quyết tranh chấp gần như đóng băng (Tòa án, cơ quan trọng tài, hòa giải buộc phải hạn chế hoạt động), không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ kiên nhẫn (và khả năng) để duy trì cho đến khi vấn đề được giải quyết. Một khi mọi thứ trở nên ngoài tầm kiểm soát, các doanh nghiệp ngập ngừng trước 02 cánh cửa - tồn tại hoặc không tồn tại.

Doanh nghiệp chính là thành tố quan trọng nhất, là hơi thở của chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng sẽ “mất lực” nếu thành tố đó bất hoạt. Việt Nam có lẽ đang chứng kiến giai đoạn mất lực nhất của chuỗi cung ứng trong những năm gần đây.

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê ghi nhận trong 07 tháng đầu năm 2021 gần 80 ngàn doanh nghiệp ngừng kinh doanh và giải thể trên cả nước. Con số này tăng hơn 1/4 so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều doanh nghiệp (đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ) đã không thể vượt qua được cơn sóng dữ đại dịch. Vai trò chủ chốt được đẩy lên vai các “ông lớn” có đủ lực và đủ quy mô để gánh vác. Nhưng đó cũng chỉ là một sự lựa chọn mong manh trong bối cảnh “không ai dám nói trước điều gì” giữa đại dịch…

Một công ty cung ứng sản phẩm thịt heo lớn nhất nhì phía Nam đột ngột thông báo về khả năng tạm ngừng cung ứng cho TP.HCM vì xuất hiện một số ca nhiễm nội bộ. Dù vấn đề đã được giải quyết kịp thời nhưng điều này vẫn là một minh họa cho việc chuỗi cung ứng sản phẩm có thể đang bị lệ thuộc và phân mảnh do tác động của dịch bệnh. Rủi ro vỡ trận cục bộ là có thật nếu không được bảo vệ một cách hợp lý. Hệ quả của điều này rất khó hình dung được hết, nhưng chịu ảnh hưởng nặng nhất chắc chắn là doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Vai trò chủ đạo của công cụ pháp lý Nhà nước trong gỡ khó cho chuỗi cung ứng

Ở thế khó, các doanh nghiệp mong chờ cứu cánh từ chính quyền để không phải tiếp tục "dò dẫm trong đêm". Như bệnh nhân cần oxy khi bệnh trở nặng, đây là thời điểm then chốt để chính quyền đưa những “máy thở” phù hợp nhất cho chuỗi cung ứng đang phải đối diện với quá nhiều rủi ro. “Máy thở” ở đây chính là công cụ pháp lý mà Nhà nước cần sớm đưa ra để can thiệp và cứu chữa.

Ứng phó diễn biến của đại dịch, Chính phủ  đã có những biện pháp và hành động cấp thiết nhưng hết sức cẩn trọng để giải quyết các vấn đề phát sinh từng thời điểm. Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 minh thị rất rõ người dân được phép ra ngoài mua sắm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các hàng hóa này cũng được phép di chuyển để đảm bảo người dân có thể tiếp cận trong thời gian cách ly xã hội.

Khi mà một số ít địa phương, vì thiếu kinh nghiệm khi lần đầu dập dịch, còn đang loay hoay trong cách tiếp thu, giải thích tinh thần và chính sách của trung ương, Bộ Công thương đã ban hành các Công văn số 4349/BCT-TTTN và số 4481/BCT-TTTN lần lượt vào các ngày 21 và ngày 27 tháng 7 năm 2021 thống nhất xác định các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để cho phép lưu thông trên địa bàn cả nước khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. Những văn bản trên được xem như “cơn mưa rào ngày nắng hạ” cho những doanh nghiệp kinh doanh ngành cung ứng sản phẩm thiết yếu. Từ tâm thế lo sợ dòng di chuyển hàng hóa thiết yếu có thể bị chặn bất kỳ lúc nào, doanh nghiệp đã có thể yên tâm vận hành bánh xe luân chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi phân phối.

Cũng từ tinh thần tiếp thu ý kiến của nhân dân cũng như doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan ban ngành đã tích cực phối hợp để đưa ra những hướng dẫn thực tế  để đảm bảo hàng hóa được lưu thông, giải quyết tình trạng hàng hóa ùn ứ hoặc bị rẽ nhánh. Các sáng kiến được đưa ra như “luồng xanh” vận tải, áp dụng công nghệ trong kiểm soát lưu thông, miễn kiểm tra nội tỉnh,…  được tiếp thu, xây dựng một cách tích cực. Các văn bản Nhà nước liên tục được phát hành cho mục tiêu phối hợp và thực thi các chính sách đó (Công văn số 5187/VPCP-CN ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ, Công văn số 1015/TTg-CN ngày 25 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 5753/BYT-MT và số 5886/BYT-MT ngày 19 và ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Bộ Y tế, Công văn số 7630/BGTVT-VT ngày 27 tháng 07 năm 2021 của Bộ GTVT, Công văn số 5222/TCĐBVN-VT ngày 25 tháng 7 năm 2021 của Tổng Cục đường bộ…), chứng tỏ Nhà nước đã và đang dồn mọi sự tập trung cho mục tiêu kép.

Những liều thuốc tiên khởi được đưa vào liệu trình điều trị triệu chứng cho chuỗi cung ứng hàng hóa và những liều thuốc ấy đang phát huy tác dụng. Những phương cách để tăng cường sức đề kháng và giúp doanh nghiệp đứng vững như miễn giảm thuế, giảm mức đóng BHXH cũng đã được cân nhắc và triển khai. Có thể kể đến như Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội, Thông báo 209/TB-VPCP ngày 05 tháng 8 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đã có những hân hoan nhất định dẫu còn muôn vàn nỗi lo. Tất cả điều đó khẳng định vai trò to lớn của công cụ pháp lý Nhà nước trong mục tiêu bảo vệ chuỗi cung ứng hàng hóa, bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp và người dân.

Dịch bệnh còn khó lường, cuộc chiến chống dịch còn gian nan. Để đưa nền kinh tế nói chung và chuỗi cung ứng hàng hóa nói riêng trở về trục quay vốn có sẽ là chặng đường trường kỳ và gai góc. Tháo gỡ, giải bài toán khó ở mỗi thời điểm, ngoài những biện pháp mang tính cấp thời và trực tiếp, các doanh nghiệp có xu hướng mong chờ những công cụ pháp lý Nhà nước mang tính bao phủ và dài hơi hơn như các kế hoạch chung, chương trình hành động, hoặc thậm chí luật (ví dụ như luật quản lý thảm họa như một số quốc gia trên thế giới áp dụng)... Từ đó chính doanh nghiệp có thể dựa vào để xây dựng kế hoạch kinh doanh, ứng phó cụ thể của mình. Nhờ vậy, chính quyền và doanh nghiệp có thể có được sự đồng điệu xuyên suốt trong việc triển khai những định hướng, chính sách chung. Ở góc độ cẩn trọng, chính quyền cũng cần có sự khéo léo, linh hoạt trong việc xây dựng công cụ pháp lý để đạt được hiệu quả tối ưu, tránh đưa lại các “tác dụng phụ” không mong muốn.

Luật sư TRẦN HỮU TIẾN

Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers

Nhiều tỉnh, thành lùi lịch tựu trường do dịch Covid-19

Lê Minh Hoàng