Nếu chứng cứ được thu thập không đáp ứng được các thuộc tính vốn có của nó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp, nó có thể chứa đựng những thông tin không đúng với sự thật khách quan, sai lệch kết quả giải quyết vụ án và hơn nữa, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, bị hại và đương sự.
Ngoài ra, việc xác định các tình tiết của vụ án dựa trên những chứng cứ không khách quan, không liên quan hoặc được thu thập bằng những biện pháp trái pháp luật, không tuân theo trình tự, thủ tục thu thập theo quy định của pháp luật sẽ dẫn đến không kịp thời xử lý được người phạm tội, khó khôi phục lại quan hệ xã hội đã bị xâm phạm và ảnh hưởng đến anh ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chính vì vậy, bên cạnh việc quy định những gì có thật thỏa mãn những điều kiện gì sẽ được coi là chứng cứ và có giá trị pháp lý, được sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án thì vấn đề loại trừ chứng cứ cũng rất quan trọng, cần được nghiên cứu và hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành còn quy định chưa cụ thể, kĩ thuật lập pháp về loại trừ chứng cứ trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn chưa phù hợp,… Nghiên cứu pháp luật của Liên Bang Nga và Đức cho thấy, đây là những nước có các quy định về loại trừ chứng cứ khá đầy đủ, tiến bộ. Do vậy, có thể tham khảo những kinh nghiệm lập pháp của họ để đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện đối với Việt Nam về vấn đề loại trừ chứng cứ.
1. Pháp luật của Liên bang Nga, Liên bang Đức về loại trừ chứng cứ
1.1. Pháp luật hình sự Liên bang Nga
Loại trừ chứng cứ cũng là một vấn đề được Liên Bang Nga hết sức coi trọng. Liên Bang Nga là một nước điển hình trong mô hình tố tụng hỗn hợp cả tranh tụng và thẩm vấn. Việt Nam hiện nay cũng đã và đang thực hiện theo mô hình tố tụng này, khi nó thể hiện nhiều điểm ưu thế như có sự kết hợp giữa các ưu điểm của mô hình tố tụng tranh tụng và mô hình tố tụng thẩm vấn. Do đó, việc nghiên cứu và tham khảo các quy định của pháp luật hình sự Liên Bang Nga về loại trừ chứng cứ có ý nghĩa thiết thực trong việc rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện chế định này ở Việt Nam.
Tại Điều 75 của Bộ luật này có quy định các trường hợp loại trừ chứng cứ, cụ thể như sau:
Những chứng cứ được thu thập nhưng vi phạm quy định của Bộ luật này thì không được chấp nhận. Những chứng cứ không được chấp nhận không có giá trị pháp lý và không được sử dụng làm căn cứ để buộc tội cũng như chứng minh. Những chứng cứ không được chấp nhận gồm:
1, Lời khai của người bị tình nghi, bị can trong giai đoạn tố tụng trước khi xét xử mà không có sự tham gia của người bào chữa, kể cả trường hợp họ từ chối có người bào chữa và không được người bị tình nghi, bị can thừa nhận tại Tòa án;
2, Lời khai của người bị hại, người làm chứng dựa trên sự suy đoán, phỏng đoán, tin đồn cũng như lời khai của người làm chứng mà họ không thể chỉ ra được tại sao họ biết;
3, Những chứng cứ khác thu thập được nhưng vi phạm quy định của Bộ luật này.
Theo quy định trên, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) Liên Bang Nga cũng đã quy định về loại trừ chứng cứ trong một điều luật cụ thể. Tất cả các chứng mặc dù đã được thu thập, có thể nó có tính liên quan, có thể chứng minh được một hoặc nhiều vấn đề trong vụ án nhưng nếu trong quá trình thu thập chứng cứ đó mà vi phạm quy định của BLTTHS thì sẽ không được chấp nhận. Nói một cách khác nó không được coi là chứng cứ và không có giá trị chứng minh trong tố tụng hình sự.
Điều luật này cũng quy định rõ các trường hợp chứng cứ không được chấp nhận đó là lời khai của người bị tình nghi, bị can trong giai đoạn tố tụng trước khi xét xử nếu không có sự tham gia của người bào chữa, kể cả trong trường hợp họ từ chối người bào chữa. Quy định này đã góp phần bảo đảm tối đa quyền của người bị tình nghi, bị can khi những người tiến hành tố tụng lấy lời khai của họ, nếu có người bào chữa thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng bức cung, dùng nhục hình, mớm cung, khiến lời khai của họ không còn tính khách quan, trung thực nên nếu sử dụng những lời khai này để chứng minh sẽ không thể tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Sự tham gia của người bào chữa trong giai đoạn này có giá trị rất lớn về mặt tinh thần, giúp người bị tình nghi, bị can không bị quá lo sợ khi làm việc với những người tiến hành tố tụng – những người thực hiện quyền lực nhà nước, khiến họ có tâm lý thoải mái, từ đó lời khai sẽ trung thực, đúng đắn hơn. Bên cạnh đó, các lời khai được lấy trong các giai đoạn trước khi xét xử cũng không được sử dụng nếu như người bị tình nghi, bị can không thừa nhận tại Tòa án. Quy định này có một ưu điểm đó là có thể giúp người bị tình nghi, bị can có thêm cơ hội để khai lại nếu như ở các giai đoạn khác họ bị ép cung, mớm cung. Nếu như lời khai đó được ghi nhận trong các giai đoạn trước xét xử một cách hợp pháp và được họ thừa nhận tại Tòa án thì một lần nữa khẳng định lại lời khai này là khách quan và đúng sự thật.
Tại khoản 2 Điều 75 BLTTHS quy định về lời khai của người bị hại, người làm chứng. Nếu những lời khai này dựa trên phỏng đoán, suy đoán, tin đồn hoặc lời khai của người làm chứng mà họ không thể chỉ ra được tại sao họ biết. Quy định giúp đảm bảo tính khách quan của chứng cứ, chứng cứ phải là những thông tin có thật, không phải là những thông tin bịa đặt suy đoán hay tin đồn. Đó là lý do vì sao khi người làm chứng khai mà không giải thích được tại sao biết được những thông tin đó (như có mặt ở hiện trường, nhìn thấy bị can thực hiện hành vi phạm tội, can ngăn….) thì sẽ không được chấp nhận. Điều này giúp kiểm tra được tính xác thực của những lời khai đó, góp phần quan trọng vào việc tìm ra sự thật khách quan.
Khoản 3 Điều 75 BLTTHS Liên bang Nga cũng quy định những chứng khác thu thập được nhưng vi phạm quy định của BLTTHS thì cũng không có giá trị. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc các loại chứng cứ phải được thu thập theo trình tự thủ tục theo quy định của BLTTHS, có như vậy mới đảm bảo được tính hợp pháp, hạn chế tình trạng sử dụng các biện pháp vi phạm quyền con người như bí mật thư tín, bị đánh đập,…
1.2. Pháp luật hình sự Liên bang Đức
Pháp luật hình sự Liên Bang Đức cũng có một vài điểm sáng trong chế định loại trừ chứng cứ. Liên Bang Đức cũng là một nước điển hình theo kiểu mô hình tố tụng thẩm vấn, đối với kiểu mô hình tố tụng này thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng là Cảnh sát, Công tố và Tòa án. Để thực hiện trách nhiệm chứng minh tội phạm thì việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ vô cùng quan trọng, đặt ra vấn đề làm như thế nào để có hệ thống chứng cứ cần và đủ để chứng minh tội phạm nhưng vẫn đảm bảo được các thuộc tính của chứng cứ, đảm bảo được quyền của người bị buộc tội. Đương nhiên, pháp luật hình sự Liên bang Đức cũng rất coi trọng đến chế định loại trừ chứng cứ, khi nào thì một chứng cứ sẽ được chấp nhận và có giá trị chứng minh tội phạm? Khi nào sẽ không được chấp nhận? Những trường hợp bị loại trừ chứng cứ?
Điều 136a Bộ luật TTHS Liên Bang Đức quy định về nguyên tắc loại bỏ chứng cứ được thu thập bằng các biện pháp bất hợp pháp, như các phương pháp bị cấm khi lấy lời khai như:
1, Quyền tự do của bị cáo trong suy nghĩ và trình bày quan điểm của mình sẽ không bị tác động bởi việc đối xử tàn tệ, gây mệt mỏi, can thiệp về thể chất, sử dụng thuốc, hành hạ, lừa dối hoặc thôi miên. Cưỡng chế chỉ được sử dụng trong phạm vi luật tố tụng hình sự cho phép. Cấm việc đe dọa bị can bằng những biện pháp không được pháp luật cho phép hoặc đưa ra lời hứa hẹn về những thuận lợi không được Luật này quy định. (1)
Theo quy định này, việc lấy lời khai của bị cáo phải được thực hiện theo trình tự thủ tục nhất định và cấm thực hiện các hành động nhằm lấy được lời khai của bị cáo như đối xử tàn tệ, gây mệt mỏi, can thiệp về thể chất, sử dụng thuốc, hành hạ, lừa dối hoặc thôi miên. Đây là những biện pháp trái pháp luật, tác động trực tiếp đến suy nghĩ, nhận thức của người bị buộc tội, khiến lời khai của họ không tự nguyện, có thể không còn đúng với sự thật khách quan, nếu sử dụng những lời khai này thì sẽ dẫn đến hệ quả làm sai lệch sự thật khách quan vụ án. Hơn nữa, những biện pháp này đã vi phạm quyền con người, quyền của bị can, bị cáo nên cần thiết phải nghiêm cấm sử dụng các biện pháp này trong hoạt động tố tụng.
Đặc biệt, Luật tố tụng hình sự Liên bang Đức có quy định việc cấm đe dọa bị can bằng những biện pháp không được pháp luật cho phép hoặc đưa ra lời hứa hẹn về những thuận lợi không được pháp luật quy định. Việc cưỡng chế chỉ có thể được thực hiện trong phạm vi mà pháp luật cho phép, hạn chế cưỡng chế tùy tiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị buộc tội. Một điểm khá độc đáo đó là luật quy định việc cấm đưa ra lời hứa hẹn về những thuận lợi không được luật quy định. Đây là trường hợp những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hứa hẹn về một số lợi ích như bồi dưỡng tiền cho người thân, hứa hẹn sẽ xét xử nhẹ hơn,… Việc hứa hẹn cho người bị buộc tội một số lợi ích để họ đưa ra lời khai rất có thể dẫn đến việc lời khai không đúng sự thật hoặc chấp nhận nhận tội để đạt được các lợi ích đã được hứa hẹn.
Không được phép thực hiện các biện pháp gây ảnh hưởng tới trí nhớ của bị cáo hoặc khả năng hiểu của bị cáo. Việc lấy lời khai của bị cáo phải đảm bảo họ có tâm lý ổn định nhất, không được tác động bằng bất cứ hình thức nào ảnh hưởng đến trí nhớ hoặc khả năng nhận thức của họ, có như vậy mới đảm bảo lời khai có giá trị xác định sự thật.
Chứng cứ phần lớn phải được thu thập đầy đủ, trước khi mở phiên tòa. Tại phiên tòa, thẩm phán sẽ tiến hành xem xét, đánh giá chứng cứ đó là hợp pháp hay không hợp pháp, có liên quan đến tội phạm hay không, để từ đó kết luận một người có tội hay không có tội. Theo quy định này, chứng cứ được thu thập chủ yếu ở các giai đoạn tố tụng trước xét xử. Bởi lẽ việc thu thập chứng cứ phải kịp thời, toàn diện và đầy đủ. Trong các giai đoạn tố tụng ban đầu thì đây là thời điểm “vàng” để các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ. Tại phiên tòa, Thẩm phán sẽ tiến hành xem xét, đánh giá tất cả các chứng cứ được thu thập xem có đảm bảo được các thuộc tính của chứng cứ không? Việc thu thập có đúng trình tự thủ tục hay không? Người bị buộc tội có bị ép cung, dùng nhục hình hay không? Giá trị chứng minh của mỗi chứng cứ như thế nào?... để từ đó có cơ sở xác định một người có tội hay không có tội. Nếu qua quá trình xem xét, đánh giá chứng cứ tại phiên tòa mà phát hiện chứng cứ đó không được thu thập theo trình tự thủ tục và vi phạm các quy định của pháp luật thì đó không được coi là chứng cứ và phải bị loại bỏ.
2. Pháp luật hình sự Việt Nam về loại trừ chứng cứ, tham khảo quy định các nước và kiến nghị hoàn thiện
Hiện nay, BLTTHS năm 2015 chưa có một quy định biệt về loại trừ chứng cứ mà được quy định rải rác trong một số điều luật.
Thứ nhất, tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS quy định về nguyên tắc loại trừ chứng cứ: “Những gì có thật nhưng không không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”. Đây là quy định giúp hạn chế tối đa việc thu thập chứng cứ một cách tùy tiện, không thông qua trình tự thủ tục luật định hay xâm phạm đến quyền con người, quyền của người bị buộ tội. Tuy nhiên, quy định này lại chỉ mang nặng việc phải tuân theo trình tự, thủ tục theo luật định, tức là loại trừ chứng cứ dựa trên vi phạm thủ tục tố tụng thuần túy, điều này có nghĩa là thẩm phán sẽ không được ban hành bất cứ quyết định nào đi chệch với những quy tắc tố tụng về loại trừ chứng cứ và không có ngoại lệ.(2)
Ngoài ra, quy định này được thiết kế tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS về nguồn chứng cứ là chưa phù hợp về logic nội dung. Bởi lẽ nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức là chứa đựng thông tin tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Còn chứng cứ là những thông tin lấy được từ nguồn chứng cứ đó, có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Do vậy việc quy định nguyên tắc loại trừ chứng cứ không nên được quy định trong cùng một điều luật về nguồn chứng cứ. Có thể tham khảo quy định của pháp luật hình sự Liên bang Nga nên quy định theo hướng quy định loại trừ chứng cứ trong một điều luật riêng biệt.
Thứ hai, quy định loại trừ chứng cứ đối với một số nguồn chứng cứ cụ thể:
- Loại trừ chứng cứ từ nguồn chứng cứ là lời khai, lời trình bày. Lời khai của người bị buộc tội, người làm chứng, bị hại hoặc người tham gia tố tụng khác phải đảm bảo ba thuộc tính của chứng cứ đó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.Tính liên quan thể hiện ở việc lời khai phải có liên quan đến những vấn đề cần phải chứng minh được quy định tại Điều 85, Điều 416, Điều 441 BLTTHS. Tính khách quan thể hiện ở việc lời khai phải chứa đựng những thông tin đúng sự thật, tổn tại khách quan, không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Tính hợp pháp được thể hiện ở chỗ lời khai phải được thu thập theo trình tự, thủ tục theo quy định của BLTTHS. Đối với lời khai của người bị buộc tội thì nhất thiết phải đáp ứng đủ ba thuộc tính này, nếu thiếu một trong ba thuộc tính như không liên quan, không hợp pháp, không khách quan thì sẽ không được chấp nhận.
Tham khảo pháp luật Liên Bang Đức thì cần thiết bổ sung quy định về việc đối với lời khai có được do bị can thiệp về thể chất, bị hành bạ, đe dọa hoặc đã được hứa hẹn có những lợi ích không hợp pháp thì phải quy định trong Điều luật về loại trừ chứng cứ đối với lời khai của người bị buộc tội. Đối với lời khai của bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án bên cạnh những thuộc tính nêu trên thì phải thỏa mãn một số điều kiện khác.
Tại khoản 2 Điều 91 BLTTHS quy định “không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó” hay khoản 2 Điều 92 BLTTHS quy định: “không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do bị hại trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó”, khoản 2 Điều 93 quy định: “Không được làm chứng cứ những tình tiết do nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó”, khoản 2 Điều 94 quy định: “Không được làm chứng cứ những tình tiết do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó”. Không được làm chứng cứ những tình tiết do nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó”. Việc sử dụng lời khai của bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án bắt buộc phải làm rõ được lý do tại sao họ lại biết được những tình tiết đó. Bởi lẽ mặc dù sự vật hiện tượng sẽ được phản ánh lại trong ý thức của con người nhưng tùy vào khả năng nhận thức của mỗi người mà có suy nghĩ về sự vật, hiện tượng đó rất khác nhau, có thể chưa đủ kiến thức về lĩnh vực này, có thể thời gian quá lâu không còn nhớ cụ thể, có thể là chưa kịp quan sát kĩ,…
Vì thế cần thiết phải biết rõ vì sao họ biết được tình tiết đó để đánh giá cụ thể, xem xét có phù hợp với các chứng khác hay không? Tránh trường hợp người làm chứng suy đoán, bịa đặt. Quy định này của Việt Nam tương đồng với quy định về lời khai của người làm chứng trong Bộ luật tố tụng hình sự của Liên Bang Nga. Tuy nhiên, BLTTHS Việt Nam lại quy định rải rác tại Điều 91, 92, 93 và Điều 94, nên tham khảo kinh nghiệm của Liên Bang Nga quy định cụ thể trong một điều luật về loại trừ chứng cứ.
- Loại trừ chứng cứ từ vật chứng: vật chứng của vụ án là nơi chứa rất nhiều thông tin phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, nếu vật chứng không được bảo quản đúng quy định có thể dẫn đến hư hỏng hoặc làm biến đổi một phần hoặc toàn bộ theo thời gian. Do vậy, khi thu thập vật chứng cần đảm bảo thu thập kịp thời, đầy đủ, chính xác, bảo quản sao cho vật chứng không bị hư hỏng, hạn chế sự thay đổi so với thời điểm ban đầu,… Nếu những vật chứng không được thu thập kịp thời mà làm biến đổi bản chất, hư hỏng, không còn chứa đựng được thông tin sự thật khách quan hoặc trình tự thu thập không đúng quy định hoặc vật chứng đó không có liên quan đến vụ án thì không được sử dụng để chứng minh, nói cách khác, những thông tin lấy được từ vật chứng không đáp ứng được ba thuộc tính của chứng cứ.
- Loại trừ chứng cứ từ kết quả giám định, định giá tài sản: Trong nhiều vụ án, kết quả giám định và định giá tài sản là nguồn chứng cứ quan trọng để giải quyết vụ án, nó có thể ảnh hưởng đến việc xác định người đó có phạm tội hay không? Hơn nữa, người giám định, định giá tài sản phải là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực đó. Nếu như trình độ chuyên môn của người giám định, người định giá tài sản không đảm bảo thì kết quả giám định, định giá tài sản sẽ không chính xác và không đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra, thông tin, tài liệu, mẫu vật liên quan cần giám định và những thông tin , tài liệu về tài sản cần được định giá phải đầy đủ, đúng đắn, khách quan thì mới có thể có kết luận giám định, định giá tài sản chính xác. Nếu không sẽ không thể sử dụng những thông tin từ các kết luận này.
- Loại trừ chứng cứ từ dữ liệu điện tử: Dữ liệu điện tử phải được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc các nguồn điện tử khác. Nếu không thể lưu giữ phương tiện điện tử thì phải tiến hành sao lưu vào phương tiện lưu trữ. Sau khi thu thập được thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trưng cầu giám định. Thông tin có được từ các dữ liệu điện tử sẽ bị loại trừ nếu như quá trình thu thập, bảo quản, sao lưu, phục hồi vi phạm quy định của BLTTHS và Luật giao dịch điện tử do không đảm bảo tính hợp pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS 2015.(3)
- Loại trừ đối với các chứng cứ khác: Như đã phân tích ở trên, chứng cứ được sử dụng để chứng minh các tình tiết trong vụ án phải là những chứng cứ đáp ứng đủ 3 thuộc tính: tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp. Nếu như không đáp ứng được một trong ba thuộc tính này thì phải bị loại trừ.
Dựa trên những phân tích ở trên, tác giả đề xuất bổ sung một điều luật riêng biệt về loại trừ chứng cứ như sau:
Điều… Loại trừ chứng cứ
1. Những thông tin có thật nhưng không được thu thập theo trình tự thủ tục do Bộ luật này quy định hoặc không đảm bảo tính khách quan, tính liên quan đến vụ án thì không được coi là chứng cứ, không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
2. Thông tin từ lời khai của người bị buộc tội không có giá trị pháp lý nếu như người bị buộc tội bị đối xử tàn ác, đánh đập hoặc các biện pháp trái pháp luật khác hoặc được những người tiến hành tố tụng hứa hẹn về những lợi ích trái pháp luật.
3. Thông tin từ lời khai của bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có giá trị pháp lý nếu họ không giải thích được tại sao biết được những tình tiết đó hoặc đã được hứa hẹn về những lợi ích trái pháp luật.
4. Những chứng cứ khác thu thập được nhưng vi phạm quy định của Bộ luật này.
(1) Viện khoa học kiểm sát, Luật tố tụng hình sự Liên bang Đức, Hà Nội, 2007.
(2) Lương Thị Mỹ Quỳnh, Xu hướng về nguyên tắc loại trừ chứng cứ trong tố tụng hình sự trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học chứng cứ chứng minh, trang 64.
(3) Nguyễn Thị Cẩm Thu, Loại trừ chứng cứ theo luật tố tụng hình sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học luật Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, trang 42.