/ Luật sư - Bạn đọc
/ Lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của người tham gia giao thông sẽ bị xử lý như thế nào?

Lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của người tham gia giao thông sẽ bị xử lý như thế nào?

26/01/2023 13:24 |

(LSVN) – Hiện nay, nhiều trường hợp người thực thi công vụ xử lý vi phạm giao thông đã tiêu cực để bỏ qua sai phạm, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người tham gia giao thông gây bức xúc trong dư luận. Nhiều trường hợp đã bị phát hiện, bị xử lý bằng những chế tài của pháp luật, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Vậy, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của người tham gia giao thông sẽ bị xử lý như thế nào? Cần thực hiện những giải pháp nào để chống tiêu cực trong việc xử lý vi phạm giao thông?

Ảnh minh họa.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, những hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt hành chính, có thể là phạt tại chỗ hoặc ban hành quyết định xử phạt để người vi phạm tự mình nộp tiền phạt vào kho bạc nhà nước.

Tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là một trong những tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ. Tội danh này quy định chủ thể đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn nhưng đã lạm dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của công dân, hành vi này trực tiếp xâm hại sự hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước tổ chức xã hội và quan hệ sở hữu tài sản, chiếm đoạt tài sản của công dân. Hành vi này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với chính quyền, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang quyết liệt hiện nay thì đối với những hành vi tham nhũng như thế này cần phải phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Theo đó, trường hợp hành vi được xác định là phạm tội 02 lần trở lên, có tổ chức hoặc chiếm đoạt số tiền từ 100.000.000 đồng trở lên thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 6 năm 13 năm. Trường hợp chiếm đoạt số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hành vi được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người này có thể phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 13 năm đến 20 năm. Với tội danh này thì hình phạt cao nhất là tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại đến tài sản từ 5.000.000.000 đồng trở lên.

Giải pháp để chống tiêu cực trong việc xử lý vi phạm giao thông

Theo Luật sư Cường, ngoài việc phát hiện xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm thì cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường quán triệt, chấn chỉnh đối với các bộ cán bộ được giao nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông.

Cần phải sàng lọc phân loại để loại bỏ các cán bộ không có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức. Đồng thời, cần khuyến khích người dân ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, lưu lại những chứng cứ về những hành vi tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ trong lĩnh vực này, tăng cường hoạt động giám sát của người dân đối với lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông để lĩnh vực này không còn những dư luận xấu, giữ gìn hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân và để đảm bảo an toàn, công bằng trong việc điều hành, xử lý vi phạm giao thông.

Để giảm bớt những tiêu cực trong việc xử lý vi phạm giao thông thì cũng cần phải sử dụng, trang bị nhiều công nghệ, phương tiện điện tử hiện đại nhằm giảm bớt việc tiếp xúc trực tiếp giữa người thi hành công vụ với người tham gia giao thông, tăng cường phạt nguội và xử lý vi phạm trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đối với các cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm giao thông, phải là những người có năng lực, trình độ đạo đức tốt, có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng và nhân dân thì mới giảm thiểu được những tiêu cực trong lĩnh vực này.

TIẾN HƯNG

Những luật dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2023

Bùi Thị Thanh Loan