Nhiều dự án lựa chọn tên thương mại khi triển khai
Bất kỳ dự án nào khi được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt đều có danh xưng. Tên gọi này thường được gắn với địa danh, theo lô, thửa đất hoặc chính là tên doanh nghiệp được cấp phép đầu tư. Thông thường, khi lựa chọn tên dự án để đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, nhiều chủ đầu tư chưa đặt nặng vấn đề marketing truyền thông phục vụ cho việc quảng bá dự án tới khách hàng. Tuy nhiên, khi đưa sản phẩm bất động sản tiếp cận thị trường và khách hàng mục tiêu thì tên dự án là một yếu tố quan trọng. Vì tên dự án là bước tiếp cận đầu tiên của khách hàng với sản phẩm bất động sản nên nhiều chủ đầu tư lựa chọn một tên thương mại phù hợp như một “nickname” trong qúa trình quảng bá tới khách hàng.
Theo quan sát của phóng viên, nhiều dự án bất động sản được phát triển bài bản tại các thành phố lớn đều được các chủ đầu tư đặt tên thương mại khi ra mắt thị trường. Tên thương mại này được gắn liền với định hướng phát triển dự án của chủ đầu tư, giúp khách hàng dễ nhớ, dễ hiểu và nắm bắt được cách thức phát triển hay điểm nhấn của dự án, đây cũng là cách làm của nhiều chủ đầu tư lớn trên thị trường như Vinhomes, Sungroup, Sunshine Group, Ecopark,… Điển hình như dự án Khu đô thị Gia Lâm (Hà Nội) được biết đến với tên thương mại là Vinhomes Ocean Park với định hướng phát triển là “Thành phố biển hồ” với điểm nhấn là biển nhân tạo và hồ cát trắng.
Sở dĩ nhiều dự án bất động sản được thị trường biết đến nhiều hơn với tên thương mại là do phần lớn tên đăng ký trên giấy phép của các dự án khá dài, khó đọc, khó nhớ hoặc chưa thể hiện hết được quy mô dự án, tâm huyết của nhà phát triển nên phần lớn khi các dự án ra mắt thị trường thì tên thương mại được nhiều khách hàng nhớ tới nhiều hơn.
Nhiều dự án bất động sản tại tỉnh cũng lựa chọn tên thương mại
Trong 5 năm trở lại, khi làn sóng đầu tư bất động sản của các chủ đầu tư, doanh nghiệp lớn mở rộng về nhiều địa phương, thị trường bất động sản các địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An… cũng đón nhận nhiều cách phát triển dự án bài bản tương tự như các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều địa phương lớn đang đón nhận cách thức triển khai bất động sản chuyên nghiệp từ các chủ đầu tư lớn. Nguồn ảnh: Internet.
Các phương pháp phát triển bất động sản chuyên nghiệp đã góp phần tạo nên những sản phẩm có điểm nhấn cho thị trường. Điển hình như tại Quảng Ninh, nhiều dự án bất động sản được phát triển có “concept” rõ ràng được thể hiện qua tên thương mại rất ấn tượng như: Sun Marina Town (Sungroup), À la carte Ha Long (TasecoLand)… Hay tại Đồng Nai, điển hình là Aqua City (NovaLand), Izumi City (Nam Long); tại một loạt địa phương khác với các dự án như Lagi New City, NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận), Nhơn Hội New City (Quy Nhơn), NovaWorld Hồ Tràm (Bà Rịa Vũng Tàu)…
Tại Nghệ An, nhiều dự án bất động sản như Vinh Heritage, Vinh Riverside, TNR StarCity Diễn Châu… cũng được các chủ đầu tư, nhà phát triển lựa chọn tên thương mại để phù hợp với định hướng phát triển dự án. Hay gần đây là dự án khu đô thị Nidco Thịnh Lợi được đầu tư bởi Công ty cổ phần đầu tư Nguyên Hưng và được phát triển bởi MBLand có tên thương mại là Vinh Park River với hàm ý thể hiện một khu đô thị sinh thái nhiều cây xanh ven sông tại phía nam TP. Vinh.
Thị trường bất động sản Việt Nam đã ngày càng mở rộng về các địa phương mới theo hướng phát triển bài bản hơn với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án chuyên nghiệp. Điều này góp phần thay đổi diện mạo đô thị nhiều địa phương và đem lại nhiều sản phẩm nhà ở chất lượng cho các nhà đầu tư và người có nhu cầu ở thực.
Tên thương mại của các dự án giúp các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản có thể đưa dự án tiếp cận nhiều hơn với khách hàng và tạo ra được dấu ấn tại các địa phương. Tuy nhiên, tên dự án trên các giấy tờ pháp lý và các văn bản giao kết với khách hàng, tên chính thức của dự án vẫn phải tuân thủ theo tên đã đăng ký với cơ quan nhà nước.
PV