Ảnh minh họa.
Xã hội và những người bảo vệ công lý
Những người bênh vực cho người khác giành lại công bằng trong một xã hội đã có từ khá lâu trước Công nguyên. Như thế cho thấy rõ hai điều. Một là hành vi đứng ra bảo vệ công bằng cho một cá nhân hay tổ chức đã xuất hiện rất sớm, có từ lâu. Hai là việc bảo vệ, bênh vực cho sự công bằng đã mang tính thể chế từ lâu.
Như một lẽ tự nhiên, từ khi nhà nước ra đời, chưa có nhà nước nào thừa nhận họ cai trị xã hội, hay quản trị đất nước không vì nhân dân, hay thiếu sự công bằng (như từng có chuyện áp chế người này, thiên vị kẻ khác…). “Nhà nước không bao giờ sai” - dường như chỉ nhà nước là có quyền năng nói như thế! Mà nếu các nhà nước đã nói như thế, thì làm gì còn cần một loại nghề gắn với những người chuyên làm những việc bảo vệ quyền lợi cho người bị cho là có oan sai, hay thiếu công bằng (sau này gọi họ là những Luật sư)? Ngoài cái “nghịch lý của công quyền” như thế, còn có một số tác nhân khách quan và chủ quan khiến cho nghề luật sự ra đời như một tất yếu lịch sử và là dấu mốc của văn minh pháp lý, văn minh nhân loại, đồng thời cũng góp phần sửa chữa cho sự “tự cao chính trị” của các thể chế quyền lực.
Thứ nhất, nhà nước nào cũng nói, họ là bộ máy công bằng trong quản lý xã hội, quản trị đất nước. Nhưng đó là nhà nước với tính chất là một tổ chức, một bộ máy. Tuyên ngôn đó là nhân danh công quyền. Nhưng bộ máy đó, tổ chức đó là tập hợp bởi những con người, mặc dù được lựa chọn khác nhau, thì họ chỉ là những con người “bằng xương thịt”. Họ có các yếu tố rất cơ bản, nhưng không giống nhau về trí thông minh, năng lực, kinh nghiệm, sự từng trải… và những phẩm chất con người không giống nhau. Những khác biệt đó làm cho sự công bằng bị chi phối rất đáng kể. “Nhân vô thập toàn” vốn từ xưa vẫn như thế. Nghĩa là khó ai mà được toàn diện mọi thứ. Họ mạnh mặt này, lại khiếm khuyết mặt kia, hay tương quan “sáng tối” cũng khó giống nhau được. Thậm chí có những người được hầu hết mọi mặt, nhưng họ có khiếm khuyết chí tử (hay là sự thường tình của con người ta) là thiếu bản lĩnh đối với người thân, một khi phải làm những việc phục vụ công lý trái với mong muốn cá nhân của họ! Nếu những đặc tính cá nhân đó có trong những người làm trong bộ máy công quyền, liệu nó có thể không có trong bộ máy tư pháp hay không? Nếu có thì rõ ràng nó chi phối, làm cho công lý thay đổi, công bằng lung lay! Vậy nên xã hội muốn văn minh cho đa số, vẫn cần đội ngũ đứng ra bảo vệ người đứng ở phía oan sai hay bị hại trong quan hệ phán xử, khi oan sai là có, ngang trái là một phần của sự thật cuộc sống.
Thứ hai, cho đến hiện nay, chưa có quốc gia nào mà công dân của họ có thể am hiểu mọi “chân tơ kẽ tóc” trong hệ thống pháp luật nhà nước ban ra. Nước càng văn minh lâu đời thì hệ thống luật pháp càng đầy đủ theo giác độ điều chỉnh mọi loại hành vi, số lượng các đạo luật càng nhiều lên “thành núi”. Trong đó rất nhiều quy định đến quyền dân sự, dân sinh, quyền con người, đến vấn đề sinh tử của mỗi cá nhân… Nếu người dân thiếu sự hiểu biết, họ chỉ có thể dựa vào những người am hiểu và sẵn sàng bênh vực họ. Nhà nước là bộ máy của công quyền có tính đại diện. Nhưng tòa án cũng là nhà nước, cũng đại diện công quyền đang phán quyết công dân thì có dựa vào họ được không một khi oan, sai xuất hiện mà công dân có thể nhận thức được, nhưng không biết làm thế nào!? Đương nhiên họ cần tới bên thứ ba. Đó là những người chuyên làm việc bảo vệ lẽ phải được pháp luật cho phép giúp cho các cá nhân có vấn đề công bằng cần trợ giúp trong các phiên tòa. Họ là những Luật sư (tiếng Anh viết là lawyer hoặc advocater).
Công lý là một khái niệm về sự công bằng mang tính tuyệt đối. Nó làm chỗ dựa cho mọi hành vi lấy công bằng làm cơ sở, mục đích (nhằm đạt tới công lý). Công lý là tuyệt đối (phải chăng có thể nói như nước tinh khiết tuyệt đối là không màu, không mùi, không vị, chỉ ở những nơi con người chưa từng tiếp cận hay trong những nơi chỉ để nghiên cứu chăng?). Nếu công lý là tuyệt đối, là sự bình đẳng trong đánh giá cho mọi con người, thì xã hội loài người lại rất không đồng nhất về nhiều tiêu chí, liên quan đến thể chế, nhận thức, tập quán và lối sống của từng cộng đồng người trong một xã hội, một quốc gia. Công lý là sự công bằng tuyệt đối, thì ở nơi nào quan niệm về công bằng được thừa nhận, nó sẽ tiệm cận vươn tới công lý. Triết học Mác - xít khẳng định: nhà nước còn thì giai cấp còn, giai cấp còn thì quan điểm về lợi ích mang tính thiên vị giai cấp không thể hết được (chỉ là nhiều ít khác nhau cho đa số hay thiểu số mà thôi).
Nghề Luật sư ra đời là dấu mốc của tiến bộ xã hội
Tiêu chí của tiến bộ xã hội là đa số con người lao động trong xã hội được bảo vệ. Khi xã hội còn giai cấp là tấm gương của sự sản xuất của cải chưa nhiều đến mức “muốn gì được nấy”. Nghĩa là vẫn có sự ganh đua, tranh giành, cho dù là tranh giành văn minh! Như thế tự nhiên trong xã hội nhóm người tham gia vào vấn đề lợi ích (trong ganh đua và tranh giành) ắt sẽ xuất hiện. Đã tranh giành thì phải phân xử. Thỏa thuận, nghĩa là tự phân xử. Không thỏa thuận được thì có sự phán xét. Sự phán xét bằng phiên tòa của nhà nước được gọi là phán xét tư pháp (với nghĩa là bảo vệ pháp luật bằng quyền xét xử của tòa án, bên cạnh lập pháp và hành pháp). Nhưng khi tòa phán xét thì không thể vượt qua sự khác biệt giữa những con người do các tố chất khác nhau đã phân tích ở trên chi phối. Khi đó oan sai, bất bình, bất lực từ một phía xuất hiện. Nó cần một bên thứ ba đứng ra làm trọng tài cho công lý, được nhà nước cho phép hoạt động. Khi bên thứ ba là lực lượng xã hội chuyên nghiệp, hợp pháp, hoạt động của họ do một đạo luật riêng quy định, khi đó nghề Luật sư xuất hiện (hay được xác định trong hệ sinh thái công quyền). Một nghề là tập hợp của những người làm nghề đó. Nghề Luật sư là nghề của những người Luật sư. Vậy Luật sư là ai, họ có những tố chất gì, chức năng xã hội của họ ra sao? Định nghĩa về Luật sư thì chỉ có một, nhưng nhận thức hay xây dựng định nghĩa để mọi người đều thừa nhận thì có thể có những diễn đạt khác nhau.
Theo người viết, Luật sư là những người đủ tư cách hoạt động trong xã hội (như tư cách công dân), có kiến thức pháp luật (về sau được xác định là phải được học trong nhà trường ở một cấp học nhất định), có sự am hiểu rộng những vấn đề xã hội, có ham muốn bênh vực lẽ phải trong xã hội còn tồn tại sự phải trái khó phân minh, được nhà nước cho phép (như cấp thẻ, giấy chứng nhận hành nghề hiện nay), có yếu tố năng khiếu liên quan với nghề (như khiếu ăn nói) và cơ bản họ sống bằng hoạt động bảo vệ người cần đến họ. Người viết nêu ra khái niệm người Luật sư không phải (và chưa đạt tới) chuẩn của từ điển học, khoa học pháp lý, nhưng thiết nghĩ nó đã phản ánh được yếu tố từ điển và pháp lý. Nhưng nó còn muốn giãi bày thêm về tính xã hội, nhân văn của nghề này. Thử hỏi: nếu không có tư cách công dân có làm được (hay được làm) Luật sư không; nếu không có kiến thức pháp luật một cách hoàn hảo liệu có “đấu” được với mấy vị thẩm phán lành nghề và có tư thế quyền lực hay không; nếu không có sự am hiểu vấn đề xã hội (như thân phận, hoàn cảnh éo le hay thực trạng suy thoái kinh tế, thất nghiệp tràn lan dẫn đến thảm cảnh số đông mất việc liên quan đến hành vi của người được bênh vực…) thì có thể là một luật sự giỏi giang được không; nếu không lấy sự ham muốn (có khi từ vấn đề cơm áo, trở thành một sự ham muốn, cũng như nhiều giáo viên giỏi yêu nghề, nhưng lúc ban đầu họ có chọn nghề giáo đâu), thì làm sao người Luật sư có thể bỏ công sức mà đọc, nghiên cứu các đạo luật, các chính sách, tổ chức nhiều thời gian để tìm hiểu những yếu tố liên quan đến nhân thân khách hàng một cách “vừa căng thẳng, vừa hứng thú” được!?; nếu người Luật sư bênh vực khách hàng gặp tình huống phức tạp, “sai dễ nhìn hơn đúng” mà không có tài ăn nói, ngụy biện (hùng biện với nghĩa tài năng áp đảo), biết cách ăn nói lôi cuốn, có nghệ thuật thì biết làm sao?
Tính chuyên nghiệp của người Luật sư. Người viết tự đưa ra câu hỏi và trả lời thế nào là tính chuyên nghiệp ở người Luật sư. Tính chuyên nghiệp là một khái niệm rộng, nhiều khía cạnh, đặc điểm, đặc trưng hội tụ trong họ (những vị Luật sư). Tính chuyên nghiệp thể hiện ở sự có kiến thức, có kinh nghiệm và bản lĩnh, có sự từng trải, có thái độ rõ rệt (mặc dù phương pháp, nghệ thuật lập luận lúc đầu chưa bộc lộ ra, nhưng thái độ bảo vệ đến cùng), có sự thấu hiểu tình cảnh của thân chủ ở chừng mực vừa đủ (vì trong phiên tòa, thần thái của Luật sư phải là người luôn tin tưởng chiến thắng), có sự tuân thủ pháp luật, tuân thủ thể chế về lập trường, có tinh thần thừa nhận sự “bất khả kháng” một cách sáng suốt, lịch sự. Tính chuyên nghiệp còn thể hiện ở chỗ: đã cố gắng đến nhiều nhất có thể, nhưng những gì thân chủ muốn, Luật sư đã cố gắng mà không đáp ứng sau khi đã giãi bày mọi ngõ ngách của sự biện luận. Tính chuyên nghiệp còn thể hiện ở chỗ, bênh vực thân chủ là một nghề, lấy thu nhập làm phương thức tồn tại, nhưng không phải bằng mọi giá, nghĩa là có lúc cũng cần biết coi thường sự kiếm tiền, nhường chỗ cho sự nhân văn, nhân bản, sự thấu cảm tình người và nghề nghiệp!
Trách nhiệm xã hội của người Luật sư và nghề Luật sư
Trách nhiệm xã hội liên quan đến một nghề được hiểu là hệ quả của nghề đó tác động tới xã hội từ giác độ có mang lại lợi ích cho sự phát triển đất nước trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội hay không. Hầu hết các ngành nghề đều có tác dụng tích cực đối với phát triển xã hội nói chung (những nghề tác hại đều bị hạn chế, hay bị cấm). Tuy nhiên, có những nhóm nghề mà ảnh hưởng của nó tác động tới xã hội, như liên quan đến sự học vấn của một dân tộc (giáo dục), hay sinh mạng con người (ngành y học chẳng hạn), hoặc nghề Luật sư có chức năng làm cho xã hội giảm bớt, đến mức tối thiểu những oan sai mà con người mắc phải do những lỗi ở mức độ phải bị tòa án phán xử. Cứu người tránh khỏi oan sai, trả lại công bằng cho họ (để tránh bị tước mất những quyền mà nhẽ ra họ có thể không mắc phải)(1), nhờ sự lao động nghề nghiệp của những Luật sư thông thái và có trách nhiệm, chắc chắn mang lại tác dụng tích cực thúc đẩy xã hội trên cả mặt khách quan, cũng như nỗ lực chủ quan. Nếu nghề Luật sư càng có tính nhân văn, thì càng giải được nhiều oan sai cho con người, càng thể hiện sứ mệnh xã hội sâu sắc. Đối với chế độ, hoạt động của nghề Luật sư còn góp phần giữ gìn và bảo về nền công lý dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền tự do, dân chủ mà cả dân tộc phải đổ xương máu mới giành được. Từ đó thúc đẩy tinh thần ý thức công dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền như Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã chủ trương và thực hành trong đời sống xã hội.
Nếu xác định nghề Luật sư có trách nhiệm xã hội sâu sắc, thì trách nhiệm to lớn đó đặt trên vai những vị Luật sư thông thái, am tường luật pháp, cần mẫn làm việc và luôn hướng nhiệm vụ, trách nhiệm nghề nghiệp của họ gắn với trách nhiệm bản thân.
Như trên đã phân tích, nhà nước là một tổ chức, chức năng của nhà nước phải thông qua hoạt động của những con người cụ thể. Mà con người thì có những khác biệt về chủ quan, các phẩm chất đa sắc đa màu. Nghề Luật sư cũng như vậy. Nếu chúng ta tụng ca trách nhiệm xã hội cao cả của nghề Luật sư, thì nghề đó cũng cần những vị Luật sư thẩu hiểu được sứ mệnh của nghề mà họ theo đuổi. Đó là mối quan hệ giữa cái chung và cái cá biệt, cái tổng thể và cái đơn nhất.
Trách nhiệm xã hội là khái niệm phản ánh hai mặt khách quan và chủ quan, liên quan đến các cá nhân. Nó là khách quan khi họ tham gia vào một hoạt động, mà hoạt động đó mang giá trị xã hội. Nhưng nghề nghiệp cũng mang tính chủ quan sâu sắc về trách nhiệm xã hội, một khi con người luôn ý thức với công việc, tự rèn luyện mặt tích cực và bài trừ mặt tiêu cực khi phải đối diện. Nghề Luật sư thiết nghĩ hoàn toàn hội đủ những mặt đa sắc đó. Do đặc trưng nghề nghiệp, đặc điểm hoạt động nghề và người Luật sư là số ít trong rất nhiều ngành nghề mà nhà nước đặt ra vấn đề trách nhiệm xã hội. Nhà nước đặc biệt nhấn mạnh, rằng hoạt động hành nghề của những (người) Luật sư là hoạt động góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân,… xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh(2). Quan điểm này thể hiện mối liên hệ biện chứng giữa sứ mệnh một nghề và những người hành nghề đối với sự phát triển xã hội. Theo người viết, đó chính là thể hiện trách nhiệm xã hội. Nghề chọn con người. Đổi lại, từng cá nhân trong nghề có sứ mệnh vun đắp mặt tích cực thông qua hoạt động trong nghề phụng sự xã hội và dân tộc.
Nhưng, Luật sư cũng là những con người cụ thể. Họ có những phẩm chất có thể có những tương đồng và sự khác biệt trong nhận thức và hành vi. Nếu có khác biệt, chắc chắn họ phải chọn những tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp với sứ mệnh của nghề để hoạt động. Để trở thành một Luật sư, mà toàn bộ cuộc đời hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội, giá trị nhân văn cao cả không phải tự nhiên mà có ngay trong tâm thức của mỗi người. Muốn có, mỗi người trong số họ luôn luôn phải vun đắp mặt tích cực và “tiễu trừ” mặt tiêu cực! Nếu thực hiện những hoạt động tích cực, Luật sư sẽ có thêm xung lực mạnh mẽ hiến dâng cho sự nghiệp. Nếu gặp vật cản hay những cám dỗ, họ cần đánh thức những kỹ năng và bản lĩnh vững vàng để kiểm soát bản thân. Nghĩa là khi đó, họ phải tự đặt ra và trả lời các vấn đề thành những câu hỏi để giải quyết. Càng gần đây càng thấy số đông người ở vị trí cao trong bộ máy công quyền bị phê phán ở hình thức hành chính nặng nề; số khác còn đến mức phải xem xét hình sự do tính chất hành vi họ đã làm, mang tính nguy hiểm cho xã hội, trong đó không ít người mắc phải lỗi liên đới vật chất và lối sống. Phải chăng họ đã tự thất bại trong kiểm soát bản thân khi không vượt qua được những sự “tự trắc nghiệm” để có đáp án nhân văn tích cực!? Thiết nghĩ, để phụng sự sứ mệnh cao cả trong trách nhiệm xã hội của nghề Luật sư, mỗi vị Luật sư, ngoài kiến thức pháp luật vững vàng, kinh nghiệm công tác trong nghề như một viên chức thường tình, họ có thể cần quan tâm hơn tới một số yếu tố mà xã hội cần có.
Thứ nhất, hiểu sâu sắc, chắc chắn bản chất chế độ xã hội mà ta đang sống và thực hành trách nhiệm. Mỗi xã hội có thể chế đặc trưng và đặc thù trong đó con người sinh ra, sống và làm việc. Đặc trưng như nước ta là nước đi theo con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Hiện ta chưa tới đích nhưng đích đó là không thay đổi, gọi là định hướng, hoàn thiện cho từng giai đoạn. Đặc thù là những khác biệt bên trong một quốc gia, làm cho các nước có thể giống nhau về thể chế, nhưng khác nhau theo những yếu tố đặc thù (khác biệt, đa dạng, không lặp lại, về con người, văn hóa, ứng xử…). Nếu nhận thức vững vàng về chế độ chúng ta đang sống, sẽ luôn có ý chí phấn đấu cho công việc tốt nhất có thể (vì nước ta còn là nước đang phát triển), coi trọng sự công bằng xã hội về lao động và thụ hưởng, có sự thấu hiểu hoàn cảnh người khác theo phương châm mình vì mọi người, có lập trường và cần thiết phản biện những gì trái với bản chất chế độ trong thực hành công việc nghề nghiệp của mình (cùng đồng hành trách nhiệm với những nhóm lao động khác nhau trong xã hội).
Thứ hai, ý chí nghề nghiệp không bao giờ dám cho là đủ. Nghề nào cũng cần sự cầu thị và ý chí phấn đấu. Nghề Luật sư trong một nhà nước pháp quyền đang xây dựng như ở nước ta chưa lâu, các luật gia, Luật sư, các nhà khoa học khác biết rõ chúng ta còn một khoảng cách của sự phát triển về khoa học trong lĩnh vực và khu vực tư pháp (như khoa học pháp lý, tố tụng, khoa học xét xử…). Chấp nhận những gì đã có không phải bản chất con người nói chung và mỗi ngành nghề nói riêng, trong đó có giới Luật sư. Nếu ai cũng hài lòng với cái đã có thì xã hội sẽ ngừng cạnh tranh, ngừng sáng tạo ra những sản phẩm tốt đẹp cho tiêu dụng thành quả vật chất và tinh thần trong xã hội (hiện nay thậm chí loài người còn đang lo cho cả “sức khỏe của trái đất” nữa!). Một xã hội phát triển, văn minh, tiến bộ sẽ không có hoặc có ít nhất những oan sai từ các phiên tòa, trong đó có công rất quan trọng của những vị Luật sư tinh anh, mẫn cán và bản lĩnh (cùng với những người khác trong phiên xét xử).
Thứ ba, có sự thấu cảm nhân tình. Con người trong xã hội luôn có nhận thức và hành vi sai lệch mà đáng ra họ không nên làm như thế về hoàn cảnh (như một số người trẻ, con nhà gia giáo nhưng không giữ được nề nếp, thành ra hư hỏng, có hành vi phạm pháp; một số ít các doanh nhân giàu có, thường hay lấy của cải cậy thế quá đà trong một quan hệ nhất định mà phát sinh quan hệ pháp lý đến mức phải hầu tòa; nghèo túng dễ mắc sai phạm cũng không phải là ít, không có gì lạ…). Những hành vi đối lập với hoàn cảnh, rất dễ xuất hiện hành vi quá đà, trở thành tội lỗi. Giàu mà mắc tội thì có sự hối hận luyến tiếc; nghèo, khó có hành vi nguy hiểm, nhưng nếu “một ngày không may” (do sốc nổi, ức chế mà mắc lao lý thì dễ trở thành “họa vô đơn chí”). Khi đó nếu muốn kêu oan thì phải có những điều kiện, chẳng hạn muốn nhờ Luật sư, cũng phải có tiền. Luật pháp không bắt Luật sư biện hộ miễn phí, nhưng Luật sư có thể tự cho mình quyền đó. Nếu một Luật sư gặp tình huống được giúp một kẻ nghèo khó phạm tội trước tòa án, sẽ có ít nhất ba tình huống. Một là họ có thể từ chối nhận giúp đỡ vì thân chủ không có tiền; hai là có thể bảo vệ một cách dửng dưng “cho xong” vì được trả số tiền không xứng đáng; ba là đã có nhiều vị Luật sư không chọn hai cách trên, mà họ làm việc một cách nghiêm túc, trách nhiệm, đầy nhiệt huyết lấy lại sự công bằng cho thân chủ mà không cần thân chủ trả tiền. Lý do thì chỉ có thể chính những Luật sư đó mới biết. Nhưng xét cặn kẽ chắc chắn có sự thấu cảm sâu sắc với thân chủ, từng trăn trở nghề nghiệp trước một hoàn cảnh đã đánh thức sự mẫn cảm đức hạnh nghề nghiệp của họ.
Thứ tư, góp sức hiểu biết cho việc khai mở tích cực dân trí trong xã hội. Trong xã hội pháp quyền, không ai có thể tự hào rằng am hiểu hết và chỉ luôn luôn làm đúng quy định pháp lý. Hơn nữa, công dân trong một nhà nước pháp quyền, họ chỉ chú tâm tới các quan hệ hành vi với các quan hệ pháp lý trực tiếp, phải trái rõ rệt (như quy tắc đi đường, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, kinh doanh, thuế má…). Ngoài ra, còn vô số những quan hệ pháp lý chằng chịt, hay những quy định đặc thù (đơn giản như muốn nhận một người làm con nuôi, hay muốn hiến một tài sản cũng không phải cứ thích là làm được…) mang tính dân sự mà không thể nắm bắt hết. Khi đó, họ cần tới người hiểu biết hơn về những gì chưa rõ về mặt luật pháp. Một trong những nhóm người làm tốt và phù hợp nhất nhu cầu đó là các Luật sư. Họ thuộc nhóm lao động hướng dẫn công dân thực hành theo pháp luật phù hợp nhất, một cách hay nhất, đúng nghề nghiệp và chức năng xã hội nhất. Trong quy định pháp luật, cũng đã có những điều khoản cho phép Luật sư làm nhiệm vụ đó, như tư vấn pháp lý được trả công tương xứng (quy định tại Điều 4 Luật Luật sư hiện hành), hoặc Nhà nước quy định (mang tính kêu gọi) Luật sư có thể tư vấn miễn phí (Điều 6 Luật Luật sư). Cho dù là hình thức nào thì tư vấn pháp lý cho công dân là một việc làm hết sức tiến bộ của xã hội. Con người nói chung, nếu ai đó giúp được người khác việc gì, dù là nhỏ nhất như chỉ đường đi cho người lạc lối, đều cảm thấy vui trong tâm hồn, nhẹ nhõm trong ứng xử. Huống chi việc hướng dẫn cho mọi người hiểu biết về quy định pháp luật để họ thực hành cho đúng trách nhiệm công dân thì cảm xúc tình người còn đặc biệt hơn nữa. Trợ giúp pháp lý ngoài cảm xúc tình người, nó còn có giá trị nhân văn hơn ở chỗ, việc đó góp cho xã hội càng thêm nhiều công dân làm đúng pháp luật, càng thêm cơ hội tự do hành động trong khuôn khổ. Một xã hội tiến bộ là đa số công dân đều am hiểu và tự giác tuân thủ pháp luật. Khi đó tự do (trong khuông khổ) mới xác định giá trị. Nói như tư tưởng của các nhà mác xit, rằng tự do là nhận thức được cái tất yếu (cái quy luật để hành xử không trái với quy luật khách quan trong tự nhiên và xã hội). Trong xã hội tuân thủ pháp luật là phù hợp với quy tắc trong quan hệ xã hội và đó cũng là quy luật của xã hội hướng tới pháp quyền. Quy luật là ở chỗ, đã là công dân một nước, thì ở đâu họ làm theo và làm đúng pháp luật thì ở đó xã hội pháp quyền sẽ từng bước được xác lập. Công dân làm đúng pháp luật (dù phải bỏ tiền ra như đóng thuế) chính là những công dân tự do (với nghĩa không ai động chạm, làm phiền trong đời sống nữa). Trái lại, nếu những người coi thường mà vi phạm pháp luật đến mức chính quyền phải nhắc nhở, hoặc tới mức xử lý; thậm chí vướng vào lao lý thì tự do đó là tiền đề của “mất tự do” !? Vậy nên tư vấn pháp lý của giới Luật sư nếu là nghĩa vụ thì đó là nghĩa vụ rất nhân văn pháp lý; nếu là tự nguyện lập ra như một công ty dịch vụ, thì đó chính là góp phần làm cho công dân có đời sống văn minh hơn, làm cho xã hội pháp quyền, tiến bộ và nhân văn hơn. Khi đó họ đã làm giàu hơn các hành vi thể hiện trách nhiệm xã hội cao quý.
(1) Tham khảo, Luật Luật sư (Điều 22). (2) Thảm khảo, Luật Luật sư (Điều 3). |
Giáo sư, Tiến sĩNGUYỄN HỮU KHIỂN
Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất