/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Lý giải việc bỏ đối tượng tổ chức ra khỏi khái niệm người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Lý giải việc bỏ đối tượng tổ chức ra khỏi khái niệm người tiêu dùng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sáng 02/11, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã lý giải, làm rõ các vấn đề liên quan đến việc bỏ đối tượng tổ chức ra khỏi khái niệm người tiêu dùng.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại chương trình Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV diễn ra mới đây, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương, 80 Điều.

Nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.

Theo Bộ Công thương, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung thêm Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó, hoàn thiện các quy định về giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bổ sung, hoàn thiện quy định về bán hàng trực tiếp phù hợp với môi trường kinh doanh và tiêu dùng trong thời kỳ phát triển kinh tế số.

Bổ sung thêm quy định mới về hợp tác quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó, đưa ra các nguyên tắc hợp tác, phạm vi hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại các quốc gia.

Về việc bỏ đối tượng tổ chức ra khỏi khái niệm người tiêu dùng, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, khái niệm người tiêu dùng của dự thảo Luật được xác định là cá nhân, không bao gồm đối tượng là tổ chức vì các lý do:

Thứ nhất, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định người tiêu dùng là đối tượng ở vị trí yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong khi đó, đối tượng tổ chức (bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức không kinh doanh, hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận) về cơ bản đã có đầy đủ các chức năng, năng lực để tự khắc phục vị trí yếu thế của mình, ví dụ như có cơ cấu tổ chức, có nguồn lực, có tư vấn về pháp lý…

Thứ hai, hệ thống pháp luật dân sự, thương mại hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ đối tượng tổ chức trong quá trình thực hiện giao dịch với các tổ chức các nhân kinh doanh.

Thứ ba, kinh nghiệm các nước như Mỹ, Liên minh Châu Âu, Canada, Nga, Nhật Bản, Malaysia… đều đang quy định khái niệm người tiêu dùng chỉ là cá nhân mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho hay, vấn đề này đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, cũng như nhiều cơ quan, tổ chức khác quan tâm trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.

Cụ thể, năm 2021, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công thương, số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người. Tuy nhiên, báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia có tỉ lệ lừa đảo qua mạng cao. Số vụ lừa đảo tại Việt Nam hiện là 87.000 vụ, gây thiệt hại 374 triệu USD trong năm 2021.

Từ thực tiễn trên, đồng thời, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố chuyển đổi số, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Theo đó, dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng; phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng.

Quy định một số nội dung phải có trong giao kết hợp đồng từ xa; bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, về phương thức thương lượng, dự thảo Luật hiện hành chỉ quy định cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức xã hội hỗ trợ người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tiến hành thương lượng qua việc hỗ trợ chuyển thông tin, không can thiệp vào nội dung thương lượng, không can thiệp vào tự do ý chí của các bên trong quá trình thương lượng.

Việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định cần thiết, kế thừa quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và có điều chỉnh để phù hợp với quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Đồng thời, thủ tục nêu trên cũng phù hợp với thông lệ ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Trung Quốc, Singapore, các nước thuộc Liên minh Châu Âu.

Góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) cho rằng hàng giả có nghĩa là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán.

Theo đại biểu, với người bán hàng giả khi bị phát hiện hiện đã có luật để xử lý. Tuy nhiên, còn với người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả thì có vi phạm hay không?, theo đó, đại biểu cho hay, dự Luật lần này chưa nêu trường hợp này.

“Có nhiều thương hiệu nổi tiếng được bán giả công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư, trong pháp luật chưa có rõ trong vấn đề này. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua”, đại biểu nhấn mạnh.  

Từ đó, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, nếu không nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng thì nhiều khi lẫn lộn, cuối cùng sẽ có nhiều người phải bỏ tiền thật để mua hàng giả

TRẦN NGUYÊN

Kiến nghị không cấp giấy chứng nhận kiểm định đối với các phương tiện đã bị lập biên bản

Admin