Lý do cho dự định này của chính quyền Israel liên quan đến sở hữu của những ngôi nhà. Và vì thế mới thành chuyện luật này bác bỏ luật kia ở đây.
Khi nhà nước Israel được thành lập năm 1948, vùng miền Đông TP. Jerusalem được Liên Hợp quốc giao cho Jordani quản lý, nhưng chỉ có quyền quản lý chứ Jordani không có chủ quyền đối với vùng phía Đông này. Về sau, Israel trong mấy lần chiến tranh đã đánh chiếm và rồi dùng Luật quốc gia thôn tính miền Đông Jerusalem thành lãnh thổ của Israel và coi Jerusalem là Thủ đô của Israel. Về phương diện luật pháp quốc tế, việc làm này của Israel vi phạm luật pháp quốc tế.
Sau năm 1948, người Do Thái ở vùng phía Đông TP. Jerusalem bỏ đi và di cư về Israel. Những người Palestine bị tỵ nạn bởi chiến tranh trở về, trong đó có TP. Jerusalem. Họ sống ở trong cả những ngôi nhà mà người Do Thái đã bỏ đi ở vùng phía Đông của TP. Jerusalem sau năm 1948 và sinh sống ở đó qua các thế hệ đến tận bây giờ. Về phương diện pháp lý quốc tế, họ không phải là chủ hợp pháp của những bất động sản ấy nhưng họ có quyền cư trú và sinh sống ở nơi đây.
Năm 2018, Chính phủ Israel thông qua bộ luật với nội dung chỉ công nhận người Do Thái là công dân của nhà nước Israel. Luật này biến tất cả người Ả-rập ở Israel như người Palestine trở thành không chỉ công dân loại hai mà còn chẳng khác gì người nước ngoài ở Israel.
Sau khi thôn tính vùng phía Đông của TP. Jerusalem và trên cơ sở bộ luật nói trên, chính quyền Israel thực thi chính sách đuổi người Palestine ra khỏi những ngôi nhà thuộc sở hữu của người Do Thái từ trước năm 1948, bất chấp thực tế những người đó cũng có quyền chính đáng về chỗ ở như mọi người Do Thái khác. Có thể thấy chính sách và hành động này của phía Chính phủ Israel vừa trái với luật pháp quốc tế lại vừa mâu thuẫn với chính luật pháp quốc gia của Israel.
Ở đây có chuyện luật pháp quốc gia bất chấp luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia bất cập với nhau. Việc giải quyết vấn đề này thật ra không hề khó nếu như ở nơi khác trên thế giới chứ không phải ở Israel. Một khi đã chủ trương nhà nước Israel là nhà nước chỉ của người Do Thái thì chính phủ Israel đâu có ý định dành chỗ cho người Ả-rập, đâu có ý định cho cộng đồng người Ả-rập hiện sinh sống ở Israel (khoảng 20% trong tổng số khoảng 09 triệu người hiện tại) hòa nhập thật sự vào xã hội Israel.
Người Ả-rập ở Israel hiện tại đơn thương độc mã trong cuộc tranh đấu chống lại những bất công và phi lý này. Sự ủng hộ từ bên ngoài cho họ cứ bị mai một dần trong khi Chính phủ Israel tận dụng ngày càng thêm triệt để tình trạng mập mờ và mâu thuẫn ấy giữa luật và luật.
Hệ lụy trực tiếp của tình trạng ấy là bất hoà và xung khắc bạo lực gia tăng giữa Israel và Palestine ở khu vực Trung Đông cũng như giữa người Do Thái và người Ả-rập ở bên trong Israel. Mâu thuẫn xã hội không được giải quyết và bất cập về luật pháp không được khắc phục thì đất nước Israel không thể có được ổn định chính trị xã hội bền vững. Nói theo cách khác, Israel có thể trì hoãn và ngăn cản lâu dài việc hình thành nhà nước độc lập cho người Israel ở khu vực Trung Đông nhưng sẽ không được yên ổn trên chính trường cũng như trong nội bộ xã hội.
HẠ NHAM/PLVN