/ Luật sư - Bạn đọc
/ Luật gia đòi thân chủ hơn 100 tỉ đồng tiền hứa thưởng: Có phù hợp với quy định của pháp luật?

Luật gia đòi thân chủ hơn 100 tỉ đồng tiền hứa thưởng: Có phù hợp với quy định của pháp luật?

03/06/2022 08:24 |

(LSVN) - Khi giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc hứa thưởng, cần xem xét thỏa thuận hứa thưởng của các bên để xác định các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Không thể áp dụng các quy định về hứa thưởng tại mục 13 từ Điều 590 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 570 đến Điều 572 Bộ luật Dân sự năm 2015) mà phải áp dụng các quy định về hợp đồng để giải quyết.

Ảnh minh họa.

Ngày 31/5/2022, Tòa án nhân dân TP. HCM đã tuyên án sơ thẩm lần 2 vụ án giải quyết hợp đồng hứa thưởng đòi căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3 giữa Luật gia Đặng Đình Thịnh với mẹ con bà Vương Thị Khanh (Việt kiều Mỹ), ông Nguyễn Đắc Quang và các tranh chấp khác. Hội đồng xét xử cho rằng pháp luật không giới hạn mức thưởng nhưng quyết định chỉ cho ông Thịnh hưởng số tiền hơn 68 tỉ đồng thay vì 113,3 tỉ đồng như yêu cầu.

Vậy, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?

Theo Chuyên gia pháp lý Nguyễn Đức Hùng, Phó Trưởng Phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS nhận định rằng có nhiều vụ việc hứa thưởng phát sinh nhưng không phải là hành vi pháp lý đơn phương mà là một dạng hợp đồng. Việc phân biệt hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương hay hợp đồng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án. Trong vụ án này, ông Hùng cho rằng việc Hội đồng xét xử quyết định chỉ cho ông Thịnh hưởng số tiền hơn 68 tỉ đồng thay vì 113,3 tỉ đồng như yêu cầu là không phù hợp với quy định của pháp luật. Mặc dù, pháp luật không giới hạn mức thưởng như Hội đồng xét xử đã nhận định.

Điều 570 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hứa thưởng như sau: “Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng; Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Do đó, hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương, thể hiện ý chí ban đầu của một bên chủ thể mà không có sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên như hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, trong vụ án này giữa các bên đã có sự thỏa thuận rõ ràng về điều kiện nên quan hệ hứa thưởng giữa ông Thịnh với bà Khanh, ông Quang trong vụ án này là quan hệ hợp đồng, không phải hứa thưởng như quy định của Bộ luật Dân sự đã ghi nhận.

Bởi vì, hợp đồng hứa thưởng trong vụ án giữa đôi bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Trong vụ án này, các đương sự không cung cấp các tài liệu chứng cứ chứng minh có sự ép buộc. Việc trả thưởng phải được thực hiện theo đúng thỏa thuận.

Do đó, khi giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc hứa thưởng. Cần xem xét thỏa thuận hứa thưởng của các bên để xác định các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Đối với vụ án này, không thể áp dụng các quy định về hứa thưởng tại mục 13 từ Điều 590 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 570 đến Điều 572 Bộ luật Dân sự năm 2015) để giải quyết mà phải áp dụng các quy định về hợp đồng để giải quyết.

Hợp đồng hứa thưởng hiện nay được quy định như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Hùng cho biết, hứa thưởng được hiểu là một bên đưa ra lời tuyên bố hứa thưởng có mục đích làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự cho một chủ thể khác. Và khi tuyên bố hứa thưởng khi đã được thể hiện công khai, trực tiếp thì người tuyên bố hứa thưởng sẽ phải trả thưởng cho những người có đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, hứa thưởng trong công việc mà bên tuyên bố hứa thưởng đưa ra không thỏa mãn được các điều kiện cơ bản thì lời tuyên bố hứa thưởng mặc nhiên không có giá trị. Đây là hành vi pháp lý đơn phương. Theo đó, người hứa thưởng có thể tự mình đưa ra các điều kiện, mức thưởng… mà không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể tham gia. Khi tham gia vào quan hệ hứa thưởng, các bên hoàn toàn không bị bó buộc bởi một sự cam kết hay thoả thuận song phương nào do bản chất của hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương. Có tính công khai, được thể hiện ở chỗ không ấn định cũng như không giới hạn về chủ thể tham gia, mà chỉ đưa ra một số quy ước hay điều kiện nhất định.

Chính vì vậy, mặc dù Bộ luật Dân sự 2005 và 2015 có quy định rất nhiều loại hợp đồng, như Hợp đồng uỷ quyền, Hợp đồng dịch vụ, Hợp đồng mua bán… nhưng tuyệt nhiên không tồn tại khái niệm “Hợp đồng hứa thưởng” trong bất kỳ một quan hệ pháp luật nào. Cái gọi là “Hợp đồng hứa thưởng” do các bên xác lập để thực hiện một hay một số công việc nào đó, thực chất là một dạng hợp đồng dịch vụ, được quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015, với nội dung như sau: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”.

Như vậy, cái gọi là “Hợp đồng hứa thưởng” thực chất là một dạng hợp đồng dịch vụ. Do vậy, khi có tranh chấp về điều khoản hứa thưởng đối với dạng hợp đồng này, Toà án không thể áp dụng điều 570 Bộ luật Dân sự 2015 (là điều luật quy định riêng về chế định hứa thưởng) để xét xử và công nhận hợp đồng, mà cần phải áp dụng các quy định tại Mục 9 Chương XVI Bộ luật Dân sự 2015 để giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chủ thể của hợp đồng dân sự phải là những người tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng để có những quyền, nghĩa vụ phát sinh và phải chịu trách nhiệm về những quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó. Để tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng, các hệ thống pháp luật đều quy định chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của từng chủ thể phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.

Về ý chí của các bên tham gia hợp đồng, chủ thể khi tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng bắt buộc phải hoàn toàn tự nguyện. Tự nguyện trong việc xác lập hợp đồng, trong việc thực hiện hợp đồng. Tức là họ sẽ tự mình quyết định là có tham gia hay không tham gia vào hợp đồng theo nguyện vọng của chính bản thân họ, mà không có bất kỳ chịu sự chi phối hay sự tác động, can thiệp từ những người khác. Hình thức của hợp đồng để ghi nhận ý kiến, chứng minh sự tồn tại của hợp đồng. Hợp đồng có thể được thể hiện bằng những hình thức như lời nói, văn bản, hành vi cụ thể. Tuy nhiên, nếu pháp luật quy định phải được công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo.

Nếu vi phạm các bên sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc xử lý việc người hứa thưởng không thực hiện trả thưởng. Do đó, nếu vi phạm hợp đồng thì các bên có thể lựa chọn phương án giải quyết theo hình thức thương lượng và hòa giải trên nguyên tắc tôn trọng quyền và nghĩa vụ của các bên. Nếu không giải quyết được thì một trong các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Nếu gây ra thiệt hại cho người khác thì bên hứa thưởng và bên thực hiện công việc sẽ cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

PV

Bùi Thị Thanh Loan