Ảnh minh họa.
Văn hóa ứng xử của Luật sư được thể hiện qua việc Luật sư tuân thủ quy định của pháp luật, Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Nội quy của Đoàn Luật sư; tuân thủ quy tắc trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Ứng xử của người Luật sư trong giao tiếp, cư xử với khách hàng, với đồng nghiệp, với cơ quan, người tiến hành tố tụng, với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác trong khi hành nghề và cả trong giao tiếp xã hội.
Trong ứng xử với khách hàng, Luật sư cần có thái độ tôn trọng khách hàng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng, giữ bí mật thông tin liên quan đến khách hàng. Cảm thông, chia sẻ với khách hàng.
Văn hóa ứng xử của Luật sư còn được thể hiện nhiều trong mối quan hệ giữa Luật sư với những đồng nghiệp của mình. Đây là mối quan hệ độc lập nhưng có sự hợp tác, giúp đỡ và cả cạnh tranh nghề nghiệp lẫn nhau giữa các Luật sư nhằm nâng cao các hoạt động nghiệp vụ và phục vụ khách hàng được tốt hơn. Sự đoàn kết giữa các Luật sư, bảo vệ uy tín của nhau, người Luật sư phải thận trọng trong việc phê phán hoặc chỉ trích Luật sư khác. Việc góp ý cho đồng nghiệp hoàn thiện bản thân là rất cần thiết nhưng phải trên tinh thần xây dựng, hợp, tác vì sự phát triển của đồng nghiệp và sự phát triển của nghề Luật sư.
Văn hóa ứng xử của Luật sư thể hiện qua ứng xử của Luật sư với Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng Luật sư có thái độ tôn trọng, thiện chí, phối hợp nhưng phải giữ được tính độc lập của nghề nghiệp với mục tiêu bảo vệ khách hàng, bảo vệ công lý. Tạo được mối quan hệ hợp tác, cởi mở, chân tình giữa những người cùng hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp giữa Luật sư đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và các công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng,
Đối với các tổ chức, cá nhân khác khi tiếp xúc, làm việc Luật sư có thái độ ứng xử đúng mực, không được có lời nói, việc làm ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đó.
Thái độ đúng mực, có văn hóa ứng xử trong hành nghề, trong lối sống giúp cho các cá nhân, cơ quan tổ chức khi làm việc với Luật sư có cái nhìn tốt đẹp, tích cực về cá nhân Luật sư cũng như nghề Luật sư. Mỗi Luật sư ai cũng có trách nghiệm phát huy và duy trì những điểm sáng của nghề, phải có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm giá của mình, giữ mối quan hệ tốt với mọi người, với đồng nghiệp đồng thời góp phần giữ gìn, nâng cao những giá trị, truyền thống tốt đẹp của Luật sư.
Mọi việc làm, ứng xử, lời ăn, tiếng nói của người Luật sư tạo lập nên văn hóa ứng xử của chính cá nhân Luật sư đó và góp phần xây dựng hình ảnh người Luật sư, nghề Luật sư.
THIÊN AN
Bàn về quy định Luật sư cần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng