/ Nghề Luật sư
/ Luật sư có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng

Luật sư có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng

26/09/2024 11:13 |

(LSVN) - Từ ngày 15/11/2024, Luật sư có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Ảnh minh họa.

Ngày 18/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nghị định 117/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2024.

Trong đó đáng chú ý, Nghị định 117/2024/NĐ-CP đã bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Cụ thể: “5a. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.”.

Nghị định 117/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ, trường hợp Luật sư thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 5a Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đối với người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Toà án thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 15 và khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Như vậy, từ ngày 15/11/2024, Luật sư có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Hiện nay, Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư. Khoản 5 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Hoạt động không đúng phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

- Cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam để hành nghề luật sư;

- Sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân hoặc sử dụng giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của người khác để hành nghề luật sư.

Ngoài ra, Nghị định 117/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau: "c) Tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác;”. Như vậy, trong hoạt động hành nghề luật sư, sẽ phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác.

Nghị định 117/2024/NĐ-CP bổ sung điểm g vào sau điểm e khoản 7 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người hành nghề luật sư có hành vi thực hiện hoạt động dịch vụ pháp lý khác không đúng theo quy định tại Điều 30 của Luật Luật sư.

HỒNG HẠNH

 

Bùi Thị Thanh Loan